Tại Techmart 2019 (TP. HCM), một công nghệ khá hiệu quả đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đó là hệ thống sấy ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt trời – giải pháp mới cho nông sản sau thu hoạch, do Công ty Cổ phần SETECH phát triển. Anh Nguyễn Mạnh Tuân, Tổng giám đốc công ty, đã có cuộc trao đổi cùng Báo KH&PT về công nghệ mới này.
Có phải công nghệ sấy khô đã gợi ý cho anh việc thành lập công ty?
Từ năm 2015, khi đang là kỹ sư của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC), và tìm hiểu các công nghệ về nhà sấy của Đức, Thái Lan,… các thành viên sáng lập công ty chúng tôi đã nhận ra nhu cầu về nhà sấy bằng năng lượng Mặt trời ở Việt Nam là rất lớn.
Sau đó, từ chương trình thí điểm của ECC, chúng tôi đã tiến hành lắp đặt nhà sấy cho một hộ dân ở Cần Giờ, chuyên về làm khô cá dứa. Đó là một trải nghiệm đáng nhớ, khi tất cả mọi công đoạn vẫn còn rất mới. Tôi nhớ chúng tôi đã thức suốt 8 tiếng đêm hôm đó, trằn trọc không sao ngủ được, cho tới khi mẻ cá sấy khô đầu tiên thành công. Tôi còn nhớ anh em đã thở phào khi nhìn thấy anh Năm Ốm, chủ cơ sở làm khô cá dứa ở Cần Giờ, cầm miếng cá sấy khô lên và hài lòng về chất lượng của sản phẩm. Lúc ấy, chúng tôi tin rằng mình sẽ có thể tạo ra một công nghệ sấy riêng của Việt Nam và đã có ý định thành lập công ty.
Đến năm 2016, sau khi nghiên cứu thêm công nghệ sấy của các nước và hoàn thiện công nghệ của mình phù hợp với đặc thù Việt Nam, chúng tôi bắt đầu các bước thành lập doanh nghiệp. Ở giai đoạn đầu, anh em đều là dân kỹ thuật nên không ai hiểu gì về cơ cấu tổ chức, quy mô doanh nghiệp, marketing,… Nhờ các lớp học tại Saigon Innovation Hub, chúng tôi đã có thể hiểu rõ hơn về việc đầu tư, gọi vốn, phát triển công ty,… Vậy là tháng 9/2017, công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng bền vững Việt Nam (SETECH) ra đời và dần “cứng cáp”.
Phương pháp này đã có ở các nước rồi, mình làm thì có gì mới?
Đây là công nghệ có thể giúp bà con nông dân tiếp cận được với những công nghệ chế biến và bảo quản nông thủy sản, thực phẩm sau thu hoạch (cá, trái cây,…) tiên tiến nhất, từ đó nâng cao chất lượng nông thủy sản sau thu hoạch và thoát khỏi cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay. Hiểu được những khó khăn trong việc chế biến và bảo quản nông thủy sản sau thu hoạch, đặc biệt việc phơi sấy nông thủy sản, cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ phơi sấy vào thực tiễn của bà con nông dân, SETECH đã nghiên cứu và đưa ra một giải pháp sấy hoàn toàn mới: thiết bị phơi sấy thực phẩm ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt trời.
Với thiết bị phơi sấy công nghệ mới này, bà con sẽ có thể khắc phục được nhược điểm của phương pháp phơi sấy truyền thống cũng như sấy bằng các loại nhiên liệu là phụ thuộc thời tiết (gió, mưa); mức độ hao hụt cao; an toàn vệ sinh thực phẩm kém; thời gian phơi sấy dài; tốn nhân công và đặc biệt tốn nhiều năng lượng (đối với sấy bằng than, củi,…). Nhiệt độ tối đa bên trong lò sấy có thể lên đến 57-600C.
Nông nghiệp công nghệ cao là thứ khó bởi đầu tư ban đầu luôn là rào cản. Các anh đối đầu thách thức này như thế nào?
Hiện tại, SETECH đã và đang triển khai 2 dòng thiết bị phơi sấy ứng dụng công nghệ năng lượng Mặt trời này (quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp) với rất nhiều các dự án khác nhau đã triển khai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Và sau hơn 2 năm triển khai thiết bị sấy công nghệ mới, SETECH đã nhận được các phản hồi tích cực từ thị trường, đặc biệt là về mức độ hiệu quả cũng như mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm mà thiết bị sấy mang lại.
Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã có khá nhiều khách hàng ở khắp các tỉnh miền Tây và TP. HCM, Đồng Nai,… SETECH đã nhận được hơn 1.000 phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Doanh thu cũng đang tăng dần đều qua các năm. Điều này khiến cho anh em ngày càng tin tưởng vào sự phát triển của công ty cũng như tính hiệu quả của công nghệ mới.
Anh có e ngại về việc bị cạnh tranh?
Chúng tôi biết cũng có vài công ty đang triển khai các thiết bị sấy nhưng đều theo công nghệ dùng nhiệt từ các nguồn chất đốt thông thường, còn công nghệ sử dụng năng lượng Mặt trời thì chưa thấy bên nào triển khai cả. Có thể nói tại khu vực TP. HCM, chúng tôi vẫn đang tiên phong và đi đầu về nhà sấy dùng năng lượng Mặt trời.
Theo anh, đâu là khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển công nghệ này?
Cái khó hiện nay là làm sao thay đổi được suy nghĩ của người nông dân. Họ cứ nghĩ theo hướng từ trước đến nay làm sao thì giờ bán vậy, đâu cần thêm công nghệ mới. Nhưng bà con chưa nghĩ tới chuyện giá trị sản phẩm của mình được nâng cao lên, sản lượng cao hơn và do đó có thể hợp tác xuất khẩu với các đối tác nước ngoài. Ví dụ như vào mùa mưa, thì nông dân không thể sấy bằng cách truyền thống. Ngoài ra, những nước tiên tiến đâu có chịu nhập khẩu các loại nông sản, thủy hải sản có công đoạn phơi ngoài nắng không đảm bảo an toàn thực phẩm do có thể với rất nhiều ruồi và côn trùng bám vào sản phẩm! Nhìn nhận toàn diện như vậy sẽ thấy được bài toán đầu tư công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời là hợp lý.
Xin cảm ơn anh!