Khái niệm “diễn cảnh” đã trở thành chiếc chìa khóa quý báu để hiểu được thế giới ngày nay, một thế giới mà những hoạt động của con người đang chống lại chính loài người tới mức đe dọa hủy diệt nó bằng một cuộc chiến tranh, một thảm họa sinh thái hay một đại dịch.
Có một cuộc sống đầy “tiếng ồn và cuồng nộ”, bị bệnh nặng do say rượu hầu như suốt đời, kết thúc bằng việc tự sát, Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Trong một thời gian dài, dường như những người đến thăm ông thường xuyên nhất là cảnh sát chứ không phải là những tổ chức truyền bá tư tưởng. Nhưng mọi cố gắng muốn che khuất ông đều thất bại. Những triết thuyết mà ông xây dựng, đặc biệt trong tác phẩm nổi tiếng nhất của mình là La Société du Spectacle (được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Xã hội diễn cảnh”), đã vượt thoát khỏi mọi ngáng trở để chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong suy tư của thời hiện đại. Thậm chí, cách đây hơn 10 năm, di cảo của ông còn được chính quyền cánh hữu Pháp lúc đó chính thức công nhận là “bảo vật quốc gia” và bỏ ra gần ba triệu euro để mua với lý do: “Có tầm quan trọng to lớn với lịch sử tư tưởng của nửa sau thế kỷ 20”. Lại xuất hiện một mánh khóe mới để hạ bệ Debord: tầm thường hóa ông. Rất nhiều ý tưởng của ông bị những cây bút đương thời sử dụng một cách tùy tiện, sai lệch và thường xuyên “quên” trích dẫn tên ông.
Xã hội diễn cảnh do Nguyễn Tùng dịch, chú giải và giới thiệu; NXB Tri Thức ấn hành.
Và bây giờ, tất cả mọi người - từ một ông giám đốc đài truyền hình cho đến một người xem truyền hình bình thường - đều thừa nhận rằng chúng ta đang sống trong một “xã hội diễn cảnh”. Sự xâm nhập ồ ạt của truyền thông đại chúng vào tất cả các lĩnh vực xã hội, việc “trình diễn hóa” mọi dạng thông tin được khai thác triệt để trong các sự kiện mang tính bi kịch như chiến tranh, dịch bệnh hay thảm họa - tất cả những yếu tố này buộc người ta nghiêm túc nói về “một xã hội diễn cảnh”. Nhưng vậy thì “xã hội diễn cảnh” là gì?
Bắt đầu từ những năm 1960, ấn tượng về sự gia tăng không ngừng sức sản xuất của chủ nghĩa tư bản, những ai đã từng nóng lòng chờ một cuộc cách mạng của giai cấp công nhân ắt hẳn sẽ có cảm giác ngày càng tuyệt vọng. Nhưng chính lúc đó luồng ý kiến phản biện xã hội đã đặt ra một câu hỏi căn bản, một câu hỏi đơn giản nhưng không thường xuyên được đặt ra: người ta sẽ làm gì với một đống của cải khổng lồ và các phương tiện mà xã hội đã tích lũy được? Cuộc sống mà từng cá nhân đang trải nghiệm có thực sự “giầu có” hơn? Trong bức tranh toàn cảnh, sức mạnh của xã hội dường như là vô hạn thì tại sao từng cá nhân dường như lại bất lực trong việc tổ chức cuộc sống riêng của mình?
Cần nhấn mạnh tính thời sự trong lý thuyết về “diễn cảnh” mà Debord đã phác họa và những giá trị không thể phủ nhận của nó với tư cách một lý thuyết phê phán xã hội đương đại. Chúng ta sẽ thấy rằng “diễn cảnh” là dạng phát triển nhất của xã hội dựa trên việc sản xuất hàng hóa và sự tôn sùng hàng hóa. Khái niệm “diễn cảnh” đã trở thành chiếc chìa khóa quý báu để hiểu được thế giới ngày nay, một thế giới mà những hoạt động của con người đang chống lại chính loài người tới mức đe dọa hủy diệt nó bằng một cuộc chiến tranh, một thảm họa sinh thái hay một đại dịch.
Khác với những người khác, Debord không nhìn nhận đây như là mặt trái của sự tiến bộ hay là số phận không thể đảo ngược của con người hiện đại. Ông phát hiện ra đây là một hệ quả của việc nền kinh tế đã đặt đời sống con người vào trong ma trận rối rắm các quy luật của nó. Mọi sự thay đổi ở bên trong của nền kinh tế (với tư cách một guồng máy độc lập) sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề chừng nào toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế còn chưa đặt dưới sự giám sát có ý thức của con người.
Diễn cảnh thường được hiểu (một cách sai lệch) trong mối liên hệ với sự “chuyên chế” của truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng Debord xem truyền thông đại chúng là khía cạnh hẹp nhất, biểu lộ hời hợt nhất của của khái niệm diễn cảnh. Bề ngoài nó chỉ liên quan đến cuộc chinh phục và xâm lược của một thứ công cụ trung tính và bị sử dụng sai cách. Nhưng thực ra sự vận hành của các phương tiện thông tin đại chúng đã mô tả cấu trúc hoàn hảo của toàn xã hội mà chúng là một phần trong đó. Việc chiêm ngưỡng các hình ảnh được chọn lựa bởi những người khác đã thay thế cho việc trải nghiệm cuộc sống và tìm kiếm, chọn lựa các sự kiện bởi chính cá nhân đó.
Trong đời sống thực, các cá nhân là tách biệt, rời rạc, họ chỉ tìm thấy sự gắn kết trong diễn cảnh nơi mà “các hình ảnh đã tách rời khỏi cuộc sống để hợp nhất trong một dòng chảy chung”. Diễn cảnh nắm độc quyền mọi giao tiếp vì lợi ích của riêng nó, giao tiếp trở thành những giao tiếp một chiều, diễn cảnh trở thành người phát ngôn còn các “ nguyên tử xã hội”, những hạt cát rời rạc trong xã hội thì lắng nghe. Diễn cảnh chỉ có một thông điệp duy nhất: Một sự biện minh không ngừng về xã hội đang tồn tại, có nghĩa là về chính diễn cảnh và phương thức sản xuất đã sản sinh ra nó.
Chính vì vậy diễn cảnh đã thu nạp toàn bộ các hoạt động xã hội để phục vụ cho các mục đích của nó. Từ quy hoạch đô thị đến các đảng phái chính trị đủ mọi khuynh hướng, từ nghệ thuật tới khoa học, từ cuộc sống hằng ngày tới những niềm đam mê và ham muốn của con người - ở mọi nơi, chúng ta đều nhận thấy một sự thay thế của thực tế bằng những hình ảnh. Trong quá trình đó, cuối cùng hình ảnh đã trở thành hiện thực, là nguyên nhân điều hướng mọi hành vi và thực tế cuối cùng đã chuyển hóa hoàn toàn thành hình ảnh. Các sức mạnh sinh ra từ diễn cảnh này tỷ lệ nghịch với đời sống cá nhân “đến mức những cử chỉ bình thường nhất trong đời sống hằng ngày, những động tác của chính anh ta không còn là của anh ta nữa, mà là của người khác đang trình diễn chúng cho anh ta xem. Trong cái thế giới này, ở bất cứ đâu, khán giả đều cảm thấy không phải là nhà mình, bởi diễn cảnh hiện diện ở khắp nơi.”
Diễn cảnh không gắn với một hệ thống kinh tế cụ thể, nhưng nó phản ánh thắng lợi của phạm trù kinh tế trong lòng một xã hội. Giai cấp tư sản, giai cấp đã tạo ra diễn cảnh, có được địa vị thống trị trong xã hội là nhờ vào những thắng lợi của phạm trù kinh tế và những luật lệ mà nền kinh tế áp đặt lên các khía cạnh khác trong đời sống. Diễn cảnh “vừa là kết quả vừa là dự án của phương thức sản xuất hiện đang tồn tại”. Không chỉ lao động, mọi hoạt động khác của con người, ví dụ như cái mà người ta gọi là “thời gian rảnh rỗi”, cũng được tổ chức theo cách để biện minh cho sự tồn tại và duy trì phương thức sản xuất hiện nay một cách tốt nhất. Nền sản xuất vật chất đã bị đánh tráo từ một phương tiện trở thành mục đích và diễn cảnh chính là biểu đạt của nó. Thay vì phục vụ những nhu cầu, những ham muốn của con người, nền kinh tế trong giai đoạn diễn cảnh không ngừng tạo ra và thao túng các nhu cầu. Do đó “kinh tế” ở đây phải hiểu là một phần trong số những hoạt động của con người trên toàn cầu, phần hoạt động thống trị những hoạt động khác. Diễn cảnh không là gì khác ngoài sự thống trị độc tài này của nền kinh tế hàng hóa.