Nhà hóa học đầu tiên được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử là Tapputi-Belatekallim. Bà sống tại vùng Lưỡng Hà cổ đại vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên. Bà là người tiên phong sử dụng các kỹ thuật hóa học như chưng cất để chiết xuất và pha chế nước hoa từ các nguyên liệu tự nhiên như nhựa cây, hoa và dầu thực vật.

Hình minh họa về Tapputi-Belatekallim. Ảnh: MidJourney
Hình minh họa về Tapputi-Belatekallim. Ảnh: MidJourney

Lịch sử của phụ nữ trong khoa học không chỉ bắt nguồn từ những câu chuyện về các nữ triết gia Hy Lạp cổ đại như Hypatia ở xứ Alexandria, nó còn kéo dài hàng nghìn năm về trước, đến các đế chế lâu đời hơn ở vùng Lưỡng Hà, nơi được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nhiều tên tuổi của những phụ nữ nổi tiếng trong thời kỳ này, bao gồm cả Tapputi-Belatekallim, đã bị lãng quên theo thời gian. Tất cả những gì còn sót lại về họ là thông tin chạm khắc trên đá hoặc chữ hình nêm trên những phiến đất sét, theo Cosmos Magazine.

Chúng ta biết rất ít về lý lịch hoặc đời sống cá nhân của Tapputi. Các nhà khảo cổ học chỉ tìm thấy một bản ghi chép về công việc của bà trên phiến đất sét KAR 220 bắt nguồn từ Vương quốc Assyria cổ đại, có niên đại từ năm 1200 trước Công nguyên. Phiến đất sét được khai quật tại thành phố Assur ở miền Bắc Iraq, và hiện nay người ta đang trưng bày nó tại Bảo tàng Vorderasiatisches, Berlin (Đức).

Ban đầu, người Assyria cổ đại cất giữ phiến đất sét KAR 220 trong Thư viện hoàng gia tại thành phố Assur. Nhưng đến năm 612 trước Công nguyên,một liên minh gồm người Babylon, người Scythia và người Medes đã tấn công Đế chế Tân Assyria. Thành phố Assur bị phá hủy cùng với sự sụp đổ của đế chế, khiến Thư viện hoàng gia bị thiêu rụi. Các tài liệu làm từ gỗ, sáp, giấy cói và da bị đốt cháy,trong khi ngọn lửa đã nung nóng các tấm đất sét, khiến chúng trở nên cứng và bền hơn.

Năm 1903,Hiệp hội phương Đông Đứcđã tiến hành một cuộc khai quật và phát hiện phiến đất sét KAR 220 dưới đống đổ nát của Thư viện hoàng gia. Năm 1919, nhà nghiên cứu Erich Ebeling đã dịch thành công nội dung trên KAR 220, và hầu hết kiến thức của chúng ta ngày nay về nước hoa của người dân sống ở khu vực Lưỡng Hà cổ đại và nhà hóa học đầu tiên trong lịch sử Tapputi đều bắt nguồn từ nghiên cứu của Ebeling.

Tên gọi của bà “Tapputi” thường đi kèm với danh hiệu “Belatekallim” có thể dịch là “người giám sát cung đình”. Các văn tự cổ trên phiến đất sét KAR 220 cho thấy Tapputi không chỉ là một nhà hóa học đơn thuần mà còn giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống quản lý của hoàng gia. Bà đứng đầu một nhóm phụ nữ là chuyên gia về nước hoa ở Lưỡng Hà (ngày nay là Iraq và Iran). Những chuyên gia này – được gọi là muraqqītu – có nhiệm vụ chuẩn bị các loại hương liệu cho nhà vua và gia đình hoàng gia.

Vào thời cổ đại, nước hoa không chỉ là mùi hương phục vụ mục đích làm đẹp, chúng còn được sử dụng phổ biến trong y học và nghi lễ tôn giáo.

Một phần mảnh vỡ của phiến đất sét ghi lại công thức chế tạo nước hoa của Tapputi-Belatekallim. Ảnh: Wikipedia
Một phần mảnh vỡ của phiến đất sét ghi lại công thức chế tạo nước hoa của Tapputi-Belatekallim. Ảnh: Wikipedia

Các dòng chữ hình nêm trên phiến đất sét KAR 220 mô tả chi tiết quy trình Tapputi đã sử dụng để tạo ra nước hoa. Tapputi chiết xuất tinh dầu và hương liệu từ nhiều loài hoa, thảo mộc, cây có hương thơm. Nước hoa của bà có thể mang mùi cây cỏ, hương trái cây, ngọt ngào, cay nồng, gỗ và nhiều hương thơm khác.

Yếu tố tạo nên hương thơm cho nước hoa là những hợp chất dễ bay hơi. Khi các phân tử này ở dạng khí, vô số thụ thể cảm nhận mùi ở trong mũi sẽ nhận biết chúng.

Chưng cất là một trong những kỹ thuật quan trọng mà Tapputi sử dụng để chiết xuất tinh dầu và các hợp chất có mùi hương dễ bay hơi từ nguyên liệu thiên nhiên có sẵn. Quy trình này bao gồm việc đun sôi thành phần thô [chẳng hạn như lá hoặc rễ cây] trong một khoảng thời gian dài với dung môi như nước, sau đó làm lạnh để thu lại tinh dầu. Tapputi đã biết cách áp dụng hiện tượng bay hơi và ngưng tụ để tách riêng các hợp chất dễ bay hơi ra khỏi nhau. Đây là một kỹ thuật tiên tiến vào thời kỳ đó và được coi là tiền thân của các phương pháp chưng cất hiện đại.

Ngoài chưng cất, Tapputi còn sử dụng phương pháp lọc để loại bỏ tạp chất, giúp tạo ra sản phẩm nước hoa tinh khiết và chất lượng cao, làm nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp nước hoa và mỹ phẩm hiện đại.

Tapputi thường điều chế nước hoa vào lúc bình minh, khi Mặt trời vừa mới xuất hiện trên bầu trời. Bà dùng nhiều loại dụng cụ để chế biến tinh dầu thơm, trong đó bao gồm một loại bình chứa lớn với thể tích khoảng 20 lít gọi là “diqāru”. Đây là nơi đun nóng các nguyên liệu thô trước khi chuyển sang bình lọc thứ cấp mang tên “aķarû”. Quá trình chưng cất và lọc được lặp lại nhiều lần để tạo ra một loại nước hoa có chất lượng tốt.

Tapputi không chỉ là một nhà hóa học tài ba, bà còn là một nghệ nhân trong việc pha chế hương liệu. Bà hiểu rõ cách kết hợp các mùi hương khác nhau để tạo ra những sản phẩm độc đáo và hấp dẫn. Kỹ năng này đòi hỏi không chỉ kiến thức về hóa học mà còn là sự nhạy cảm và sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên.

Mặc dù chúng ta có thể đọc các công thức và hướng dẫn làm nước hoa của Tapputi, nhưng khoảng cách văn hóa và ngôn ngữ cách đây hơn ba thiên niên kỷ khiến chúng ta không thể hiểu hết kiến ​​thức về nước hoa ở Assyria cổ đại. Mặc dù thành phần nguyên liệu được ghi chép tỉ mỉ trên bảng chữ hình nêm, nhưng người xưa không ghi rõ về cách quản lý nhiệt độ, thời gian và kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, nhiều chữ viết trên phiến đất sét KAR 220 đã bị hư hỏng, và một số phần bị thiếu khiến các nhà nghiên cứu không thể dịch nội dung một cách hoàn chỉnh.

Sự nghiệp của Tapputi là một minh chứng cho vai trò quan trọng của phụ nữ trong lịch sử khoa học. Trong nhiều thế kỷ, những đóng góp của phụ nữ ở các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thường bị lãng quên hoặc không được ghi nhận đầy đủ. Câu chuyện về Tapputi cho thấy sự sáng tạo và các thành tựu khoa học không phụ thuộc vào giới tính. Nó có thể đến từ bất kỳ ai, ở bất kỳ thời đại nào, miễn là họ có lòng nhiệt huyết và sự kiên trì.

Theo: Ancient Origins, The Conversation