Theo nhà tư vấn môi trường Gary Kittleson, phương pháp đếm ếch ưa thích của ông là lắng nghe những “tiếng gọi” mà chúng tạo ra vì các âm thanh mà chúng dùng giao tiếp với nhau thấp hơn so với các loài khác.
Vùng đầm lầy Watsonville Slough ở California (Mỹ) từng là nơi trú ngụ của rất nhiều sinh vật, nhưng số lượng sinh vật ngày càng bị thu hẹp vì săn bắt quá mức và mất môi trường sống do các hoạt động của con người trong khu vực. Trong các nạn nhân có ếch chân đỏ California.
Gary Kittleson đang làm nhiệm vụ đếm số lượng ếch tại vùng này. Đây là việc khó khăn bởi ếch chân đỏ California chỉ có thể được tìm thấy bằng cách lắng nghe kỹ tiếng ộp oạp rất bé của chúng trong biển âm thanh cao vút của các loài ếch khác. Công việc của Kittleson nằm trong một dự án của Land Trust - cơ quan của hạt Santa Cruz, bang California (Mỹ).
Theo Kittleson, phương pháp đếm ếch ưa thích của ông là lắng nghe những “tiếng gọi” mà chúng tạo ra vì các âm thanh mà chúng dùng giao tiếp với nhau thấp hơn so với các loài khác. Kittleson đã trở nên lão luyện đến nỗi có thể nhận ra những con ếch chân đỏ ngay cả khi đang làm một việc khác.
Để giúp Kittleson thực hiện nhiệm vụ, Land Trust đã hợp tác với Công ty công nghệ bảo tồn Metrics phát triển một thuật toán có thể xác định âm thanh của những con ếch chân đỏ.
Thông qua việc đặt các máy đo âm thanh xung quanh vùng đầm lầy, Metrics có thể thu thập các bản ghi âm âm thanh của nhiều loài động vật khác nhau và tải chúng vào một máy tính để phân tích. Thuật toán sẽ quét toàn bộ các đoạn ghi âm và xác định những âm thanh do ếch chân đỏ tạo ra. Kittleson sẽ xác minh lại các âm thanh sau đó.
Matthew McKown - Giám đốc điều hành của Metrics - cho biết nhờ có kỹ thuật này, công việc vốn đòi hỏi nhiều nhà khoa học tham gia nay chỉ cần một người duy nhất.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp cho việc bảo tồn đạt hiệu quả tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tạo ra chiếc máy đo càng rẻ càng tốt” - ông Matthew McKown nói.
Các nhà khoa học ngày càng sử dụng nhiều chương trình máy tính để phân tích dữ liệu. Các thiết bị như máy ảnh, vệ tinh, bộ cảm biến âm thanh... sẽ sớm được sử dụng trên toàn thế giới để theo dõi hoạt động của các loài động vật.
Thanh Thủy (Theo INT)