Một nghiên cứu được thực hiện ở TP Yogyakarta, Indonesia, cho thấy việc thả những con muỗi đã được biến đổi để mang vi khuẩn Wolbachia giúp giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết đến 77%.


Một đĩa muỗi nhiễm Wolbachia được thả ở một thành phố của Indonesia.

Phương pháp tạo ra muỗi mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn côn trùng truyền một số loại virus - ban đầu được phát triển bởi một nhóm do Scott O’Neill, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc và là giám đốc của Chương trình Muỗi Thế giới (WMP), đứng đầu.

Khoảng 60% các loài côn trùng mang vi khuẩn Wolbachia pipientis, nhưng vi khuẩn này lại không lây nhiễm tự nhiên sang các loài muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết, Zika và nhiều loại virus khác. Bắt đầu từ những năm 1990, nhóm của O’Neill đã phát triển các quần thể muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia trong phòng thí nghiệm và cho thấy các loài muỗi này khi bị nhiễm sẽ không truyền virus, bao gồm cả virus sốt xuất huyết.

Ban đầu, nhóm Scott O’Neill thả muỗi mang Wolbachia ở các vùng đông bắc Úc, nơi định kỳ trải qua những đợt bùng phát sốt xuất huyết. Từ những con muỗi đã được biến đổi, Wolbachia sau đó có xu hướng nhanh chóng lan khắp các quần thể muỗi địa phương. Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung”, do đó duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên, mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng.

Một nghiên cứu năm 2018 về chương trình thả muỗi Wolbachia ở Townsville, đông bắc Úc, cho thấy tỷ lệ sốt xuất huyết giảm mạnh sau khi thả 4 triệu con muỗi mang Wolbachia. Tuy nhiên nghiên cứu này lại không bao gồm các khu vực không thả muỗi mang Wolbachia để so sánh. Các đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết ở Úc vốn cũng nhỏ hơn và ít thường xuyên hơn so với các đợt bùng phát ở các thành phố ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh, nơi virus này đã trở thành đặc hữu.

Nhân viên phòng thí nghiệm chuẩn bị mẫu muỗi nhiễm Wolbachia.

Thử nghiệm thả muỗi nhiễm Wolbachia ở TP Yogyakarta, Indonesia, do WMP tiến hành nhằm lấp đầy những khoảng trống đó. Tại đây, muỗi được thả vào các khu vực ngẫu nhiên trong đô thị. Kết quả, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở những nơi đó giảm mạnh, thấp hơn 77% so với những vùng không thả muỗi nhiễm Wolbachia.

Kết quả này được báo cáo trong thông cáo báo chí vào ngày 26/8, nhưng dữ liệu đầy đủ vẫn chưa được công bố.

Kết quả “khá là kinh ngạc”, Nicholas Jewell, nhà thống kê sinh học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (LSHTM) và Đại học California, Berkeley, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, cho biết. Số ca mắc sốt xuất huyết ở những khu vực được thả muỗi Wolbachia giảm mạnh, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh của người dân ở đó thấp hơn khoảng 4 lần so với những khu vực không được thả muỗi. Giờ đây, khi quá trình thử nghiệm đã kết thúc, WMP sẽ thả muỗi mang Wolbachia trên toàn thành phố.

Mục tiêu cho những thập kỷ tới

Hằng năm sốt xuất huyết lây nhiễm cho gần 400 triệu người và giết chết 25.000 người, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á, Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh.

“Mở rộng quy mô” là những gì O’Neill dự định làm tiếp theo. WMP hy vọng sẽ thả muỗi mang Wolbachia ở các khu vực là nơi sinh sống của 75 triệu người có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết trong 5 năm tới và dự kiến phương pháp này sẽ tiếp cận nửa tỷ người trong một thập kỷ tới.

Việc thả muỗi cần có sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở các địa phương, đặc biệt là cần được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tán thành, vì hướng dẫn của tổ chức này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định về sức khỏe cộng đồng của nhiều quốc gia.

Một khó khăn khác là tài trợ. Các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill & Melinda Gates ở Seattle, Washington (WMP thuộc quỹ này), Wellcome ở London và Quỹ Tahija của Indonesia đã hỗ trợ các thử nghiệm muỗi mang Wolbachia cho đến nay. Tuy nhiên, O’Neill cho biết cần thêm nhiều tài trợ từ các chính phủ và các định chế như Ngân hàng Thế giới mới có thể tiến hành các đợt thả muỗi quy mô lớn.

Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế độc lập, việc thả muỗi ước tính có giá từ 12 đến 21 USD trên mỗi người dân trong khu vực thả.

Theo Immo Kleinshmidt, nhà dịch tễ học tại LSHTM, cũng là thành viên của hội đồng độc lập giám sát thử nghiệm, WHO thường yêu cầu dữ liệu từ hai thử nghiệm riêng biệt. “Nhưng tôi nghĩ rằng nhu cầu ngăn chặn dịch bệnh ở các nước đang lưu hành sốt xuất huyết sẽ dẫn đến việc áp dụng rộng rãi phương pháp này”, Kleinshmidt nói.

Năm 2018, Việt Nam đã thí điểm thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia tại 8 thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (các thôn Lương Sơn 1-2-3, Văn Đăng 1-2-3 và Võ Tánh 1-2).

Chương trình ở Việt Nam thuộc Dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam" do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà thực hiện.

Nguồn: