Trong quá trình đầu tư và hỗ trợ các startup, ông Bùi Thành Đô - Giám đốc điều hành ThinkZone Venture, nhận thấy, startup thường gặp phải những sai lầm cơ bản dẫn đến những thất bại đáng tiếc, trong khi nếu được chia sẻ kinh nghiệm thì họ hoàn toàn có thể hạn chế tối đa tổn thất.

Đây là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ có khoảng 2% số startup khởi nghiệp có được thành công.

ThinkZone còn xây dựng một vườn ươm, cung cấp các chương trình đào tạo bài bản cho startup khởi nghiệp và hiểu hơn về quá trình khởi nghiệp. Ảnh: TZ

ThinkZone là quỹ đầu tư nội được thành lập từ năm 2019 và hướng tới đầu tư các startup ở giai đoạn đầu. Không chỉ đầu tư vốn, ThinkZone còn xây dựng một vườn ươm, cung cấp các chương trình đào tạo bài bản cho startup khởi nghiệp và hiểu hơn về quá trình khởi nghiệp. Với kinh nghiệm điều hành vườn ươm này, ông Bùi Thành Đô cho rằng, startup chưa gọi vốn bao giờ giống như một tờ giấy trắng. “Chúng tôi muốn tạo ra một thế hệ đội ngũ sáng lập của Việt Nam có những hiểu biết cơ bản về khởi nghiệp. Những nền tảng đó sẽ trở thành bệ phóng để các startup khai phá thị trường” – ông Bùi Thành Đô nói.

Chia sẻ với Khoa học và Phát triển, ông Bùi Thành Đô nêu ra sáu sai lầm thường mà startup thường gặp phải trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Ông Bùi Thành Đô tin rằng, việc tránh được sáu sai lầm này sẽ giúp startup sống sót lâu hơn, có sản phẩm đúng hơn với thị trường và giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa.

Một là, đội ngũ sáng lập không có người ra quyết định cuối cùng. Mỗi startup thường được khuyên nên có 2-3 đồng sáng lập phụ trách các mảng khác nhau như kỹ thuật, marketing và vận hành. Tuy nhiên, việc vai trò của các đồng sáng lập như nhau có thể khiến startup khó vận hành và đi đúng với tôn chỉ mục đích ban đầu. Vì thế, trong đội ngũ sáng lập luôn cần xác định rõ người đưa ra quyết định cuối cùng.

Hai là, nhầm lẫn giữa tư duy làm sản phẩm với tư duy làm công nghệ. Hai nhóm tư duy này đưa ra hai sản phẩm khác nhau. Ví dụ một kỹ sư trí tuệ nhân tạo muốn làm ra sản phẩm thỏa mãn mong muốn của mình. Tuy nhiên, đó chưa chắc là thứ mà thị trường cần. Sản phẩm của một startup chỉ được đánh giá là tốt khi market fit (đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường), có trải nghiệm người dùng tốt. Chỉ khi ấy, startup mới bán được hàng. Thay vì trình diễn những công nghệ cồng kềnh, phức tạp người dùng không cần thì sản phẩm của startup phải giải quyết đúng nhu cầu của khách hàng.

Ba là, chưa thấu hiểu cách vận hành nguồn lực tài chính trong công ty. Chứng kiến sự thất bại của nhiều startup khiến anh Bùi Thành Đô nhận thấy, nguyên nhân chính đến từ việc họ không hiểu cách vận hành công ty cũng sử dụng nguồn lực tài chính hợp lý để đưa công ty đi xa hơn. Nếu hiểu về tài chính, các founder sẽ giữ được nguồn vốn tốt hơn, biết dùng vốn vào việc gì và khi nào cần gọi vốn.

Việc thiếu kiến thức chắc chắn về tài chính cũng khiến nhiều founder không biết cách định giá startup dẫn đến tình trạng giá quá cao hoặc quá thấp. Cần hiểu rằng, nếu bạn muốn gọi 1 triệu USD cho 10% cổ phần thì hồ sơ tài chính phải đủ đẹp để nhà đầu tư tin rằng nó xứng đáng.

Cũng không nhất thiết phải gọi ngay lập tức 1 triệu USD mà nên phân khúc từng giai đoạn. Ví dụ giai đoạn đầu khi chưa có nhiều khách hàng, có thể chỉ nên gọi 200-300 nghìn USD để thăm dò cũng như không bị mất quá nhiều cổ phần khi công ty có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh. Sau 6- 9 tháng, khi có nhiều khách hàng hơn, số liệu tốt hơn, sản phẩm hoàn thiện hơn thì startup hoàn toàn có thể đẩy định giá lên cao hơn so và gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo. Sự chặt chẽ và tính toán từng đường đi nước bước của founder sẽ làm lợi cho startup theo cách mà họ không thể tưởng tượng ra.

Bốn là, chưa thực sự hiểu thế nào là nhà đầu tư phù hợp? Mỗi giai đoạn khác nhau, startup sẽ cần nhà đầu tư khác nhau. Thị trường Việt Nam đang có khoảng 100 nhà đầu tư với từng khẩu vị riêng. Có quỹ thích đầu tư 2-4 thị trường cùng lúc như EdTech (công nghệ giáo dục), Fintech (công nghệ tài chính)… có quỹ chỉ thích đầu tư vào các chuỗi, có quỹ thích đầu tư vào mô hình có thể thoái vốn sau năm năm với lợi nhuận gấp 5, 6 lần nhưng có quỹ lại thích đầu tư mạo hiểm, có thể mang lại lợi nhuận 20-30 lần.

Thông thường, các quỹ đầu tư phân khúc khá rõ ràng, có quỹ chỉ đầu tư vào giai đoạn pre-seed (tiền ươm tạo), seed round (vòng ươm tạo), có quỹ chỉ đầu tư series A, có quỹ chỉ đầu tư từ series B trở đi…

Startup cần tránh việc không hiểu khẩu vị của quỹ đầu tư nên dành quá nhiều thời gian để gặp quỹ không phù hợp. Mục tiêu chính của startup là làm sản phẩm và phát triển thị trường, tìm kiếm cách giải quyết vấn đề của khách hàng tốt hơn. Khi mình làm tốt việc đó, quỹ sẽ tự đi tìm statup bởi các quỹ đầu tư có đủ kinh nghiệm để biết họ cần gặp ai, sản phẩm nào phù hợp.

Năm là, gọi vốn bằng mọi giá. Khi tiếp xúc với một quỹ đầu tư, anh Bùi Thành Đô luôn khuyên các startup cần phải tìm kiếm xem quỹ có gì ngoài tiền. Vì quỹ nào cũng có tiền. Các yếu tố có thể nhìn vào là danh mục đầu tư, kinh nghiệm của nhà đầu tư, mentor…Ví dụ startup làm sản phẩm cho mảng phát triển nền tảng quản lý trường học, nếu quỹ đầu tư đã đầu tư vào nhiều trường học khác nhau thì rõ ràng nên chọn họ. Nếu startup xây dựng nền tảng logistics mà quỹ đã đầu tư cho nhiều công ty logistics và có know-how (bí quyết) cũng như các chuyên gia rất sâu trong ngành thì chắc chắn thứ startup nhận được sẽ không chỉ là tiền

Dễ nhận thấy, ngoài câu chuyện phát triển kinh doanh, quỹ đầu tư có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người founder và có định hướng đúng đắn trong thị trường nhờ kinh nghiệm của người đi trước.

Sáu là, không nắm rõ luật. Nhiều người khởi nghiệp chưa từng gọi vốn thường không nắm rõ các vấn đề về luật cũng như quy định cụ thể trong các điều khoản của thỏa thuận định giá hay hợp đồng. Startup ở giai đoạn đầu chưa có nhiều kinh phí nên không thuê luật sư riêng. Startup thường trong tình trạng lơ mơ, hiểu chưa đúng chưa đủ. Có không ít trường hợp, startup kí hợp đồng với nhà đầu tư rồi nhưng sau vài tuần thì xin thôi không kí nữa. Thậm chí có không ít statup khi đọc deal term (thỏa thuận đầu tư) không hiểu hết các điều khoản vẫn kí bừa. Điều này có thể mang lại nhiều rắc rối cho startup giai đoạn sau.

Bởi vậy, startup và tìm đến các chương trình vườn ươm bài bản để được các chuyên gia tư vấn luật thật sự hiểu về khởi nghiệp để tránh việc “bút sa gà chết”.