“Sa mạc hóa biển” là một thuật ngữ mới trong giới khoa học quốc tế để miêu tả khu vực mà tất cả sinh vật biển hoặc bị chết hoặc không sống được do điều kiện tự nhiên, chất lượng nước, cảnh quan biển có chất lượng kém.

Đó là một thách thức mà Việt Nam - một quốc gia có đường bờ biển dài - phải xem xét.

6 nguyên nhân gây sa mạc hóa biển

Theo các chuyên gia, sa mạc hóa biển đang là vấn đề cấp bách trong quản lý môi trường biển hiện nay.

Có 6 nguyên nhân gây nên hiện tượng sa mạc hóa biển. Đầu tiên phải kể đến biến đổi khí hậu làm nhiệt độ không khí và nước biển nóng lên, các chất dinh dưỡng nito và photpho, nồng độ ôxy hòa tan rất thấp trên tầng mặt biển, trong các khối nước và đáy biển, tạo tiền đề cho sự hình thành khu vực biển chết hay là sa mạc hóa biển.

Nguyên nhân thứ hai là do các hoạt động xả chất thải độc hại ra môi trường biển, gây phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng trực tiếp đến sự gia tăng nồng độ a xít trong biển, làm ngắt đi nguồn bổ sung dinh dưỡng, giảm đa dạng sinh học và làm gián đoạn chu kỳ của oxy, nito và photpho. Kết quả của hiện tượng a xít hóa đại dương gây hiện tượng san hô bị tẩy trắng, làm cho môi trường cư ngụ và sinh trưởng của các sinh vật biển bị biến đổi, chất lượng nước suy giảm, dễ bị tổn thương, cùng với sự biến đổi lượng chất dinh dưỡng thấp đi đã gây ra sa mạc hóa tại một số nơi.

Thứ ba là do dòng hải lưu, các khu sa mạc biển được hình thành ở độ sâu nằm ngay dưới lớp phân cách khối nước sâu và bên dưới của các dòng hải lưu có hình xoáy nước thuận và xoáy nghịch trên mặt biển. Sự trao đổi chậm chạp ranh giới xoáy với môi trường nước bên ngoài tạo ra các sa mạc biển vùng khơi chết, gây tác động trực tiếp tới hệ sinh thái biển đó là động vật phù du bị ức chế và chết bên trong các xoáy nước.

Thứ tư là do sự hủy diệt các hệ sinh thái biển quan trọng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển bằng các biện pháp thuốc nổ, hóa chất độc hại... dẫn đến mất nơi cư trú và sinh trưởng của các loài thủy hải sản. Đặc biệt gây hại là những hoạt động lấn biển gây mất rừng ngập mặn, bồi lấp hủy diệt rạn san hô để xây dựng đảo và các công trình. Để phục hồi được hệ sinh thái san hô thuộc loại dễ bị tổn thương nhất của biển phải mất hàng chục năm tái tạo, phục hồi với công sức và kinh phí rất tốn kém.

Thứ năm là do phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển, gây ra lượng chất thải rắn, nước thải và khí thải rất lớn, phá vỡ chất lượng không khí, nước mặt và nước biển, đặc biệt là sự gia tăng các chất dinh dưỡng, dẫn tới hiện tượng phù dưỡng hay tảo nở hoa gây hại (thủy triều đỏ), làm cá và các loài sinh vật biển chết hàng loạt. Đại đa số các vùng sa mạc biển nằm sát ven bờ và gần các khu đô thị, khu công nghiệp và bị tác động tương tự nhau với các nguồn gây ô nhiễm chính: do sự phát triển đô thị và gia tăng dân cư; gia tăng khối lượng nước cống thải; do sản xuất nông nghiệp và do nhà máy nhiệt điện.

Nguyên nhân thứ sáu là do hoạt động vận tải biển bằng tàu thuyền tập trung quá nhiều tại một khu vực nhỏ, như khu vực gần cảng biển, cửa sông, hay gần khu bảo tồn biển, rạn san hô gây bùn hóa, đục hóa.

Việt Nam với nguy cơ sa mạc hóa biển

Trong số các nguyên nhân gây sa mạc hóa biển, ngoài nguyên nhân tự nhiên như dòng hải lưu, biến đổi khí hậu thì nguyên nhân quan trọng là ô nhiễm vùng biển do các hoạt động sản xuất của con người. Các hoạt động công nghiệp, du lịch không được kiểm soát đã gây ô nhiễm, hủy diệt hệ sinh thái biển khơi.

Để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn sinh thái biển đảo, cần có những nghiên cứu, xác định nguồn gốc, cơ chế phát triển, phân bố, phân loại và xây dựng bản đồ sa mạc biển tại vùng biển ven bờ và ngoài khơi Việt Nam; đánh giá tác động môi trường, kinh tế xã hội và an ninh biển với các khu vực sa mạc biển, đặc biệt chú trọng các vùng biển giáp biên, vùng biển xa. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống giám sát, quản lý đặc biệt các vùng nguy cơ sa mạc biển; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phòng ngừa, cảnh báo sa mạc biển, nhất là phổ biến thông tin hiện tượng sa mạc hóa biển tới các cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo và các tổ chức cá nhân liên quan, để họ hiểu rõ và chủ động hợp sức cùng nhau phòng tránh hiện tượng nguy hiểm này.

Và cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước mắt cần quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh vật biển Việt Nam. Đó là hình thành các khu bảo tồn biển, phân vùng đa dạng sinh học biển.

Hiện cả nước đã có 16 khu bảo tồn biển. Dù chiếm diện tích khiêm tốn, 0,3% diện tích vùng biển, song nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra ‘cân bằng sinh thái’ trong toàn vùng biển. Đến năm 2020 sẽ tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích vùng biển được bảo tồn.

Dự báo các khu bảo tồn biển sau 5 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi trong khu bảo tồn biển và những năm sau đó sẽ xuất hiện hiệu ứng tràn (spillover effect), phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra toàn khu vực biển xung quanh khu. Khi đó, vùng biển quốc gia không chỉ được cân bằng về mặt quá trình sinh thái mà còn được làm giàu về mặt nguồn giống và nguồn lợi thủy sản, tạo thế đi lên vững chắc của kinh tế biển. Đó cũng chính là lợi ích đích thực và trực tiếp của việc thiết lập và quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường