Xu hướng phát triển của cảm biến thông minh trong chăm sóc sức khỏe hiện nay là co giãn, có thể mặc được hoặc gắn trên da để theo dõi liên tục cũng như phục vụ chẩn đoán tại chỗ.
Đó là nhận định của GS.TS Nguyễn Đức Hòa (Đại học Bách Khoa Hà Nội) tại Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Công nghệ tiên tiến trong Xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán (SigTelCom2020), diễn ra tại Đại học Thủy lợi vào sáng 28/8.
Một trong những thách thức của loại cảm biến này là vấn đề pin sạc. Tuy
nhiên, GS.TS Nguyễn Đức Hòa cho rằng cảm biến gắn trên da có khả năng
tự cung cấp năng lượng cũng có thể là một xu hướng trong tương lai.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Hòa, trong bối cảnh Internet kết nối vạn vật hiện nay, các cảm biến thông minh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngày càng đóng vai trò quan trọng và làm thay đổi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân khi chúng có thể truyền tín hiệu đến các đám mây điện toán, các web server,
phòng cấp cứu, gia đình và thậm chí là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
GS.TS Nguyễn Đức Hòa trình bày tại hội thảo. Ảnh: MH
Nhờ được tích hợp trong các thiết bị thông minh như điện thoại, đồng hồ và kết nối dễ dàng với Internet, cũng như khả năng theo dõi theo thời gian thực, không xâm lấn, dễ sử dụng, áp dụng trong chăm sóc tại chỗ, cảm biến thông minh hiện nay nhận được nhiều sự chú ý trong các hoạt động sàng lọc y tế, chẩn đoán, theo dõi và điều trị. “Cụ thể, cảm biến có thể được ứng dụng trong hình ảnh y tế, đo huyết áp, theo dõi nhịp tim, siêu âm,...”, GS.TS Nguyễn Đức Hòa nói.
Với những hiệu quả và triển vọng trong chăm sóc sức khỏe, thị trường cảm
biến thông minh ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ. GS.TS Nguyễn
Đức Hòa cho biết, ước tính đến năm 2027, thị trường cảm biến thông minh toàn cầu
có thể tăng hơn 3 lần so với năm 2019 và đạt hơn 140 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số thách thức trong việc ứng dụng các loại cảm biến thông minh. Đó là, phải làm sao để phát triển được các cảm biến có kích thước nhỏ, độ nhạy cao, tiêu thụ điện năng thấp; tích hợp được nhiều thiết bị và giao thức (protocol); có khả năng thu thập dữ liệu và huấn luyện AI hiệu quả trong phân loại / chẩn đoán bệnh; và bảo đảm bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, thời gian cần thiết để các bác sỹ kiểm tra cho từng bệnh nhân khi có một số lượng lớn người cùng sử dụng cảm biến cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Với những kinh nghiệm trong nghiên cứu cảm biến khí, GS.TS Nguyễn
Đức Hòa đã đề xuất các hướng nghiên cứu liên quan như sử dụng metal oxides Nanowires làm vật liệu trong sản xuất các cảm biến khí tiêu thụ năng lượng thấp; nghiên cứu ứng dụng cảm biến khí trong phát hiện ung thư phổi, ung thư vú, đại trực tràng,...
Các diễn giả trình bày tại hội thảo SigTelCom2020.
SigTelCom 2020 do Đại học Thủy lợi và Đại học Queen’s Belfast, Anh Quốc tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Newton Việt Nam.
Tham gia thuyết trình tại Hội thảo, ngoài GS.TS Nguyễn Đức Hòa, còn có PGS Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Vương quốc Anh) và TS Antonino Masaracchia (Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh) - đều là những nhà
khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông
và điện toán.
Bên cạnh đó, 21 bài báo chất lượng từ các tác giả Việt Nam và quốc tế cũng đã được Ủy ban Chương trình Kỹ thuật của SigTelCom2020 lựa chọn để trình bày tại Hội thảo và xuất bản trong kỷ yếu.
Hội thảo SigTelCom được kỳ vọng là không gian để các nhà nghiên cứu hoạt động trong các lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các thông tin, kiến thức mới, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu và đẩy mạnh cơ hội công bố quốc tế.