Bộ Y tế Mỹ vừa ban hành những chỉ dẫn sức khỏe mới nhằm khuyến khích người dân nước này, thay vì ngồi một chỗ hoặc nằm quá nhiều, thì hãy siêng vận động hơn.
Chỉ dẫn nhấn mạnh, các hoạt động thể chất, dù chỉ diễn ra trong một vài phút và dưới bất cứ hình thức nào, thì cũng đều tốt hơn là không làm gì, và vì thế, chúng nên được đưa vào lộ trình sinh hoạt hàng ngày.
Theo đó, một người trưởng thành nên giành ít nhất 150 – 300 phút mỗi tuần để tập aerobic (tương đương với 7.000 – 9.000 bước đi bộ), cùng với 2 luần mỗi tuần cho các hoạt động giúp phát triển và tăng cường cơ bắp như hít đất, đứng lên ngồi xuống hoặc nâng vật nặng. Còn trẻ em và thanh thiếu niên 6 – 17 tuổi cũng được khuyến nghị nên giành ít nhất 1 giờ để vận động – vừa phải hoặc tăng cường – mỗi ngày. Trong khi trẻ nhỏ, nhất là những em trong độ tuổi 3 – 5 cũng cần được chơi đùa và vận động ít nhất 3 giờ mỗi ngày để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển, nhất là đối với khung xương.
Mặc dù vậy, các báo cáo y tế lại chỉ ra một thực trạng không mấy làm tích cực, khi chỉ khoảng 26% nam giới, 19% phụ nữ và 20% thanh thiếu niên ở Mỹ đáp ứng được những chỉ dẫn trên. Và mặc dù người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và tìm đến các hoạt động thể chất, thì tỷ lệ này ở thanh thiếu niên lại sụt giảm. Cũng theo các nghiên cứu, khoảng 10% số ca tử vong sớm ở Mỹ có nguyên do từ sự lười vận động. Vì vậy, nếu có thể khuyến khích khoảng 25% số người – vốn thích ngồi và nằm một chỗ – tích cực vận động hơn, khoảng 75.000 người sẽ được cứu sống mỗi năm.
Janet Fulton – nhà quản lý cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) – cho biết, các hoạt động thể chất được xem là liều thuốc thần kỳ đối với sức khỏe, bởi chúng không chỉ có tác dụng giúp làm giảm nguy cơ tử vong sớm mà còn đem lại nhiều lợi ích, cả trong ngắn lẫn dài hạn. Một trong số những lợi ích có thể nhìn thấy ngay được, đó là chúng giúp làm hạ huyết áp, cải thiện giấc ngủ và độ nhạy cảm với insulin (từ đó làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2). Còn về lâu dài, các hoạt động thể chất được chứng minh là sẽ giúp cải thiện sức khỏe và khả năng nhận thức của não bộ, ngăn ngừa tình trạng gãy xương (do loãng xương) ở người già (nhờ củng cố và duy trì sự cân bằng của khung xương), bên cạnh giảm trầm cảm sau sinh (đối với phụ nữ) và cả nguy cơ mất trí. Thứ nữa, chúng còn tỏ ra đặc biệt hữu ích trong việc ngăn chặn hoặc làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bao gồm: ung thư vú và ruột kết, bàng quang, nội mạc tử cung, thực quản, thận, dạ dày và phổi.
Vì thế, để có một đời sống lành mạnh và hạnh phúc, có lẽ đã tới lúc chúng ta nên “vận động nhiều hơn và ngồi ít đi”.
Công Nhất (Theo Live Science)