Người dùng máy tính chẳng xa lạ gì với PDF - một định dạng tài liệu phổ biến đọc được trên mọi thiết bị. Nhưng hẳn không nhiều người biết về người phát minh ra nó: Tiến sĩ John Warnock, và PDF đã ra đời trong hoàn cảnh nào?

John Warnock (1640 - 2023). Nguồn: Paul Sakuma
John Warnock (1640 - 2023). Nguồn: Paul Sakuma

Vào tháng 6/1969, John E. Warnock đã đạt được một cột mốc tại Đại học Utah khi nộp một luận án tiến sĩ ngắn nhất trong lịch sử của ngôi trường này.

Tuyệt tác này chỉ dài có 32 trang, phần nội dung trình bày một giải pháp cho “vấn đề đường ẩn”, để làm sao máy tính có thể vẽ một hình bị ẩn đi phần nào đằng sau một hình khác. Chẳng hạn, một phần của hình tam giác bị che khuất sau một quả bóng.

Chàng sinh viên Warnock sau này trở thành một trong những nhà khoa học máy tính hàng đầu trong kỷ nguyên của mình, và là nhà đồng sáng lập ra tập đoàn Adobe Inc. vào năm 1982.

Nhưng Warnock còn có một phát minh vô cùng quan trọng và gần gũi với chúng ta hơn nhiều: đó là PDF – Định dạng tài liệu di động – cho phép tài liệu xuất hiện trên màn hình và đưaợc in ra theo ý định của người tạo ra, bất kể phần mềm hay phần cứng được sử dụng để tạo ra chúng là gì.

Tiêu chuẩn PDF đã cách mạng hóa việc xuất bản trên máy tính để bàn. Đó là định dạng bắt buộc, hoặc ít nhất là ưu tiên, cho hồ sơ tòa án, tài liệu học thuật, sách hướng dẫn sử dụng — hầu như ta dùng nó cho mọi loại tài liệu có thể tưởng tượng được trong một xã hội càng ngày càng không bớt dùng giấy tờ.

Và nó bắt nguồn từ một dự án có tên là “Camelot” mà Warnock khởi động tại Adobe vào năm 1991, khi công ty vẫn đang nỗ lực thiết lập một thị trường ngách phù hợp trong một thế giới đang dần kết nối internet trên mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Camelot đưa ra một bài viết ngắn gọn khác — sáu trang vạch ra tầm nhìn về một bộ phần mềm cho phép người dùng “chụp tài liệu từ bất kỳ ứng dụng nào, gửi phiên bản điện tử của những tài liệu này đến bất kỳ đâu, cũng như xem và in những tài liệu này trên bất kỳ máy nào.” Bộ phần mềm tiếp theo được gọi là Acrobat và định dạng cơ bản của nó là PDF.

Sự nghiệp của Warnock đi theo sự phát triển của con đường của ngành công nghiệp máy tính trong những ngày sơ khởi. Trong những năm 1960, Đại học Utah đã trở thành một trung tâm quan trọng của ngành khoa học máy tính còn non trẻ — vào tháng 12/1969, trường nằm trong số bốn nút đầu tiên được kết nối với nhau bởi ARPANET, mạng do Cơ quan Dự án Nghiên cứu Nâng cao của Lầu Năm Góc và tiền thân của Internet tài trợ (cùng với UCLA, UC Santa Barbara và Công ty Nghiên cứu SRI có trụ sở tại Menlo Park).

Chuyên môn của Đại học Utah là đồ họa máy tính. Trong số các bạn học của Warnock có Edwin Catmull, người sau này trở thành chủ tịch của Pixar và Walt Disney Animation Studios. Người hướng dẫn luận án tiến sĩ cho Warnock là giáo sư David Evans và Ivan Sutherland của Utah. Hai giáo sư này có công ty là Evans and Sutherland, đã sản xuất các thiết bị mô phỏng chuyến bay tiên phong.

Thế hệ mà Warnock là một thành viên đã tạo ra những phát minh thay đổi cuộc sống bình thường hơn bao giờ hết. Thập niên 70 (gồm cả một số năm trước và sau đó) là giai đoạn xuất hiện những cải tiến phi thường. Ta có thể điểm qua một số cột mốc nổi bật như sau:

Năm 1968, Douglas Engelbart thuộc công ty SRI đã thực hiện một buổi thuyết trình được mệnh danh là “the mother of all demos”, giới thiệu hyperlink, chuột máy tính, hội nghị truyền hình và các phát minh khác tới khán giả cuồng nhiệt tại Hội nghị của Hiệp hội Máy tính ở San Francisco. Mạng lưới Advanced Research Projects Agency Network - viết tắt là ARPANET (Mạng lưới cơ quan với các đề án nghiên cứu tân tiến) được khởi động vào năm 1969.

Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto của Xerox — Xerox PARC huyền thoại — được thành lập vào năm 1970; vào năm 1973, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của nó là Alto — cũng là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới — đã đi vào hoạt động, với hình ảnh Quái vật bánh quy của chương trình truyền hình Mỹ Sesame Street nhấp nháy trên màn hình.

Máy tính cá nhân IBM ra mắt vào năm 1981 và Apple Macintosh, được cho là máy tính để bàn được thương mại hóa đầu tiên, xuất hiện vào năm 1984.

Warnock và người bạn đồng hành Charles M. Geschke ban đầu làm việc với nhau tại Xerox PARC. Tại đây họ cùng nhau nghiên cứu để tạo ra một chương trình dung hòa độ phân giải hình ảnh không tương thích của máy tính để bàn và máy in laser (một phát minh khác của PARC).

Lúc này, các tài liệu trông rất hoàn chỉnh trên màn hình của máy Alto lại biến thành những thứ không thể đọc được khi in ra. Warnock, Geschke và một số cộng sự khác cuối cùng đã phát minh ra Interpress, nhờ thế mà tài liệu được in ra sẽ trông giống hệt với khi hiển thị trên màn hình. Sau đó, họ đã mất rất nhiều công sức để thuyết phục Xerox tích hợp Interpress vào máy in laser và các sản phẩm in ấn khác của hãng này.

Trải nghiệm này khiến họ rời Xerox, gia nhập đội quân tiên phong gồm các nhà khoa học và kĩ sư của PARC, những người đã thất vọng khi công ty không thể đưa ra thị trường các phát minh của họ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

“Chúng tôi đã dành hàng tháng trời di chuyển tới mọi bộ phận trong Xerox và quay lại công ty để thuyết phục lãnh đạo chấp nhận ý tưởng này”, Warnock nhớ lại. Xerox cuối cùng đã đồng ý tích hợp Interpress vào trong toàn bộ dòng sản phẩm của hãng, nhưng từ chối thông báo điều này cho tới khi mọi sản phẩm được thiết kế lại để phù hợp với nó, một quy trình sẽ mất nhiều năm.

Crestfallen, Geschke và Warnock tự nhủ: “Chúng ta đã mất hai năm cuộc đời để cố gắng thuyết phục họ và họ sẽ định đắp chiếu nó trong năm năm nữa”.

Vì thế, họ đã rời Xerox để thành lập Adobe. Sau vài khởi đầu thất bại, họ đã quyết định một kế hoạch kinh doanh sẽ biến Adobe thành một công ty trị giá tỷ đô vào năm 1999: sự phát triển của một chương trình soạn thảo văn bản như Interpress. Nó đã trở thành Postscript, lần đầu tiên được đưa vào máy in của Apple và nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn thực tế cho việc in ấn trên máy tính. (Geschke qua đời vào năm 2021; ông và Warnock giữ chức đồng chủ tịch Adobe cho đến năm 2017.)

Adobe còn được biết đến với các công cụ hỗ trợ khác cho việc in ấn trên máy tính để bàn và hình ảnh chuyên nghiệp, đặc biệt là Photoshop, cho phép chỉnh sửa ảnh theo những cách dường như vô tận. Phần mềm kỹ thuật số của họ, bao gồm Photoshop và Acrobat, công cụ sản xuất PDF, vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ, thu được lợi nhuận 4,8 tỷ USD trên doanh thu 17,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Acrobat là thế hệ sau của Postscript. Tuy thế, nó lại rất khó bán. Warnock tỏ ra vô cùng thất vọng: “Không ai hiểu nó cả”. Trong một cuộc họp tại IBM, “tôi đã giải thích cách nó hoạt động, các ưu điểm của nó là gì và làm sao bạn có thể gửi đi một tài liệu di động hoàn toàn trên mọi nền tảng, từ bất kỳ ứng dụng nào. Họ chỉ ngồi đó trong cuộc họp và nghệch mặt ra thôi. Họ chẳng hiểu là tôi đang nói về cái gì hết”.

Chẳng bao lâu sau, những người dùng có ảnh hưởng đã nắm bắt được ý tưởng của ông. “Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh là một trong những cơ quan áp dụng sớm nhất và cuồng nhiệt nhất của chúng tôi”, Warnock nhớ lại. “Họ nói: ‘Ông có biết chúng tôi có thể cứu được bao nhiêu mạng sống bằng cách gửi những tài liệu này đến tất cả các văn phòng tại khu vực không?’”

Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn “không hiểu tầm quan trọng của việc gửi tài liệu điện tử sẽ trở nên quan trọng như thế nào... Và vào năm 1994, world wide web xuất hiện và sau đó mọi người đều nói, ‘Ồ, ta có thể sử dụng Acrobat để gửi tài liệu”.

Trước đó, ngay cả hội đồng Adobe cũng từng nói đùa về việc khai tử Acrobat. Warnock nói, ”Không bao giờ có chuyện này. Acrobat đang giải quyết được một vấn đề quan trọng và chúng ta sẽ kiên trì với nó cho đến khi nó thành công”. Và Warnock đã đúng.

John Warnock qua đời vào ngày 19/8/2023 tại nhà riêng ở Los Altos, Calif, hưởng thọ 82 tuổi.