Nhắc tới methylen xanh thì người ta thường nghĩ ngay tới tình trạng ô nhiễm nước hoặc những tổn hại mà một số loại sinh vật sống phải gánh chịu. Làm sao để khắc phục những mối nguy hại do chất nhuộm công nghiệp này gây ra đối với môi trường, đồng thời sử dụng nó theo cách hữu ích hơn?
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Buffalo (Hoa Kỳ) đã tìm ra phương pháp chế tạo pin (phục vụ việc lưu trữ và cung cấp năng lượng) từ methylen xanh. Kết quả này đã được công bố trên Tạp chí ChemElectroChem vào hôm 13/08.
Trong công nghiệp,
methylen xanh thường được dùng để nhuộm vải tại các nhà máy dệt; nhiều khi lượng thuốc còn sót lại có thể bị phát tán ra môi trường bên ngoài và hoàn toàn không dễ để làm sạch. “Phương pháp tách
methylen xanh khỏi nước đòi hỏi phải thực hiện qua nhiều bước, rất đắt đỏ, nhưng đôi khi vẫn để lại nhiều loại chất thải khác” - trưởng nhóm nghiên cứu Timothy Cook phát biểu trong một thông cáo báo chí.
Tác giả Anjula Kosswattaarachchi – đứng tên đầu bài báo – tiếp tục bổ sung: “Thay vì chỉ nghĩ đến làm sạch nước, tại sao chúng ta không thử tìm ra cách khác để sử dụng methylen xanh?” Bị thôi thúc bởi ý tưởng như vậy, nhóm của Cook và Kosswattaarachchi đã nghiên cứu và chế tạo thành công hai mẫu pin sử dụng dung dịch methylene xanh và nước muối để nạp, lưu trữ và giải phóng các electron – ba tính năng mà một pin điện cần có. Kết quả chạy thử cho thấy, loại pin thứ nhất đã hoạt động với hiệu suất đạt xấp xỉ 100% và giải phóng lượng năng lượng gần như chính xác với các tính toán kỳ vọng. Mặc dù mức hiệu suất này sẽ bị giảm đi rõ rệt sau khoảng 50 chu trình xạc – xả, nguyên nhân là tại lớp màng được sử dụng để làm pin, tuy nhiên vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết nhờ thay thế một lớp mới.
Vì vậy, các nhà khoa học tin tưởng rằng nguồn nước thải methylen xanh từ các nhà máy dệt có thể đóng vai trò như một nguồn vật liệu khả thi cho loại pin lỏng – vốn rất lý tưởng trong việc lưu trữ năng lượng tại những trang trại gió hay các tấm pin mặt trời. Chưa kể, loại pin này còn có một ưu điểm khác so với pin truyền thống nhờ khả năng nạp đầy điện gần như ngay lập tức.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm để xác định tính khả thi của loại pin mới như một lựa chọn thay thế. Nếu điều này trở thành hiện thực, chúng ta hoàn toàn có thể chặn nước thải methylen xanh tại các nhà máy rồi tận dụng để chế tạo thành loại pin oxy hóa khử. Điều đó không chỉ giúp ngăn ngừa các tác hại của loại chất nhuộm công nghiệp đối với môi trường, mà đồng thời còn thúc đẩy tiến trình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo – quả là “nhất cử lưỡng tiện” (win/win solution).
Ngọc Anh (Theo Futurism)