Ô nhiễm không khí làm giảm tuổi thọ nhiều hơn so với các yếu tố rủi ro khác, kể cả hút thuốc

Một nghiên cứu mới đây công bố trên tạp chí Cardiovascular Research (Nghiên cứu tim mạch) cho thấy con người đánh mất trung bình gần ba năm tuổi thọ vì hít thở ô nhiễm không khí ngoài trời.

Nghiên cứu này cũng cho thấy có thể lấy lại 1 năm tuổi thọ nếu phát thải nhiên liệu hóa thạch giảm xuống 0; và tăng thêm 20 tháng tuổi thọ nếu cắt giảm được tất cả các nguồn ô nhiễm không khí có thể kiểm soát (trừ cháy rừng tự nhiên hoặc bụi do gió).

"Điều này chứng thực rằng ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch đủ điều kiện trở thành một yếu tố rủi ro sức khỏe toàn cầu," các nhà nghiên cứu viết.

"Giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí cao hơn nhiều so với nhiều yếu tố rủi ro khác, kể cả hút thuốc," đồng tác giả nghiên cứu mới, giáo sư Jos Lelieveld thuộc Viện hóa học Max Planck cho biết.

Thành phốSarajevo, Bosnia.

Nghiên cứu mới dựa trên mô hình tác động của bụi mịn PM2.5, mô hình tác động của ozone, mô hình mức độ tiếp xúc với cả hai chất ô nhiễm kể trên lên cơ thể, và số liệu dân số cũng như tỷ lệ tử vong trong năm 2015. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã tính toán tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời trong sáu nhóm dân số, bao gồm nhóm mắc các bệnh không lây nhiễm không xác định như huyết áp cao và tiểu đường.

Kết quả cho thấy tuổi thọ của người dân trên thế giới bị giảm trung bình 2,9 năm do ô nhiễm không khí ngoài trời - mức giảm hơn so với hút thuốc lá (2,2 năm), bạo lực (0,3 năm), HIV / AIDS (0,7 năm).

Nếu cắt giảm tất cả các nguồn ô nhiễm không khí có thể kiểm soát được, thì có thể tránh được hơn 5,5 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm, nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các khu vực và quốc gia. Mức cắt giảm nói trên có thể cứu được 2,4 triệu ca tử vong sớm mỗi năm ở Đông Á và lấy lại 3 trong số 3,9 năm tuổi thọ bị giảm vì ô nhiễm không khí ngoài trời. Tuy nhiên, ở Châu Phi cùng mức cắt giảm đó chỉ cứu được 230.000 ca tử vong sớm mỗi năm và lấy lại hơn 8 tháng trong số 3,1 năm tuổi thọ bị mất. Ở Úc, tác động tích cực từ cắt giảm ô nhiễm còn thấp hơn nữa.

Điều này, các tác giả lưu ý, là do nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như ô nhiễm không khí ngoài trời ở Châu Phi bị chi phối bởi bụi gió và Úc vốn đã có chính sách ô nhiễm không khí nghiêm ngặt hơn so với nhiều quốc gia khác.

Khói bụi ở Hà Nội.

Nhóm dễ bị tổn thương

Bệnh nhân tim mạch vành chiếm số lượng tử vong sớm lớn nhất trong sáu nhóm, ở mức gần 2,8 triệu trường hợp mỗi năm trên toàn thế giới và chiếm hơn 28% tổn thất về tuổi thọ. Trong khi đó, các nhóm tử vong do ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp có tổng số 2,6 triệu ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời mỗi năm.

"Ngay cả khi phổi là mục tiêu chính của ô nhiễm không khí, vẫn sẽ có sự truyền các hạt vào máu và vào mạch máu," Giáo sư Thomas Münzel, thuộc Trung tâm Y tế Đại học Mainz ở Đức và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Münzel cũng lưu ý rằng tình trạng này sẽ gây viêm và theo thời gian, mảng bám sẽ tích tụ trong các động mạch.

Münzel cho biết những phát hiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc coi ô nhiễm không khí là yếu tố nguy cơ cho bệnh tim mạch trong các hướng dẫn chính thức cho các bệnh nhân.

Tuy nhiên, nghiên cứu có một số hạn chế, chẳng hạn như chỉ xem xét hai chất gây ô nhiễm không khí và không nhìn vào thành phần hóa học của vật chất hạt. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng có thể có các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí nhưng hiện không được phản ánh trong nghiên cứu, và các mô hình dựa trên dữ liệu từ một số quốc gia hạn chế.

Do đó, nhóm cho biết có những biến số lớn trong các phát hiện. Tuy nhiên, Münzel nói, nghiên cứu góp phần nhấn mạnh rằng các chính phủ cần hành động.

"Chúng ta cần giảm phát thải - 91% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới," ông nói.

Trong các biện pháp nhóm đề xuất, Münzel nhấn mạnh, điều quan trọng là tiến hành nghiên cứu các loại thuốc có thể giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.

Nguồn: