Sau khi tạo ra những mảnh vàng mỏng nhất thế giới, dày chỉ bằng hai nguyên tử, mỏng hơn một triệu lần so với móng tay (fingernail) người, các nhà khoa học Anh đã lên kế hoạch sử dụng loại sản phẩm vàng trong kỹ thuật cơ khí, công nghiệp vũ trụ và y học.

Những mảnh vàng siêu mỏng hứa hẹn có nhiều ứng dụng trong cơ khí, công nghiệp vũ trụ và y học - Ảnh: Getty Images
Những mảnh vàng siêu mỏng hứa hẹn có nhiều ứng dụng trong cơ khí, công nghiệp vũ trụ và y học - Ảnh: Getty Images

Theo engadget.com, các nhà khoa học từ Đại học Leeds, Anh, đã tạo ra mảnh vàng mỏng nhất thế giới. Độ dày của nó chỉ bằng hai nguyên tử, mỏng hơn một triệu lần so với móng tay (fingernail) người. Họ đã lên kế hoạch sử dụng vàng trong kỹ thuật cơ khí, công nghiệp vũ trụ và y học.

Vàng mảnh rất dễ uốn dẻo, có thể được sử dụng trong màn hình gập, mực điện tử và màn hình dẫn điện trong suốt. Các thử nghiệm cho thấy vật liệu này hiệu quả gấp10 lần so với chất nền xúc tác. Điều này có nghĩa là vàng có thể làm tăng đáng kể tốc độ các xét nghiệm chẩn đoán y tế cũng như hiệu quả của các hệ thống lọc nước.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Leeds đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc sản xuất vật liệu 2D (2D materials). Theo nhóm này, phương pháp được sử dụng để tạo ra mảnh vàng có thể dẫn đến sự đổi mới trong việc sản xuất vật liệu nano và giờ đây các nhà khoa học đang tập trung vào việc mở rộng quá trình này.

Ví dụ, graphene là một trong những vật liệu 2D đầu tiên, nhưng sau đó các nhà khoa học không thể sử dụng nó trong sản xuất. Theo giáo sư Stephen Evens, người đứng đầu nghiên cứu, chế tạo graphene là một bước đột phá đáng kể, nhưng việc chuyển bất kỳ vật liệu mới nào thành các sản phẩm cần nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, vàng 2D có tiềm năng lớn hơn nhiều. Các nhà khoa học đang có những ý tưởng nhất định về những lĩnh vực có thể sử dụng vàng, đặc biệt là trong các phản ứng xúc tác và lên men hiệu quả hơn các công nghệ hiện có.