Hai nhà nghiên cứu Yang Zhang và Chris Harrison thuộc Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã phát triển một kỹ thuật mới, biến một tờ giấy bình thường thành màn hình cảm ứng.
Họ đã trình diễn kỹ thuật của mình với một tờ giấy và đăng tải trên trang web cá nhân.
Kỹ thuật mới này có ưu điểm sẽ tốn rất ít chi phí, và khi sử dụng xong chúng ta có thể vứt bỏ giấy đi. Một lợi ích khác nữa là những gì viết trên giấy lại có thể lưu trữ lâu dài. Ngoài ra, các tài liệu viết tay giờ đây cũng đã có thể được chụp và lưu trên máy tính.
Mặt sau tờ giấy sẽ được gắn một loại vật liệu truyền dẫn kết nối với màn hình máy tính, khiến tờ giấy ngay lập tức biến thành một “bàn phím” cảm ứng.
Ban đầu, hai nhà nghiên cứu dự định phủ một lớp chất truyền dẫn lên giấy. Nhưng không lâu sau, lớp phủ này lại được thay thế bởi mạng mạch điện in trực tiếp lên giấy.
Kết quả là, tờ giấy đã hoạt động tương tự như màn hình cảm ứng: người dùng có thể sử dụng ngón tay để di chuyển hình ảnh, dùng bút bi hoặc bút chỉ để vẽ hoặc viết lên trên giấy, và nội dung sau đó sẽ hiển thị trên màn hình. Ngoài ra, trên màn hình cũng có các biểu tượng kết nối mà chúng ta chỉ cần dùng ngón tay để “nhấn” vào.
Những nhà phát triển cũng gợi ý một số khả năng ứng dụng của kĩ thuật này như: dùng làm giấy kiểm tra cho học sinh, màn hình trò chơi tương tác, thậm chí còn có thể chơi một số game bằng cách vẽ trực tiếp lên giấy.
Phạm Nhật (Theo Tech Xplore)