Người ta thường nói về Leonardo da Vinci như một thiên tài toàn năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau: hội họa, vẽ, điêu khắc, kỹ thuật, kiến trúc, phát minh, thơ ca, toán học, vật lý, giải phẫu, thậm chí cả âm nhạc và nấu ăn. Tuy nhiên, những nghiên cứu sâu rộng của ông về động vật – dấu ấn của một nhà động vật học hiện đại – chưa nhận được nhiều sự chú ý. Các công trình của ông không chỉ giới hạn ở các loài động vật sống, mà còn đề cập đến các loài động vật trong trí tưởng tượng hoặc quái vật, cũng như các loài đã tuyệt chủng thông qua hóa thạch của chúng.
Động vật sống
Những con vật trong các bức tranh của Leonardo thường mang tính biểu tượng. Ví dụ, con chồn sương với bộ lông màu trắng trong bức tranh “Lady of the Ermine” (Quý cô và con chồn) tượng trưng cho sự thuần khiết và trong sáng. Ludovico il Moro, Công tước xứ Milan, đã đặt vẽ bức tranh này để tặng cho người tình của mình là Cecilia Gallerine.
Tương tự, Leonardo sử dụng hình vẽ động vật trong các bản thảo viết tay để làm biểu tượng hoặc ẩn dụ về đức tính của con người. Ông đã vẽ và viết về thằn lằn như một hình tượng cho khả năng sinh sản và đại bàng là biểu tượng của sự hào phóng,…
Tuy nhiên, Leonardo cũng nghiên cứu và miêu tả động vật vì những lý do thực tế hơn. Các quan sát của ông về cấu trúc cơ thể nhiều loài chim đã cung cấp cho ông trí tưởng tượng về những cỗ máy biết bay. Các nghiên cứu về ngựa đã giúp ông khám phá bản chất của chuyển động, điều cần thiết đối với một họa sĩ. Những tác phẩm của ông về chó và mèo cũng là một thành quả nghiên cứu về biểu hiện của cảm xúc, thứ mà ông gọi là “chuyển động của tâm trí” và luôn cố gắng thể hiện nó trong các bức tranh của mình.
Vì vậy có thể nói rằng, trái ngược với các nghệ sĩ vĩ đại khác sống cùng thời – chẳng hạn như Michelangelo, người chú trọng nhiều hơn đến hình tượng con người – Leonardo rất quan tâm đến động vật và nghiên cứu sâu về chúng. Điều này có thể là do tầm nhìn vượt thời đại của ông về sự thống nhất và tương đồng của tất cả các loài động vật, bao gồm con người, trước khi Darwinxây dựng học thuyết tiến hóa. Bằng chứng là những bức vẽ của ông so sánh cấu trúc giải phẫu của chân ngựa với chân tay con người. Nó cũng phù hợp với những gì ông đã viết trong các bản thảo của mình về mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và khỉ.
Những sinh vật huyền thoại và robotTrong các bức tranh, bản vẽ và đặc biệt là những bản thảo của mình, Leonardo cũng phát huy tối đa trí tưởng tượng để mô tả nhiều loài động vật huyền thoại.
Trong một số tác phẩm, ông đã phác họa những sinh vật kỳ thú tồn tại trong các truyền thuyết dân gian phổ biến và truyền thống văn hóa khác nhau. Một ví dụ về điều này là con rồng xuất hiện trong các bức vẽ bên cạnh mèo và chó, hoặc dưới chân những nhân vật cưỡi ngựa. Thêm vào đó, tác phẩm “Bestiary” (Bộ sưu tập động vật huyền thoại) của ông đã mô tả nhiều loài động vật mang tính biểu tượng như kỳ lân, rắn thần và siren[sinh vật nửa người nửachim].
Trong những tác phẩm khác, Leonardo đã tự sáng tạo ra một số loài động vật huyền thoại của riêng mình. Điều này thể hiện qua bức tranh “Neptune and the Horses” (Thần biển và những con ngựa), trong đó vị thần biển cả cưỡi trên một cỗ xe được kéo bởi những con ngựa biển có đuôi cá. Những sinh vật hư cấu của Leonardo có sự kết hợp đặc điểm thể chất của các loài động vật khác nhau thực sự tồn tại.
Leonardo cũng tạo ra vô số bản vẽ về quái vật – những sinh vật có hình thù kỳ quái và ghê sợ – lấy cảm hứng từ các sinh vật mà ông nhìn thấy trong tự nhiên, từ những câu chuyện mà ông nghe người khác kể lại, hoặc chỉ đơn giản là sản phẩm trí tưởng tượng của cá nhân ông.
Leonardo có niềm đam mê lớn với cơ khí và sở hữu nhiều thiết kế robot và máy móc tự động vượt xa thời đại. Ông từng chế tạo một con sư tử máy để làm vui lòng vua Francois I của Pháp theo sự ủy thác của Giáo hoàng Leo X. Con sư tử này có khả năng di chuyển nhờ hệ thống lò xo và bánh răng. Khi nhà vua quất con thú máy ba lần bằng một chiếc roi nhỏ, ngực của nó mở ra để lộ một bông hoa loa kèn, biểu tượng của chế độ quân chủ Pháp, theo Reuters.
Nghiên cứu hóa thạchLeonardo là một trong những tác giả đầu tiên của thời kỳ Phục hưng góp phần làm sáng tỏ bản chất của hóa thạch, bao gồm các hóa thạch động vật. Trước thời của ông, có hai ý tưởng chiếm ưu thế so với phần còn lại.
Đầu tiên, hóa thạch là tàn tích của các loài sinh vật sau trận Đại hồng thủy trong Kinh thánh – sự kiện đã xóa sổ hầu hết các sinh vật trên đất liền. Giả thuyết thứ hai có vẻ huyền bí hơn, khi người ta cho rằng tự nhiên là một nhà thiết kế bậc thầy, và hóa thạch là một nỗ lực của tự nhiên để hình thành các cấu trúc khoáng chất vô cơ có hình dạng giống như sinh vật sống. Có một vài ý tưởng khác “điên rồ” hơn một chút, chẳng hạn như hóa thạch xuất hiện trên núi là phần còn sót lại từ bữa ăn của những người khổng lồ.
Leonardo đã thực hiện một số nghiên cứu để phản bác những lời giải thích trên và ông đã đi đúng hướng. Ông kết luận hóa thạch là tàn tích khoáng hóa của động vật và thực vật đã sống trên Trái đất vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ. Ông phát hiện hóa thạch xuất hiện trong các tầng địa chất khác nhau chứ không chỉ riêng một tầng. Các hóa thạch nguyên vẹn của động vật thân mềm hai mảnh vỏ xuất hiện trên đỉnh núi không phải là dấu vết còn sót lại sau trận Đại hồng thủy trong truyền thuyết. Thay vào đó, những ngọn núi này từng chìm dưới đáy biển trước khi chúng vận động nhô lên cao trong suốt hàng triệu năm.Bằng chứng là những hóa thạch này không xuất hiện ở mọi loại đá mà chỉ ở những loại đá có nguồn gốc từ biển.
Một trong những bức vẽ của Leonardo mô tả một chuỗi các hình lục giác đại diện cho một dạng hóa thạch chưa ai từng nghiên cứu trước đây. Đây là hóa thạch cho thấy dấu vết hoạt động của một sinh vật, thay vì cơ thể của chính sinh vật đó. Đây có thể là tổ của một loài động vật nguyên thủy hoặc đường hầm do chúng tạo ra.
Ngày nay, giới khoa học đặt tên cho dạng hóa thạch này là hóa thạch dấu vết (trace fossil). Với những đóng góp của mình, Leonardo còn được mệnh danh là cha đẻ của môn khoa học nghiên cứu dấu chân hóa thạch, hoặc Ichnology.