Các chuyên gia nói rằng miệt thị cân nặng có thể làm cho nạn nhân trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống..., thậm chí tử vong.

Cách đây vài năm, Pauline Sobelman, nhân viên tư vấn phúc lợi, 52 tuổi, ở TP New York, cảm thấy ngực bị bóp nghẹt. Lo ngại đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng về tim, bà ngay lập tức tìm đến bác sĩ. Vấn đề đầu tiên mà Sobelman gặp phải tại phòng khám là không có chiếc áo choàng bệnh nhân nào vừa với cơ thể cao 1m5 và nặng hơn 90 kg của bà. Bác sĩ bước vào và nhìn Sobelman với đôi mắt mở to và khuôn mặt nhăn nhó, thể hiện sự ghê tởm, bà kể lại trải nghiệm ám ảnh.

“Tôi thật sự xấu hổ khi bác sĩ nhìn cơ thể tôi với vẻ kinh hoàng", Sobelman nhớ lại.

Mặc dù bác sĩ đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh - viêm sụn sườn và sụn ngực - Sobelman không bao giờ quay lại phòng khám này và thường tìm cách tránh mặt bác sĩ kể từ đó.

Gần đây, khi gặp vấn đề bàng quang, bà đã gọi cho bác sĩ mới trước khi đến khám để thăm dò xem liệu bác sĩ có miệt thị cân nặng hay không. Sobelman không phải là người duy nhất bị chuyên gia y tế cũng như nhiều người trong xã hội kỳ thị vì cân nặng.

Ảnh minh họa

Áp lực xã hội đối với người thừa cân

Những năm gần đây, các nhà khoa học đã ghi nhận điều mà những người thừa cân nhận thấy từ lâu: sự kỳ thị về cân nặng đang lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nạn nhân. Hành động tấn công này có thể dẫn đến nhiều tình trạng tiêu cực: trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống cùng các vấn đề sức khỏe tâm thần khác; sức khỏe tim mạch kém; và thậm chí tử vong.

Một cuộc khảo sát trên 14.000 người trưởng thành có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao ở Pháp, Đức, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Mỹ, cho thấy tình trạng miệt thị cân nặng diễn ra thường xuyên. Kết quả của khảo sát này đã được công bố vào năm 2021 trên tạp chí y khoa PLOS One.

Trong một số trường hợp, người thân và các chuyên gia y tế tin rằng việc chế nhạo bệnh nhân về cân nặng có thể giúp họ giảm cân, nhưng nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại - theo Rebecca Puhl, phó giám đốc Trung tâm Rudd về Chính sách Lương thực và Sức khỏe tại Đại học Connecticut. "Khi người ta cảm thấy xấu hổ về cân nặng của mình, nguy cơ tăng cân của họ cũng tăng theo," bà nói. Theo các nghiên cứu, thanh thiếu niên bị miệt thị cân nặng có tỷ lệ béo phì cao hơn khi đến độ tuổi 30.

Theo một khảo sát năm 2020 của Puhl và các đồng nghiệp, những thanh niên bị miệt thị cơ thể trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát có nhiều khả năng trở nên trầm cảm và ăn uống vô độ trong đại dịch hơn những người không bị kỳ thị.

Mary Himmelstein, chuyên gia khoa học tâm lý tại Đại học Bang Kent, cho biết ngay cả những người thừa cân cũng thường xuyên khiến người khác xấu hổ về cân nặng. Ví dụ, khoảng 42% người Mỹ có chỉ số khối thuộc nhóm béo phì, nhưng một phần trong nhóm này này cảm thấy thoải mái khi chế giễu những người có thân hình to lớn, Himmelstein cho biết.

Thừa cân thường bị hiểu nhầm là do thiếu ý chí, nhưng thực tế còn nhiều yếu tố liên quan như di truyền, môi trường sống.

Người thường và bác sĩ cũng hiểu nhầm về thừa cân

Nhiều người cảm thấy có quyền đánh giá những người thừa cân, vì người thừa cân được mô tả trong các bộ phim và chương trình truyền hình là cẩu thả, khó ưa và không có khả năng kiểm soát. Cân nặng thường được cho là vấn đề thuộc kiểm soát cá nhân,nếu thừa cân thì đó là do lười biếng. Cân nặng trở thành dấu hiệu của sự thiếu ý chí, vì người ta nghĩ rằng ai cũng có thể giảm cân nếu muốn. Thực tế, hầu hết những người thừa cân thường cố gắng giảm cân trong nhiều năm mà không thành công. Khoa học đã chỉ ra nhiều yếu tố - bao gồm di truyền, môi trường văn hóa, thể chất, vi khuẩn trong ruột - đóng vai trò đối với trọng lượng cơ thể, và các chế độ ăn kiêng không phải lúc nào cũng có tác dụng.

Trong lịch sử, thân hình lý tưởng luôn thay đổi để phản ánh lối sống của giai cấp cầm quyền. Khi thức ăn khan hiếm, những cơ thể to béo thể hiện sự giàu có. Đến thế kỷ 20, với lượng thức ăn dồi dào, lý tưởng về vẻ đẹp đã bị đảo ngược và những người có cơ thể to béo được coi là kém hấp dẫn hơn.

Trong khi đó, nhiều người bị miệt thị vì cân nặng và cảm thấy xấu hổ về bản thân không thực sự là người béo phì theo định nghĩa y học. Và những người gầy hơn cũng có thể gặp phải những tác động tiêu cực thường bị gắn với thừa cân, như lo lắng và rối loạn ăn uống.

Nghiên cứu trên PLOS One cho thấy 2/3 những người thừa cân từng bị miệt thị bởi bác sĩ của họ. Đây có thể là lý do khiến những người thừa cân có xu hướng tránh các cơ sở y tế, dẫn đến tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn.

Các bác sĩ cũng có xu hướng đổ lỗi các triệu chứng sức khỏe kém là do bệnh nhân thừa cân, ngay cả khi các yếu tố khác có nhiều khả năng liên quan hơn. Điều này đã xảy ra với Sobelman khi bà phải đến gặp bác sĩ nhãn khoa lâu năm của mình vào năm 2020. Bác sĩ chẩn đoán, vì bà nặng hơn so với lần khám trước, cho nên bệnh tiểu đường là căn nguyên của vấn đề về thị lực. Lo lắng về chẩn đoán mới, Sobelman vội vàng đi xét nghiệm máu, kết quả bà âm tính với tiểu đường. Vấn đề hóa ra là do kính áp tròng không phù hợp, một chẩn đoán đơn giản hơn nhưng bác sĩ đã không tính đến.

Miệt thị cân nặng và stress

Thông thường, việc xấu hổ về cân nặng khiến con người thay đổi hành vi ăn uống. Trong một thử nghiệm kéo dài một ngày, nhóm những phụ nữ thừa cân và bị kỳ thị có xu hướng ăn vặt nhiều hơn những người thừa cân nhưng không bị tác động. Cả Puhl và Himmelstein nhận thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nếu thường xuyên bị kỳ thị thì sẽ có nhiều khả năng ăn uống vô độ hơn.

Những người bị miệt thị còn có xu hướng ít tập thể dục hơn, điều mà các nhà nghiên cứu khác cũng đã ghi nhận. Việc miệt thị cân nặng kích hoạt một chu trình: Cảm giác bị từ chối khiến não của một người giải phóng hormone cortisol gây căng thẳng, tạo ra cảm giác thèm ăn - đặc biệt là đồ béo và đường - đồng thời nó báo hiệu cho cơ thể tích tụ chất béo ở vùng bụng.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra chiến lược nào hiệu quả để làm giảm thiên kiến về cân nặng trong xã hội. "Tình trạng này khó gỡ bỏ hơn các dạng kỳ thị khác", theo Puhl. Ví dụ, việc khuyến khích những người thuộc các chủng tộc khác nhau tìm hiểu nhau có thể giúp giảm phân biệt chủng tộc, nhưng cách này không có tác dụng với cân nặng.

Puhl nghi ngờ rằng sẽ không tìm ra giải pháp nào cho đến khi có những thay đổi lớn trong chuẩn mực xã hội. “Trong cuộc sống hằng ngày, con người bị bủa vây bởi những thông điệp củng cố định kiến cân nặng hơn là những thông điệp ngược lại", Puhl nói.

Nguồn: