Giấc ngủ kém có thể cản trở nỗ lực giảm cân của nhiều người, theo nghiên cứu mới.

Mỗi năm hàng triệu người thừa cân hoặc béo phì cố gắng giảm cân. Nhiều người sau khi giảm cân cũng phải cố gắng giữ cho cân nặng không tăng trở lại.

Mới đây, kết quả từ một thử nghiệm ngẫu nhiên, được tiến hành bởi Đại học Copenhagen và được trình bày tại Đại hội Châu Âu về Béo phì, cho thấy giấc ngủ tốt hơn và dài hơn có thể giúp duy trì nỗ lực giảm cân.

Hình minh họa. Nguồn:Dominic Lipinski/PA

Ngủ không đủ giấc hoặc chất lượng kém sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao và chất béo tích tụ trong động mạch. Ngủ không đủ giấc cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường, viêm nhiễm và bệnh tim. Các nhà khoa học ngày càng tin rằng giấc ngủ kém có thể là một yếu tố góp phần làm tăng cân trở lại sau khi đã giảm cân.

Trong nghiên cứu mới, 195 người lớn bị béo phì ở độ tuổi từ 18 đến 65 đã tuân thủ một chế độ ăn uống rất ít calo (800 kcal/ngày) trong tám tuần, và giảm trung bình 12% trọng lượng cơ thể của họ.

Sau đó họ được theo dõi trong một năm. Thời gian ngủ của họ được đo bằng dữ liệu từ thiết bị đeo và chất lượng giấc ngủ của họ được đo bằng chỉ số chất lượng giấc ngủ Pittsburgh (PSQI), một bảng câu hỏi tự đánh giá.

Trung bình, những người ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm có chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng 1,3 điểm sau một năm so với những người ngủ nhiều hơn sáu giờ.

Tương tự, chỉ số BMI của những người có giấc ngủ kém chất lượng tăng 1,2 điểm sau một năm so với những người có giấc ngủ chất lượng tốt. Các tác giả lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ mang tính chất quan sát và không thể chứng minh rằng giấc ngủ kém gây ra thay đổi cân nặng, nhưng họ cho rằng giấc ngủ là một yếu tố đóng góp.

Giáo sư Signe Torekov, Đại học Copenhagen, cho biết: “Thực tế là sức khỏe giấc ngủ có liên quan mật thiết đến việc duy trì giảm cân, và nhiều người trong chúng ta không ngủ đủ giấc để có sức khỏe và khả năng hoạt động tối ưu”.

Hơn một phần ba số người trưởng thành ở Anh và Mỹ không thường xuyên ngủ đủ giấc, theo các nghiên cứu trước đây cho thấy, chủ yếu do các yếu tố trong cuộc sống hiện đại bao gồm căng thẳng, máy tính, thiết bị thông minh và công việc.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy khoảng hai giờ hoạt động thể chất mạnh mỗi tuần có thể giúp duy trì thời gian và chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Torekov cho biết: “Nghiên cứu trong tương lai kiểm tra những cách có thể cải thiện giấc ngủ ở người lớn bị béo phì sẽ là một bước quan trọng để hạn chế tình trạng tăng cân trở lại”.

Một nghiên cứu thứ hai được trình bày tại hội nghị cho thấy hơn 1.300 ca tử vong do ung thư tuyến tiền liệt hàng năm ở Anh có thể được ngăn ngừa nếu phần lớn đàn ông không bị thừa cân. Kết quả này được công bố trên tạp chí BMC Medicine, cho thấy nam giới nên cố gắng duy trì cân nặng hợp lý.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Aurora Pérez-Cornago tại Đại học Oxford cho biết: “Biết thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt là chìa khóa để ngăn ngừa nó. Tuổi tác, tiền sử gia đình và dân tộc là những yếu tố nguy cơ đã biết nhưng đây là các yếu tố không thể thay đổi được, vì vậy điều quan trọng là phải phát hiện ra các yếu tố có thể thay đổi”.

Một nghiên cứu thứ ba được trình bày tại hội nghị cho thấy gần một phần tư thanh thiếu niên béo phì không biết rằng họ bị béo phì, mặc dù hầu hết họ đều lo lắng về ảnh hưởng của cân nặng đối với sức khỏe tương lai của họ.

Nguồn: https://www.theguardian.com/society/2022/may/04/poor-sleep-may-hinder-attempts-to-maintain-weight-loss-study-finds