Những hiểu biết khoa học về cây neem đã gợi mở cho TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung về một sản phẩm thuốc bảo vệ sinh học “xanh” có giá cả hợp lý cho người nông dân.
Vào năm 2019, từ Mỹ về Việt Nam, chị bắt tay vào việc nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với thành phần chiết xuất từ quả neem, dù ở Việt Nam đã có không ít nghiên cứu tương tự. “Sự khác biệt của chúng tôi là có hẳn một đội ngũ nghiên cứu riêng, vì vậy có thể tạo ra những ưu thế nhờ công nghệ Nano” – TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung nói.
Sản phẩm đủ sức thay đổi thói quen người tiêu dùng?
Làm thế nào để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, để họ sẵn sàng chuyển từ việc dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sinh học? Sản phẩm bảo vệ thực vật “xanh” hiện đã có sẵn trên thị trường nhưng điều góp phần thuyết phục họ thay đổi tư duy không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà còn là giá cả. “Chúng ta chỉ có thể thay đổi được thói quen tiêu dùng nếu đưa cho họ một loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có giá cả, hiệu quả tương đương với thuốc hóa học. Chỉ đến lúc đó, các thông số như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân và người tiêu dùng sản phẩm mới thực sự có ý nghĩa” – TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung bắt đầu câu chuyện về NanoNeem với Khoa học và Phát triển như thế.
Đây cũng là lý do khiến cho chị, một tiến sỹ chuyên ngành về năng lượng tái tạo và vật liệu ống carbon bắt tay vào nghiên cứu thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ quả neem sau khi trở về Việt Nam. Có trong tay những kiến thức về vật liệu nano, công nghệ hóa học.. chị Nhung đặt cho mình mục tiêu nghiên cứu ra một sản phẩm giúp cho nền nông nghiệp xanh hơn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt và có thể thương mại hóa. Thời điểm ấy, với tư cách là nhà nghiên cứu, chị Nhung chưa từng nghĩ mình sẽ khởi nghiệp. Chị kể: “Tôi đặt mục tiêu nghiên cứu ra sản phẩm tốt, giá cạnh tranh và thương mại hóa được. Nhưng ai là người thương mại hóa thì thời điểm đó tôi không biết”.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học của Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 30,7 triệu USD và dự kiến đạt 65,7 triệu USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm. Con số này là quá nhỏ so với việc mỗi năm, Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập hóa chất BVTV. Với mục tiêu mà Cục BVTV Bộ NN&PTNT đề ra, tăng lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%, tăng mô hình diện tích sử dụng lên 3 - 5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vào năm 2025 thì thuốc BVTV sinh học có rất nhiều dư địa để phát triển.
Nhìn thấy cả tiềm năng cho hướng đi này, từ năm 2019, TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung đã bắt tay vào nghiên cứu và chọn nguyên liệu là các loại dầu, tinh dầu được chiết xuất từ quả neem. Loại cây này có rất nhiều ở Ninh Thuận, Bình Thuận và được sử dụng phổ biến trên thế giới để trừ sâu bọ.
Startup NanoNeem nhận giải thưởng tại TECHFEST 2021.
Chị đã kết hợp cùng với các cộng sự trong ngành hóa của ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành để nghiên cứu ra công thức giúp diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng. Với hoạt chất chính Azadirachtin từ quả neem, đội ngũ của NanoNeem đã kết hợp thêm với các hoạt chất khác để tăng cường hiệu quả diệt trừ các loại sâu bệnh. Cái khó trong quá trình điều chế là các hoạt chất tự nhiên rất dễ bị phân hủy, đặc biệt khi gặp môi trường nước và phơi lộ trước ánh nắng Mặt trời. Đây là lúc chuyên ngành nano của chị phát huy hiệu quả, giúp bao bọc các hoạt chất và bảo vệ chúng trước tác động của nước và ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, các hạt có kích thước nano cũng dễ dàng thẩm thấu hơn so với các hạt có kích thước lớn, tăng hiệu quả với côn trùng. Ngoài ra, việc nano hóa các hoạt chất cũng giúp tiết kiệm nguyên liệu hơn khi điều chế, tránh lãng phí và góp phần giảm giá thành sản phẩm. “Những ưu việt của công nghệ nano đã giúp thuốc bảo vệ thực vật từ quả neem của chúng tôi giành lợi thế so với các sản phẩm đã và đang có trên thị trường. Nó làm chúng tôi tin hơn vào sản phẩm” – TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ.
Sau khi có trong tay những sản phẩm đầu tiên, NanoNeem đã kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tiến hành các đánh giá về hiệu quả trên cây chè và các cây có múi. Với startup NanoNeem, đó là hành trình dài mà TS. Hồng Nhung thấy giống như một chặng xe bus, “có người đến, có người đi và có người ở lại” để cho ra được sản phẩm cuối cùng. Từ các bước nghiên cứu, lấy được hoạt chất cần thiết nano hóa cho đến thử nghiệm, chị và cộng sự đã thử và sai không biết bao nhiêu lần mới cho ra được kết quả đúng.
Cũng trong quá trình đó, với tư cách là một công ty khởi nghiệp, NanoNeem cũng phải đi gọi vốn, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để duy trì nguồn tài chính cho công ty.
Dù chưa từng nghĩ rằng mình sẽ là người thương mại hóa, nhưng cuối cùng việc đến tay. “Giống như quán tính, việc đến tay nên tôi tiếp tục đảm nhận dù vẫn còn nhiều ẩn số. Các kết quả thử nghiệm đều rất tốt nhưng một startup có nhiều việc phải giải quyết hơn nghiên cứu rất nhiều. Bên cạnh hiệu quả của sản phẩm, tôi phải quan tâm tới mô hình kinh doanh, tài chính, nhân sự… Startup là câu chuyện mà không phải cứ có sản phẩm tốt là được, nó cần rất nhiều bước”, chị nói.
R&D làm nên khác biệt
Cái khó của NanoNeem là cái khó chung của nhiều startup. Để có tiền, để quảng bá cho sản phẩm tới nhiều người, NanoNeem chọn cách đi thi rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp. Bởi vậy, bên cạnh giải Nhì TECHFEST 2021, NanoNeem còn có hàng loạt các giải thưởng khác như giải Nhất- cuộc thi sáng tạo toàn cầu HACK4GROWTH và Cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021” được tổ chức tại Canada.
Qua những cuộc thi, đã có không ít nhà đầu tư tiếp cận với người sáng lập startup và bày tỏ sự thích thú với sản phẩm cũng như tham vọng mà startup này đang hướng tới. “Cái khó là các quỹ đầu tư này chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào công nghệ nông nghiệp, hầu hết mới đầu tư vào thương mại điện tử, công nghệ phần mềm… Không chỉ là tiền, chúng tôi còn cần cả mạng lưới kết nối với các nông trại lớn hay những người nông dân ở địa phương” – TS. Nhung bày tỏ.
Một trong những điểm thuận lợi là sau các cuộc thi, NanoNeem đã gặp và hợp tác với Vinatea – một doanh nghiệp xuất khẩu chè và bị kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm ở các thị trường như châu Âu, Mỹ…. Họ thực sự thuộc về một nhóm khách hàng mà NanoNeem tìm kiếm. Sau hai năm thử nghiệm qua nhiều vùng trồng từ Thái Nguyên, Sơn La, Bắc Giang… qua nhiều vụ khác nhau, NanoNeem được đánh giá tốt, diệt trừ được nhiều côn trùng như rầy xanh, cánh cam, nhện ve, bọ trĩ, bọ tơ... Với nồng độ pha loãng 300 lần từ chai gốc, đơn vị thử nghiệm chia luống phun, luống không phun, phun với các nồng độ, tần suất khác nhau thì cho kết quả tốt.
Do thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên nên không tồn tại lâu trên bền mặt nông sản, không thẩm thấu, lưu giữ lâu trong cây trồng và không ảnh hưởng tới hương vị của sản phẩm đặc thù như trà. Ngoài ra, NanoNeem cũng được thử nghiệm trên các cây có múi khác. Nhà sáng lập của NanoNeem cũng cho biết startup đã thiết lập hợp tác trong năm năm với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Cpart – một doanh nghiệp tư nhân chuyên phân phối các sản phẩm phục vụ sản xuất xanh.
Là nhà nghiên cứu, TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung biết rằng công nghệ luôn thay đổi và để duy trị vị thế, sự ưu việt của sản phẩm trên thị trường, đầu tư cho R&D là điều bắt buộc. Vì thế, dù startup vẫn còn eo hẹp về tài chính nhưng NanoNeem vẫn đặt trọng tâm cho khâu này. Chị nói: “Khi làm việc với đối tác, tôi cũng nhấn mạnh rõ ý định tập trung cho nghiên cứu và sản xuất. Khi có phản hồi từ khách hàng, đội R&D sẽ tập trung cải tiến công thức. Vũ khí mạnh nhất của NanoNeem là nghiên cứu, trong bối cảnh công nghệ luôn thay đổi, nghiên cứu là công cụ để chúng tôi đáp ứng sự thay đổi đó và có được sản phẩm tốt nhất”.
Cũng bởi xuất phát điểm là nhà nghiên cứu nên cái cách NanoNeem nhận phản hồi của khách hàng cũng “kỳ lạ” như cách nói của TS. Hồng Nhung. Mỗi khi được khách hàng khen hay chê, bao giờ NanoNeem cũng sẽ hỏi rất kỹ đã sử dụng thuốc như thế nào, cách thức phun, tần suất.... để nắm bắt được vấn đề. TS. Hồng Nhung vừa cười vừa nói: “Nhiều khi khách cũng mệt vì phải trả lời quá nhiều nhưng là nhà nghiên cứu chúng tôi thật sự muốn có sự định lượng trong câu trả lời để có cải tiến nếu cần thiết”.
Thuốc bảo vệ thực vật từ neem sẽ chỉ là sự bắt đầu của TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung và startup của mình trong mục tiêu hình thành một hệ sinh thái các sản phẩm bảo vệ thực vật từ thảo mộc. NanoNeem sẽ xây dựng một hệ thống sản phẩm phục vụ cho từng bước của quá trình phát triển như kiểm soát từng loại côn trùng, bệnh riêng cho cây trong từng giai đoạn,mùa vụ. Chị hiểu rằng khi mục tiêu càng nhỏ thì sản phẩm càng hiệu quả và càng đứng vững trên thị trường. Với công nghệ Make in Vietnam, chị mong muốn các nguyên liệu đều có nguồn gốc Việt Nam để có thể tự chủ trong toàn bộ quy trình sản xuất. Để đáp ứng điều đó, đội ngũ R&D đang mở rộng việc nghiên cứu sang các loại thảo mộc khác.
Quay trở lại với câu chuyện đầu tiên về thị phần của thuốc bảo vệ sinh học và mong muốn của NanoNeem, TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung cho biết, tương lai sẽ rất hứa hẹn bởi việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, an toàn với sức khỏe của con người sẽ là xu hướng không thể cưỡng lại trong tương lai. Theo ước tính, với giá bán lẻ là 400.000 đồng/chai, mỗi hecta, nhà vườn có thể phải chi phi từ 3-10 triệu đồng, tùy theo tần suất, nồng độ phun. TS. Hồng Nhung tin rằng, với mức giá như vậy, NanoNeem hoàn toàn có thể trở thành một lựa chọn của các trang trại và người nông dân.
Thuốc bảo vệ thực vật từ neem sẽ chỉ là sự bắt đầu của TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung và startup của mình trong mục tiêu hình thành một hệ sinh thái các sản phẩm bảo vệ thực vật từ thảo mộc, phục vụ cho từng bước của quá trình phát triển như kiểm soát từng loại côn trùng, bệnh riêng cho cây trong từng giai đoạn,mùa vụ. |