Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, khả năng sản sinh insulin – nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 1 - sẽ suy giảm nhanh chóng trong 7 năm và sau đó mức insulin sẽ duy trì ổn định.

Ảnh minh họa. Nguồn: dLife

Ảnh minh họa. Nguồn: dLife


Nhóm nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Exeter đã tìm ra bằng chứng cho thấy lượng insulin sản sinh giảm gần 50% mỗi năm trong vòng 7 năm. Sau đó mức insulin duy trì ổn định.

Phát hiện này là một bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu bệnh tiểu đường loại 1, trái ngược với quan điểm từ trước rằng lượng insulin sản sinh ở những người bệnh sẽ giảm liên tục theo thời gian. Điều này đem đến hy vọng rằng, bằng cách tìm hiểu những thay đổi sau bảy năm, y học có thể phát triển những cách thức mới để bảo toàn các tế bào beta sản xuất insulin ở bệnh nhân.

Được công bố trên tạp chí Diabetes Care, nghiên cứu nói trên tiến hành đo C-peptide, vốn được sản sinh đồng thời và bằng lượng insulin, giúp điều hòa đường huyết ở người. Bằng cách đo nồng độ C-peptide trong máu hoặc trong nước tiểu, các nhà khoa học có thể biết lượng insulin mà một người tự sản sinh ra, ngay cả khi họ đang tiêm insulin để điều trị. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện trên 1.549 bệnh nhân tiểu đường loại 1 ở Exeter, Anh và Tayside, Scotland.

Tiến sĩ Beverley Shields của Trường Y thuộc Đại học Exeter, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Phát hiện này thực sự thú vị. Nó cho thấy người mắc bệnh tiểu đường loại 1 sẽ vẫn giữ được bất kỳ tế bào beta [tế bào sản xuất insulin] nào còn hoạt động mà có họ có sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bảy năm. Chúng tôi chưa rõ nguyên nhân, có thể là do một nhóm nhỏ các tế bào beta 'cứng đầu' có khả năng đề kháng với sự tấn công miễn dịch, và chúng còn sót lại sau khi tất cả những tế bào beta 'yếu đuối' hơn bị phá hủy. Những tế bào beta 'cứng đầu' này có thể mở ra những hướng đi mới để điều trị bệnh tiểu đường loại 1."

Bệnh tiểu đường loại 1 ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 400.000 người ở Anh. Bệnh thường ủ mầm từ khi người bệnh còn nhỏ nhưng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, làm cho hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tấn công và tiêu diệt các tế bào sản sinh insulin trong tuyến tụy, khiến cho bệnh nhân phải phụ thuộc vào tiêm insulin suốt đời.

Giáo sư Andrew Hattersley - chuyên gia tư vấn về bệnh tiểu đường tại Bệnh viện Royal Devon và Exeter, và giáo sư nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Exeter - bày tỏ hi vọng: "Bây giờ chúng ta đã biết có một ‘bước ngoặt bảy năm’ vậy câu hỏi tiếp theo là tại sao? Sự tấn công miễn dịch đã ngừng lại hay chúng ta vẫn còn 'siêu tế bào beta' có thể chống lại sự tấn công miễn dịch? Bất kỳ hiểu biết nào về việc ngăn chặn sự phá hủy không ngừng của các tế bào sản sinh insulin đều có giá trị. Chúng tôi không thể đạt được bước tiến này nếu không có sự giúp đỡ của hơn 1.500 người bệnh. Chúng tôi sẽ vì họ mà nỗ lực tìm ra câu trả lời để có thể chăm sóc bệnh nhân nhanh chóng."

Karen Addington, Giám đốc điều hành tại Anh của Tổ chức Vận động và Tài trợ nghiên cứu tiểu đường loại 1 JDRF, cho biết: “Những kết quả nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự tấn công của hệ miễn dịch đối với các tế bào beta sản xuất insulin không hoàn chỉnh như chúng ta nghĩ - và có thể thay đổi theo thời gian. Phát hiện này giúp mở rộng cánh cửa để tìm ra các phương thức bảo toàn việc sản sinh insulin ở những người được chẩn đoán hoặc đang phải sống chung với bệnh tiểu đường loại 1."