Theo một nghiên cứu lớn ở Anh, những người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và tim mạch trong nhiều tuần sau khi nhiễm Covid.

Nguy cơ mắc các vấn đề về tim và tuần hoàn, chẳng hạn như nhịp tim không đều và cục máu đông trên phổi, ở bệnh nhân Covid cao hơn gần sáu lần so với những người không bị nhiễm Covid ở cùng độ tuổi và giới tính, và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 80%, trong một tháng sau khi nhiễm Covid, theo nghiên cứu mới.

Hình minh họa. Nguồn: PA

Các nhà khoa học đã tổng hợp hồ sơ sức khỏe từ hơn 400.000 bệnh nhân Covid ở Anh và 400.000 người chưa từng nhiễm Covid. Tất cả những người này đã được kiểm tra xem có các chẩn đoán tim mạch hoặc tiểu đường mới trong vòng 12 tháng trở lại đây hay không.

Theo phân tích, nguy cơ bị chẩn đoán các tình trạng tim mạch đã giảm trở lại bình thường sau bảy tuần sau khi xét nghiệm dương tính với Covid, nhưng đối với bệnh tiểu đường, nguy cơ bị chẩn đoán mắc tiểu đường phải mất gần sáu tháng để trở lại mức ban đầu.

Tiến sĩ Emma Rezel-Potts, một nhà dịch tễ học trong nghiên cứu tại Đại học King's College London, cho biết: “Các bác sĩ cần nhận thức được nguy cơ gia tăng tiềm ẩn cho bệnh nhân của họ, và đặc biệt là cách họ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong vài tháng sau khi bị nhiễm Covid thông qua một chế độ ăn uống được cải thiện và tập thể dục.”

Trong khi Covid có thể gây ra tổn thương trực tiếp cho các cơ quan và hệ tuần hoàn, Rezel-Potts nhấn mạnh rằng nhiều yếu tố khác có thể giải thích kết quả nghiên cứu. Ví dụ, các bệnh nhân Covid trong nghiên cứu có nhiều khả năng bị thừa cân và có nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hơn so với nhóm đối chứng không bị nhiễm, khiến họ dễ mắc các bệnh lý khác. Một số bệnh nhân có thể đã mắc bệnh tiểu đường từ trước khi mắc Covid nhưng chưa được chẩn đoán, hoặc các vấn đề về tim chỉ bị phát hiện sau khi họ nhiễm Covid.

Mặc dù lý do không chắc chắn, các nhà nghiên cứu tin rằng các bác sĩ nên cảnh giác với bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch ở bệnh nhân mắc Covid, đồng thời nhắc nhở họ rằng thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thêm. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Plos Medicine.

Rezel-Potts nói: “Sau một khoảng thời gian, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường dường như sẽ trở lại mức cơ bản. Nhưng chúng ta phải thận trọng trong giai đoạn cấp tính của bệnh, và lưu ý rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường dường như tăng cao trong vài tháng, vì vậy trong thời gian này cần phòng ngừa rủi ro.”

Tiến sĩ Faye Riley tại Diabetes UK cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy Covid có thể gây ra các ca mắc bệnh tiểu đường mới ở một số người. “Trong khi các bằng chứng liên quan ngày càng tăng, vẫn chưa rõ liệu Covid-19 có trực tiếp gây ra các trường hợp mắc bệnh tiểu đường mới hay không, hay nó chỉ làm lộ ra các trường hợp tiểu đường chưa được chẩn đoán trước đây,” cô nói. “Điều quan trọng là mọi người phải nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như giảm cân không rõ nguyên nhân, cảm thấy khát hoặc mệt mỏi hoặc đi vệ sinh thường xuyên hơn, cho dù đã bị Covid-19 hay chưa.”

“Điều quan trọng là phải hiểu nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 của bạn và nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu lo ngại rằng mình mắc tiểu đường trong giai đoạn đang hồi phục sau Covid-19,” theo Riley.

Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/jul/19/catching-covid-raises-diabetes-cardiovascular-risk-for-weeks-study-finds