Các nhà khoa học đang tìm hiểu tác động của Covid-19 lên khứu giác sẽ kéo dài bao lâu và có thể hồi phục được không.

Nhiều người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 đã bị mất khứu giác; và mặc dù chưa có kết luận chính xác về tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 mất khứu giác, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng mất khứu giác là một triệu chứng phổ biến của bệnh này.

Một đánh giá được công bố vào ngày 1/6/2020 tổng hợp dữ liệu từ 8.438 bệnh nhân Covid-19 và phát hiện 41% bị mất khứu giác.

Trong một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 8/2020, nhóm nghiên cứu do Shima T. Moein ở Viện Nghiên cứu Khoa học cơ bản, Tehran, Iran, đứng đầu, đã kiểm tra khả năng nhận diện mùi ở 100 bệnh nhân Covid-19. Kết quả, 96% số người được khảo sát bị rối loạn chức năng khứu giác và 18% bị mất khứu giác hoàn toàn.

Moein cho biết: “Đa số những bệnh nhân này nói rằng họ bị mất khứu giác đột ngột,” đây là manh mối cho thấy triệu chứng này liên quan đến nhiễm Covid-19. Và rối loạn chức năng khứu giác thường là triệu chứng Covid-19 duy nhất ở các bệnh nhân này, cho thấy hiện tượng này tách biệt với các triệu chứng hô hấp."

Một nhân viên y tế thực hiện bài kiểm tra khứu giác cho một người dân cách thành phố Buenos Aires 65 km, vào ngày 24/5/2020. Ảnh: theconversation.com.

Tại sao bệnh nhân Covid-19 mất khứu giác?

Khi các nhà nghiên cứu lần đầu xác định mất khứu giác là một triệu chứng của Covid-19, họ lo ngại rằng virus lây nhiễm sang các tế bào thần kinh cảm nhận mùi trong mũi, vốn có nhiệm vụ gửi tín hiệu đến hành khứu giác trong não - và do đó virus có thể xâm nhập vào não. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau khi khám nghiệm tử thi đối với những người đã từng nhiễm Covid-19 chỉ ra rằng virus hiếm khi đi đến não.

Một nhóm nghiên cứu do Sandeep Robert Datta, nhà sinh học thần kinh ở Trường Y Harvard, Boston, Massachusetts, đứng đầu, phát hiện các tế bào hỗ trợ các tế bào thần kinh cảm giác trong mũi - được gọi là tế bào Sertoli - mới là vị trí virus lây nhiễm. SARS-CoV-2 tấn công tế bào Sertoli bằng cách nhắm mục tiêu vào thụ thể ACE2 có nhiều trên bề mặt của tế bào này.

Nhưng Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến khứu giác theo những cách khác. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu ở Ý chỉ ra rằng mất khứu giác và vị giác xảy ra đồng thời với sự gia tăng nồng độ một phân tử truyền tín hiệu viêm có tên là interleukin-6 trong máu. Và một nghiên cứu khám nghiệm tử thi được công bố vào tháng 12/2020 cho thấy những dấu hiệu rõ ràng của chứng viêm, chẳng hạn như các mạch máu trong hành khứu giác bị rò rỉ, ở những người đã từng nhiễm Covid-19.

Khứu giác có hồi phục không?

Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 8/7/2020, 72% số người nhiễm Covid-19 bị rối loạn chức năng khứu giác cho biết họ đã phục hồi khứu giác sau một tháng, 84% số người bị rối loạn chức năng vị giác cũng vậy.

Claire Hopkins, nhà tư vấn tai mũi họng tại Bệnh viện Guy's và St Thomas ở London, và các đồng nghiệp cũng quan sát thấy sự hồi phục nhanh chóng của các giác quan: họ theo dõi 202 bệnh nhân trong một tháng và thấy rằng 49% báo cáo hồi phục hoàn toàn trong thời gian đó, và hơn 41% có cải thiện chức năng khứu giác, vị giác.

Tuy nhiên, đối với những người còn lại, các triệu chứng khứu giác kéo dài nghiêm trọng hơn. Hopkins cho biết, một số người không hồi phục ngay mà hồi phục từ từ trong một thời gian dài. Hậu quả là, các mùi thường trở nên khó chịu và khác với cách họ ghi nhớ, một hiện tượng được gọi là rối loạn khứu giác. “Mọi thứ đều có mùi ôi thiu” đối với những người này, và hiệu ứng có thể kéo dài hàng tháng - Hopkins nói và giải thích nguyên nhân có thể là do các tế bào thần kinh khứu giác đang "lập trình lại" trong quá trình phục hồi.

Đến nay chưa có nhiều phương pháp điều trị cho những bệnh nhân bị mất khứu giác lâu dài. một phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 bị mất khứu giác là 'huấn luyện khứu giác', trong đó họ được chỉ định các mùi hương để "học lại", chẳng hạn như mùi hoa hồng và chanh.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân khác bị mất khứu giác hoàn toàn trong nhiều tháng và không rõ tại sao. Theo Hopkins, trong những trường hợp này, virus có thể đã giết chết các tế bào thần kinh khứu giác.

Theo các nhà nghiên cứu, hậu quả của việc mất khứu giác có thể rất nghiêm trọng, ví dụ, người mất khứu giác ít có khả năng phát hiện ra thực phẩm hư hỏng và khói trong các vụ hỏa hoạn. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy người mất khứu giác có nguy cơ gặp phải các biến cố nguy hiểm, chẳng hạn như ăn thức ăn ôi thiu, cao hơn gấp đôi so với những người bình thường.

Còn có các tác động khác khó đo lường hơn, chẳng hạn, cha mẹ sẽ rất thiệt thòi nếu họ không thể kết nối với con mình thông qua 'mùi của trẻ sơ sinh'. Moein thậm chí cho rằng, rối loạn chức năng khứu giác liên quan đến chứng trầm cảm, mặc dù cơ chế sinh học đằng sau nó vẫn chưa rõ ràng.

Có cách chữa khỏi chứng mất khứu giác không?

Đến nay có rất ít phương pháp điều trị. Nhưng một lựa chọn là huấn luyện khứu giác: mọi người thường xuyên ngửi các mùi được chỉ định để học lại chúng.

Hopkins đang hợp tác với tổ chức từ thiện AbScent ở Andover, Vương quốc Anh, để giới thiệu một khóa huấn luyện khứu giác. Có bằng chứng cho thấy phương pháp này giúp cải thiện khứu giác ở một số người bị suy giảm chức năng, nhưng dường như nó không hiệu quả với tất cả mọi người.

Hopkins cho biết các loại thuốc hiện có còn hạn chế hơn. Nhưng đối với những người mất khứu giác trong giai đoạn đầu của Covid-19, khi việc mất khứu giác có thể phần lớn có thể do viêm tế bào mũi, steroid có thể giúp ích, theo một thử nghiệm sơ bộ do nhóm của Hopkins thực hiện.

Trong một nghiên cứu dài hạn, Richard Costanzo và Daniel Coelho ở Đại học Virginia Commonwealth, Richmond, phát triển một thiết bị cấy ghép khứu giác được gắn trong mũi để cảm nhận các hóa chất có mùi và gửi tín hiệu điện đến não. Tuy nhiên, thiết bị này vẫn còn "nhiều năm nữa" mới có thể đi vào ứng dụng trong thực tế, Coelho nói.

Nguồn: