Ô nhiễm không khí làm chững lại sự phát triển của phổi trẻ em, tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi, hen suyễn nặng và tử vong sớm, một nghiên cứu mới đây trên tạp chí The Lancet cảnh báo.

Các nhà khoa học từ Đại học Queen Mary ở London, Đại học King và Đại học Edinburgh đã theo dõi hơn 2.000 trẻ em từ 28 trường tiểu học ở các khu vực bị ô nhiễm của London.

Họ thấy rằng có tương quan giữa ô nhiễm và sức chứa của phổi trẻ em. Mỗi 1 microgram Nitơ Dioxide trên 1 mét khối không khí làm phổi trẻ em mất 2,5 ml dung tích.

Đối với trẻ em sống trong các khu vực có mức ô nhiễm vượt giới hạn trung bình hàng năm của EU (40 microgram/ mét khối), dung tích phổi của chúng giảm 100ml, tương đương với giảm 5%.

Giáo sư Chris Griffiths từ Đại học Queen Mary cho biết: “Tuy chất lượng không khí đã được cải thiện ở London, nhưng nghiên cứu này cho thấy ô nhiễm không khí do dầu diesel ở các thành phố vẫn đang gây tổn hại đến sự phát triển phổi ở trẻ em, khiến chúng có nguy cơ mắc bệnh phổi khi lớn lên và tử vong sớm."

“Chúng ta đang nuôi dưỡng một thế hệ trẻ em với phổi không khỏe mạnh khi chúng lớn lên."

Mặc dù nghiên cứu chỉ giới hạn ở London, có nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng hàng trăm ngàn trẻ em trên khắp nước Anh liên tục tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí nguy hiểm, đặc biệt là ở trường học.

Ô nhiễm không khí liên quan đến 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Trẻ em đặc biệt dễ bị rối loạn hô hấp suốt đời, hen suyễn và nhiễm trùng ngực vì phổi của chúng vẫn đang phát triển.

Tiến sĩ Samantha Walker, Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Tổ chức Hen suyễn Anh, cho biết: “Việc phổi của trẻ không được phát triển đúng cách do ô nhiễm không khí sẽ làm tăng khả năng phát triển bệnh hen suyễn, gây khó thở và có nguy cơ gây những cơn hen nguy hiểm tính mạng. Chính phủ cần phải giải quyết ô nhiễm không khí bằng cách đưa ra một Đạo luật không khí sạch để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em."

Các nhà nghiên cứu nhận thấy số trẻ em sống ở những khu vực bị ô nhiễm vượt quá giới hạn của EU đã giảm từ 99% xuống còn 34%, kể từ khi chính sách quy định các vùng phát thải thấp được triển khai tại London vào năm 2008. Tuy nhiên, dung tích phổi của trẻ em vẫn không cải thiện, phần lớn là vì trẻ em bị ô nhiễm nhiều nhất trong các trường học, thường nằm bên cạnh những con đường đông đúc.

Các nhà nghiên cứu nói rằng các bác sĩ lâm sàng nên xem xét tư vấn cho cha mẹ của trẻ em mắc bệnh phổi nên tránh sống trong các khu vực ô nhiễm cao.

Tiến sĩ Ian Mudway từ trường Đại học King cho biết: “Rất cần phải cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là trong các thành phố thường xuyên tắc nghẽn."

"Các chính sách như quy định vùng phát thải thấp cố gắng làm điều này, nhưng hiệu quả của chính sách cần được đánh giá cẩn thận và khách quan, không chỉ về việc liệu chúng có cải thiện chất lượng không khí hay không, mà quan trọng hơn là liệu chúng có mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân không."

London sẽ giới thiệu chính sách về khu vực phát thải cực thấp vào năm tới, yêu cầu các phương tiện phải đáp ứng các quy tắc phát thải nghiêm ngặt.

Giáo sư Frank Kelly từ Đơn vị nghiên cứu bảo vệ sức khỏe của NIHR cho biết: “Những phát hiện mới liên quan đến ô nhiễm không khí và sự phát triển phổi của trẻ em hỗ trợ thêm về mặt khoa học cho chính sách Khu phát thải cực thấp ở London vào đầu năm tới”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet.


Nguồn: