Quy mô tiềm năng của thị trường vắc-xin Covid-19 thúc đẩy hai trong số các công ty vắc-xin lớn nhất thế giới là GSK và Sanofi hợp tác với nhau, thay vì cạnh tranh.

Kết hợp với nhau, GlaxoSmithKline và Sanofi sẽ có công suất sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới. Nếu thành công, hai công ty này có khả năng sản xuất hàng trăm triệu liều, đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch trên toàn thế giới.

Một nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu của GSK

"Không thường thấy hai nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới hợp tác với nhau," Emma Walmsley, Giám đốc điều hành của GSK, nói. "Cả hai đều có năng lực sản xuất đáng kể. Chúng tôi tin rằng có thể tạo ra hàng trăm triệu liều đến cuối năm sau." Hồi tháng Hai, Sanofi đã tuyên bố rằng họ đang tham gia vào cuộc đua sản xuất vắc-xin và đã có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế Hoa Kỳ.

"Khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có này, không một công ty nào có thể đi một mình," Paul Hudson, giám đốc điều hành của Sanofi, cho biết. "Đó là lý do tại sao Sanofi đang tiếp tục bổ sung chuyên môn và nguồn lực của mình với các đồng nghiệp, chẳng hạn như GSK, với mục tiêu tạo ra và cung cấp đủ số lượng vắc-xin giúp ngăn chặn virus này."

GSK đã cho các nhóm nhỏ hơn truy cập vào công nghệ của mình, chẳng hạn như nhóm nghiên cứu vắc-xin tại Đại học Queensland.

Việc hai công ty dược phẩm lớn hợp tác, thay vì cạnh tranh, để sản xuất vắc-xin là vô cùng bất thường, nhưng nhu cầu cấp thiết đối với vắc-xin Covid-19 và quy mô tiềm năng của thị trường lần này cũng không phải là một tình huống điển hình.

Vắc-xin của GSK và Sanofi sẽ dựa trên công nghệ DNA hiện Sanofi đang sử dụng để tạo ra vắc-xin cúm.

Khi virus corona xâm nhập cơ thể, các tế bào miễn dịch chống lại bằng cách tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này liên kết với các cấu trúc cụ thể trên virus xâm nhập, được gọi là kháng nguyên. Đối với Covid-19, kháng nguyên là một protein giống như gai ở bên ngoài virus.

Sanofi đã tổng hợp một đoạn DNA mã hóa chuỗi di truyền của protein đó. Khi DNA này được đưa vào một loại vi khuẩn vô hại trong phòng thí nghiệm, nó sẽ tạo ra các bản sao nhỏ của kháng nguyên - nhưng không phải là toàn bộ virus corona. Nếu hoạt động, các kháng nguyên này khi đưa vào cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng kháng thể mà không gây bệnh.

GSK đang đóng góp tá dược, có thể được trộn lẫn với vắc-xin, để kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn, có khả năng làm giảm liều cần thiết cho mỗi người từ 2-4 lần. Công nghệ tương tự đã được sử dụng trong đại dịch cúm H1N1, có nghĩa là cả GSK và Sanofi đều đang dựa vào các công nghệ đã được chứng minh và sử dụng trong việc sản xuất vắc-xin ở quy mô lớn.

Tuy nhiên, ngay cả đối với các phương pháp vắc-xin đã từng được sử dụng, vẫn cần thử nghiệm để xác nhận vắc-xin tạo ra phản ứng miễn dịch bảo vệ.

Những nỗ lực khác trên khắp thế giới có vẻ như đã đi xa hơn GSK và Sanofi về mặt thử nghiệm. Các công ty công nghệ sinh học của Mỹ, Moderna và Inovio, đều đã có vắc-xin tiềm năng đưa vào thử nghiệm giai đoạn 1. Nhưng họ đang sử dụng các công nghệ mang tính thử nghiệm hơn, đòi hỏi phải có hệ thống sản xuất hoàn toàn mới để sản xuất hàng loạt.

Ngày 14/4, Walmsley cho biết GSK sẽ không thu lợi từ vắc-xin này trong đại dịch và toàn bộ doanh thu sẽ được tái đầu tư vào việc tăng quy mô sản xuất và nghiên cứu về chuẩn bị ứng phó đại dịch.

Nguồn: