Cuối thế kỷ 19, thời điểm nữ giới vẫn còn chịu nhiều bó buộc và hạn chế trong cuộc sống lẫn sự nghiệp, có một câu chuyện hy hữu vô cùng đã xảy ra: một cô hầu gái đã làm nên cuộc cách mạng trong ngành thiên văn học. Người phụ nữ truyền kỳ đó có tên là Williamina Paton Stevens Fleming.

Williamina Fleming (1857-1911).
Williamina Fleming (1857-1911).

Những năm đầu đời và bước ngoặt bất ngờ


Williamina Fleming sinh ngày 15/5/1857 tại Nethergate, Dundee, một ngôi làng ở bờ biển phía Đông Scotland, trong một gia đình có chín người con. Cha bà là Robert Stevens, một người thợ chạm khắc và mạ vàng, mẹ là Mary Walker. Tuổi thơ và thời niên thiếu của bà trôi qua không mấy êm ả khi người cha qua đời năm bà 7 tuổi. Và năm lên 14, bà buộc phải dừng việc học, trở thành giáo viên kiếm tiền trợ giúp mẹ và anh chị em.

Tại quê nhà, bà gặp gỡ một kế toán viên góa vợ lớn hơn mình 15 tuổi. Đó là James Orr Fleming, người sau này sẽ trở thành chồng bà. Năm 20 tuổi, bà kết hôn rồi cùng chồng rời bỏ quê hương. Hai người đi tàu hơi nước qua Đại Tây Dương và cập bến thành phố cảng Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ để bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng, mọi việc không hề suôn sẻ. Chỉ hai năm sau khi tới miền đất mới, ông chồng đã bỏ rơi người vợ đang bụng mang dạ chửa với hai bàn tay trắng. Cùng đường, bà tìm kiếm công việc làm hầu gái, ngõ hầu dành dụm chút tiền chăm sóc cho bản thân lẫn đứa con sắp chào đời.

Ngạn ngữ có câu: Ông trời đóng của bạn một cánh cửa thì sẽ mở ra cho bạn một cánh cửa khác, và trong câu chuyện này sự việc diễn ra đúng như thế. Fleming đã được giáo sư Edward Charles Pickering thuê để lo liệu công việc trong nhà vào năm 1879. Ít ai ngờ, đây lại là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô gái trẻ.

Vậy, Edward Pickering là ai? Vào thời điểm đó, trong giới thiên văn, đây là cái tên ai ai cũng biết. Pickering là giáo sư vật lý kiêm Giám đốc Đài thiên văn Harvard, ông được ghi nhận là người phát hiện ra các sao đôi quang phổ đầu tiên.

Fleming đứng ở trung tâm, giữa các “máy tính” của Đài thiên văn. Edward Pickering đứng ngoài cùng bên trái. Fleming đứng ở trung tâm, giữa các “máy tính” của Đài thiên văn. Edward Pickering đứng ngoài cùng bên trái.
Fleming đứng ở trung tâm, giữa các “máy tính” của Đài thiên văn. Edward Pickering đứng ngoài cùng bên trái. Fleming đứng ở trung tâm, giữa các “máy tính” của Đài thiên văn. Edward Pickering đứng ngoài cùng bên trái.

Lúc bấy giờ, ông đang lãnh đạo một nhóm các thành viên toàn nam giới để giúp mình lo liệu các công việc hành chính và tính toán thông thường. Với óc quan sát tinh tường, ông đã nhận ra năng lực và trí tuệ của nữ quản gia mới tới. Tương truyền, bực dọc vì đám trợ lý làm việc không như ý, ông từng tuyên bố: “Ngay cả cô giúp việc nhà tôi còn làm tốt hơn các anh!”

Khởi đầu sự nghiệp

Williamina Fleming quay về Scotland để sinh con trai và đặt tên là Edward Charles Pickering Fleming, cái tên thể hiện lòng biết ơn của bà với người chủ kiêm người thầy đã dìu dắt mình. Trước đó, giáo sư Pickering từng giao cho bà làm công việc văn thư bán thời gian. Sau khi Fleming trở lại từ quê nhà, ông đã chuyển bà sang làm nhân viên chính thức tại Đài thiên văn vào năm 1881.

Năm 1886, góa phụ của nhà thiên văn nghiệp dư Henry Draper đã quyên góp di sản mà chồng bà để lại cho Đài thiên văn. Pickering đã dùng số tiền này để mua một chiếc máy ảnh lắp ở một đầu kính viễn vọng. Vào ban đêm, các nhà thiên văn của Harvard đã chụp ảnh các ngôi sao và tinh vân; ban ngày, các nhân viên văn phòng được đào tạo làm “máy tính” sẽ kiểm tra và phân tích những hình ảnh này. Giáo sư Pickering dạy Fleming cách phân tích tấm kính chụp ảnh các ngôi sao, và đây là khởi điểm đầu tiên của bà trên con đường trở thành nhà thiên văn.

Tăng cường cho máy ảnh của đài quan sát là chiếc máy chụp quang phổ, nó sẽ truyền quang phổ của hàng chục ngôi sao lên một khung ảnh duy nhất. Bộ sưu tập ngày càng nhiều các tấm quang phổ trở thành nguồn gốc cho phần lớn công trình khoa học của Fleming sau này.

Fleming nhanh chóng bộc lộ tài năng trong lĩnh vực khoa học. Trong chín năm ròng rã, bà đã phân loại 28.266 quang phổ của 10.351 ngôi sao trên 633 tấm ảnh – cho đến nay đây vẫn là bộ tổng hợp sao phong phú nhất của thời đại. Cùng với giáo sư Pickering, Fleming đã xác định các đặc điểm riêng biệt trong quang phổ của mỗi ngôi sao, rồi từ đây họ phát triển một sơ đồ phân loại để sắp xếp vô số quang phổ của các vì sao vào danh mục. Sơ đồ này dựa trên 16 loại, sắp xếp theo thứ tự chữ cái (từ A đến Q, bỏ qua J) dựa theo lượng hydro quan sát thấy trong quang phổ của chúng. Tức là, các ngôi sao được phân loại A có nhiều hydro nhất, các ngôi sao thuộc hạng B có nhiều hydro thứ hai, v.v.

Công trình này được xuất bản vào năm 1890 trong phần đầu tiên thuộc Danh mục Henry Draper. Đây là một trong nhiều đóng góp giá trị của Williamina Fleming cho lĩnh vực thiên văn học. Tuy rằng Fleming không được ghi tên trong danh sách các tác giả của nghiên cứu, song Pickering đã nhắc tới bà trong phần nội dung và công khai thừa nhận rằng người phụ nữ này đã tạo ra hệ thống mới. Công trình của Fleming là cơ sở để phân loại quang phổ mà chúng ta sử dụng ngày nay, nó được gọi là “Hệ thống Pickering-Fleming”.

Hình ảnh hồng ngoại của Kính viễn vọng Không gian Hubble chụp năm 2015 về một trong những khám phá của Fleming, Tinh vân Đầu ngựa trong chòm sao Orion.
Hình ảnh hồng ngoại của Kính viễn vọng Không gian Hubble chụp năm 2015 về một trong những khám phá của Fleming, Tinh vân Đầu ngựa trong chòm sao Orion.

Bên cạnh công việc thường nhật, Fleming còn phụ trách việc viết, chỉnh sửa và hiệu đính các tài liệu nghiên cứu, báo cáo hằng năm và bảng dữ liệu, cũng như các bộ Biên niên sử đồ sộ của Đài thiên văn. Bận rộn là thế, bà vẫn thu xếp nghiên cứu và công bố các kết quả điều tra của riêng mình. Fleming là một trong số ít phụ nữ được tham gia các hội nghị nghiên cứu khoa học thời đó.

Máy tính-người tại Harvard và cổ động phụ nữ


Trải nghiệm làm việc dễ chịu với người cộng sự đã khiến Pickering thuê thêm chín nữ nhân viên khác để giúp mình thực hiện các phép tính và sắp xếp quang phổ trên các tấm ảnh. Nhóm các nhà nữ toán học này đã đi vào lịch sử với cái tên “máy tính của trường Harvard”. Trong số đó có hai cái tên nổi bật là Antonia C. Maury và Annie J. Cannon, họ đã sắp xếp lại các nhóm quang phổ và phân loại số lượng lớn các ngôi sao.

Năm 1899, sau gần 20 năm làm việc tại Đài thiên văn, bà được bổ nhiệm làm Người phụ trách Bộ sưu tập ảnh thiên văn. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ một danh hiệu trong Đại học Harvard.

Trong vai trò này, Fleming đã hướng dẫn cho khoảng 15 phụ nữ khác và dùng vị trí của mình để phản đối mức lương bất bình đẳng mà phụ nữ được trả. Các phụ nữ tính toán tại Đài thiên văn làm việc sáu ngày một tuần và chỉ kiếm được 25 cent/giờ, ít hơn nhiều so với đàn ông ở cấp độ nhập môn. Rất không may, nỗ lực của bà không thể khiến Pickering trả lương cao hơn cho phụ nữ. Năm 1893, bà đăng một bài báo trên tạp chí Astronomy & Astrophysics với tiêu đề “A Field for Women’s Work in Astronomy” (Một lĩnh vực cho phụ nữ làm việc trong ngành Thiên văn học) để cổ vũ thêm nhiều phụ nữ dũng cảm tham gia công tác trong các ngành khoa học.

Thành tựu và giải thưởng

Trong suốt sự nghiệp kéo dài 30 năm của mình, Fleming đã khám phá ra 59 tinh vân khí, hơn 310 ngôi sao biến quang và 10 tân tinh. Một trong những thành tựu lớn nhất của bà, diễn ra vào năm 1888, là tìm thấy Tinh vân Đầu ngựa trong chòm sao Orion(Lạp Hộ), sau này được gọi là IC 434. Bà cũng nhận ra sự tồn tại của những ngôi sao nóng, có quy mô lớn như Trái đất, mà sau này được gọi là sao lùn trắng.

Flemingđược trao tặng vô số giải thưởng để tôn vinh những thành tựu mà mình đạt được. Năm 1906, bà trở thành thành viên danh dự của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia London, đồng thời được vinh danh là thành viên danh dự về thiên văn học tại Đại học Wellesley. Năm 1910, bà được trao Huy chương Guadalupe Almendaro từ Viện Hàn lâm Khoa học Mexico vì đã phát hiện ra những ngôi sao mới. Một thân một mình, bà đã nuôi dạy con trai mình khôn lớn và thu xếp cho con đi học tại Học viện Công nghệ Massachusetts. Fleming qua đời vì bệnh viêm phổi vào ngày 21/5/1911, ở tuổi 54.

Trong một thế giới thượng tôn nam quyền, Williamina Fleming đã vượt qua biết bao trở ngại và giành được vị trí thuộc về mình trong lĩnh vực khoa học. Người phụ nữ tiên phong này không chỉ trở thành tấm gương sáng cho hàng triệu nhà nghiên cứu mà còn cho toàn bộ cộng đồng khoa học.

Nguồn: bbvaopenmind.com, unladylike2020.com, secretsofuniverse.in. harvardmagazine.com