Ở các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong một thời gian dài, virus có nguy cơ tiến hóa thành các biến thể mới.

Một bệnh nhân nữ 47 tuổi nhập viện tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH)do nhiễm COVID-19 vào đầu năm 2020, và một năm sau vẫn chưa khỏi bệnh. Cùng với các triệu chứng kéo dài, bệnh nhân này còn khác thường ở một khía cạnh quan trọng khác: Cô bị ung thư hạch và đã được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T từ 3 năm trước. Liệu pháp điều trị này khiến bệnh nhân còn rất ít tế bào B, loại tế bào miễn dịch tạo ra kháng thể và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường.

Các xét nghiệm COVID-19 lặp đi lặp lại từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021 ở bệnh nhân này đều cho kết quả dương tính, nhưng có rất ít virus. Ban đầu, các bác sĩ cho rằng xét nghiệm cho kết quả dương tính vì thu được các mảnh của virus đã chết, giống như ở nhiều bệnh nhân COVID-19 khác. Nhưng thực tế, COVID-19 ở bệnh nhân này đã kéo dài gần 1 năm, và là một trường hợp kỳ lạ cho thấy virus có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể.

Việc thu thập các mẫu trên cùng bệnh nhân trong suốt gần một năm cho phép nhóm nghiên cứu tại NIH theo dõi cách virus tiến hóa để chống lại hệ thống miễn dịch.

SARS-CoV-2 (xanh lục) tấn công tế bào của bệnh nhân (tím)

“Cần nghiên cứu những bệnh nhân này để có thể giúp họ và ngăn chặn virus đột biến thêm,” Jonathan Li, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Brigham and Women và Trường Y Harvard, nói. Li và các đồng nghiệp đã xuất bản một nghiên cứu trường hợp trên Tạp chí Y học New England về một người đàn ông 45 tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiễm COVID-19 trong khoảng 5 tháng, và qua đời vào cuối mùa hè năm 2020. Ở bệnh nhân của Li, SARS-CoV-2 đã phát triển các đột biến đặc trưng của các biến thể Alpha, Gamma và Delta từ khi chưa có biến thể nào trong số này tồn tại trong cộng đồng.

Ở bệnh nhân của Nussenblatt, giải trình tự cho thấy hai virus đã có đột biến mất đoạn gen, một là trong RNA mã hóa protein gai. Do vai trò quan trọng của protein gai - giúp virus xâm nhập vào tế bào - các đột biến liên quan đến protein này thường được quan tâm. Nhưng chính đột biến còn lại khiến nhóm NIH đặc biệt chú ý: một đột biến mất đoạn gen rất lớn, gần 500 nucleotide (trong tổng số 30.000 nucleotide của virus), nằm ngoài đoạn gen protein gai.

Cần chú ý nhiều hơn đến các đột biến không liên quan đến protein gai, vì "gai chỉ chiếm 13% trong bộ gen của virus," Li nói. Hồi tháng 6, trên tạp chí Clinical Infectious Diseases, Li và các đồng nghiệp phân tích các trường hợp nhiễm COVID mãn tính và tái nhiễm và chỉ ra, đột biến mất đoạn gen, tương tự như đột biến được xác định ở nữ bệnh nhân ung thư, là một trong những đột biến phổ biến nhất. Các đột biến này "có thể có vai trò quan trọng khi virus đang cố gắng chống lại phản ứng miễn dịch", Li nói.

"Các biến thể mới là một mối đe dọa lớn, và nhiễm virus mãn tính là một nguyên nhân thúc đẩy hình thành biến thể," Ravindra Gupta, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cambridge, cho biết.

Nghiên cứu của Gupta cho thấy biến thể Alpha, chiếm ưu thế ở Vương quốc Anh vào tháng 12/2020 trước khi lan rộng ra nơi khác, có thể đã xuất hiện lần đầu tiên ở một bệnh nhân bị tổn thương miễn dịch. Hơn nữa, nhóm Gupta phát hiện ra rằng huyết tương dưỡng bệnh dùng trong điều trị cho bệnh nhân này, vốn giàu kháng thể, dường như thúc đẩy virus tiến hóa. Bệnh nhân của Nussenblatt cũng được điều trị bằng huyết tương dưỡng bệnh. Theo Gupta, “cần hạn chế ngay từ đầu nguy cơ nhiễm COVID ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch" - vừa để bảo vệ họ khỏi nguy cơ nhiễm trùng nặng vừa để giảm khả năng phát sinh các biến thể mới.

Đối với bệnh nhân của Nussenblatt, sau lần nhập viện thứ hai vào tháng 3, phổi của cô đã được cải thiện và các dấu hiệu viêm trong máu giảm xuống. Từ tháng 4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Những xét nghiệm đó, kết hợp với việc giảm bớt các triệu chứng, đã thuyết phục Nussenblatt rằng virus đã biến mất.

Nguồn: