2/3 số trẻ em Mỹ từ 1 đến 4 tuổi đã từng nhiễm SARS-CoV-2, theo kết quả khảo sát kháng thể trên phạm vi cả nước.
Trong khi số ca nhiễm chính thức được báo cáo ở Mỹ chỉ vào khoảng 17% trẻ em dưới 18 tuổi. "Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm," nhà dịch tễ học Kristie Clarke tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, người dẫn đầu khảo sát mới cho biết.
Số ca nhiễm chính thức, dựa trên kết quả xét nghiệm PCR và kháng nguyên, hầu như không thể hiện được tỷ lệ nhiễm bệnh trên thực tế, đặc biệt là ở trẻ em, vì nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhẹ và không có triệu chứng, do đó không được xét nghiệm.
Để đánh giá quy mô số ca nhiễm thực tế, Clarke và các đồng nghiệp tìm kháng thể chống lại SARS-CoV-2 trong các mẫu máu của 86.000 trẻ em dưới 18 tuổi lấy từ các cuộc khám bác sĩ từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022. Trong đó bao gồm khoảng 6.100 trẻ em từ 1 đến 4 tuổi.
Nhóm Clarke tìm kháng thể nhắm mục tiêu vào một loại protein trên virus SARS-CoV-2 - kháng thể này không có trong các vaccine COVID-19 được sử dụng ở Mỹ. Vì thế có thể khẳng định trẻ em có kháng thể này đã từng nhiễm bệnh, chứ không phải có kháng thể do tiêm chủng.
Ở nhóm nhỏ tuổi nhất, 1 đến 4 tuổi, tỷ lệ từng nhiễm SARS-CoV-2 tính đến tháng 2/2022 là 68%, cao hơn gấp đôi so với thời điểm tháng 12/2021 (33%), cùng khoảng thời gian biến chủng Omicron bùng phát. Số ca nhiễm ở nhóm 1 đến 4 tuổi tăng nhiều hơn so với bất kỳ nhóm nào khác trong làn sóng Omicron, một lần nữa cho thấy khả năng lây truyền cực nhanh của biến thể này.
Ở nhóm 5 đến 11 tuổi, tỷ lệ nhiễm là 77%. Ở nhóm 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ nhiễm là 74%.
Hầu hết trẻ em dưới 18 tuổi có thể đã bị nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng Hai năm nay, thời điểm Omicron bùng phát ở Mỹ, và nhìn chung tỷ lệ nhiễm ở nhóm này cao hơn tỷ lệ quan sát được ở người lớn.
Tuy số mẫu khá nhỏ, nhưng kết quả nhất quán với số ca nhiễm ghi nhận ở nhóm trẻ em dưới 18 tuổi ở Mỹ, theo các nhà nghiên cứu. Số trẻ em dưới 5 tuổi nhập viện do COVID-19 trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Omicron cao gấp 5 lần so với thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta.
Đây là những phát hiện quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình bởi vì ở những nước này, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em vẫn rất thấp. Khả năng miễn dịch do đã nhiễm bệnh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh và bệnh nặng, nhưng “đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi trẻ em trên toàn thế giới được tiêm chủng”, theo bác sĩ nhi khoa và nhà dịch tễ học Fiona Russell tại Đại học Melbourne.
Clarke cho biết nhiều yếu tố giải thích vì sao số ca nhiễm ở nhóm nhỏ tuổi nhất tăng nhanh: trẻ từ 1 đến 4 tuổi không đủ điều kiện tiêm chủng, và có thể ít đeo khẩu trang hoặc thực hành giãn cách hơn so với người lớn.
Nhưng may mắn là nguy cơ mắc bệnh nặng ở trẻ em nhiễm biến chủng Omicron thấp hơn so với ở trẻ em nhiễm biến chủng Delta. Một nghiên cứu tại Mỹ đã xem xét hơn 650.000 trẻ em dưới 5 tuổi và phát hiện nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng ở nhóm này trong làn sóng Omicron chỉ bằng khoảng một phần ba so với trong thời gian bùng phát làn sóng Delta.
Nguồn: