Các nhà khoa học Đức cho biết công nghệ vector virus adeno chính là nguyên nhân dẫn đến đông máu sau khi tiêm vắc xin COVID-19.
Mới đây, các nhà khoa học Đức cho biết đã tìm ra được nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục cho chứng rối loạn đông máu sau khi tiêm vắc xin của AstraZeneca và Johnson&Johnson. Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy công nghệ vector virus adeno chính là nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn này.
Công nghệ vector virus dùng trong 2 loại vắc xin COVID-19 này sẽ gửi chuỗi ADN của protein gai trên vỏ ngoài của virus corona vào nhân tế bào, thay vì vào vùng dịch tế bào, nơi virus tạo ra protein gai.
Khi ở bên trong nhân tế bào, một số phần nhất định của protein gai sẽ liên kết hoặc tách rời, tạo ra các phiên bản đột biến, không có khả năng liên kết với màng tế bào để tạo ra miễn dịch.
Giả thuyết của ông Marschalek và cộng sự cho rằng các protein đột biến trên trôi nổi trong cơ thể và gây ra hiện tượng đông máu với tỷ lệ là một trên 100.000 người.
Ông Marschalek cũng cho biết có phương pháp khắc phục điều này nếu các nhà phát triển vắc xin có thể đổi trình tự gen mã hóa cho protein gai để ngăn nó phân tách. Ông cho biết Johnson & Johnson (J&J) đã liên hệ với ông để xin hỗ trợ.
“(J&J) đang cố gắng tối ưu hóa vắc xin của họ. Với dữ liệu chúng tôi có được, chúng tôi có thể cho các công ty biết cách biến đổi trình tự và mã hóa protein gai sao cho đột biến không diễn ra”, ông Marschalek nói với Financial Times.
Một số nhà khoa học lại cẩn trọng cho rằng giả thuyết của ông Marschalek vẫn cần thêm bằng chứng.
“Thiếu bằng chứng để chỉ ra mối quan hệ giữa việc đột biến protein gai và chứng đông máu. Giả thuyết này vẫn cần được chứng minh bằng dữ liệu thực nghiệm”, Giáo sư Johannes Oldenburg của Đại học Bonn bình luận.
Vào tháng trước, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đức và Na Uy cũng cho thấy một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường, sai hướng, phản ứng ngược lại với vắc xin. Khi tiêm chủng, các kháng thể đó dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây ra cả đông máu và chảy máu bất thường. Các nhà khoa học đề nghị đặt tên cho tình trạng này là "giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin" (VITT).
Tiến sĩ Greinacher, tác giả nghiên cứu gọi đây là “tin tốt” đối với phần đông dân số, hầu hết không có đặc điểm sinh học bất thường. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Chúng ta chưa thể dự đoán ai có khả năng phát triển loại kháng thể này”.
Trước đó, giới chuyên gia đề ra nhiều giả thuyết liên quan đến chứng đông máu sau tiêm vắc xin Covid-19. Một số người cho rằng loại virus vô hại, mang DNA của tinh tinh có trong vắc xin AstraZeneca là nguyên nhân. Tiến sĩ Greinacher nhận định giả thuyết này hợp lý, song chưa được chứng minh lâm sàng.
Vắc xin Astrazeneca - Ảnh: Internet
Kể từ khi được triển khai, vắc xin AstraZeneca gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy ngừng sử dụng sản phẩm do lo ngại về chứng đông máu. Ngày 18.3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vắc xin “an toàn và hiệu quả”, không liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Các nước nối lại chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, số ca đông máu xảy ra nhiều hơn. Đến hôm 7.4, EMA thay đổi quan điểm, công nhận máu đông là “tác dụng phụ hiếm gặp của vắc xin”. Nhiều quốc gia sau đó đã giới hạn độ tuổi tiêm chủng. Tuy vậy, EMA cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến nghị tiếp tục tiêm vắc xin bởi “những lợi ích to lớn hơn các rủi ro”.