Vào năm 1968, Thiếu tá William A. Anders, Đại tá Frank Borman (cũng ở trong Không quân với ông) và Đại úy James A. Lovell Jr. từ Hải quân là thành viên trong nhóm phi hành gia đầu tiên rời khỏi những giới hạn của quỹ đạo Trái đất. Trong chuyến bay, họ đã chụp nhiều bức ảnh và ảnh động về bề mặt Mặt trăng, nhằm chuẩn bị cho chuyến bay của Apollo 11 đưa con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Vào đêm Giáng sinh, mọi chuyển động của ba phi hành gia trong 10 quỹ đạo của Mặt trăng được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu người trên khắp thế giới. Trong đêm đó, họ không ngừng chụp hình ảnh Trái đất nhô lên khỏi đường chân trời của Mặt trăng, trông như một hòn bi ve xanh lam giữa bóng tối vây quanh. Nhưng chỉ có Thiếu tá Anders, lúc đó là người giám sát hệ thống điện tử và thông tin liên lạc của tàu vũ trụ, mới chụp được bức ảnh có màu.
Bức ảnh "Trái Đất mọc" do William Anders chụp trong sứ mệnh Apollo 8. Ảnh: William Anders/AP. Vào lúc kết thúc chương trình truyền hình Đêm Giáng sinh, các phi hành gia tàu Apollo 8 thay phiên nhau đọc đoạn đầu tiên trong Sáng thế ký. Thiếu tá Anders là người đọc đầu tiên: “Vào khởi nguyên, Thiên Chúa dựng nên trời và đất. Và đất chưa có hình dạng, trống rỗng; bóng tối bao trùm hư vô”.
Bức ảnh được đặt tên là “Earthrise” khiến cả thế giới chấn động. Ngay năm sau, bức ảnh được in lên một con tem bưu chính với dòng chữ “Vào khởi nguyên, Thiên Chúa...” Đây là nguồn cảm hứng cho Ngày Trái đất đầu tiên vào năm 1970, và bức ảnh này được dùng làm bìa cho cuốn sách 100 Bức ảnh thay đổi thế giới xuất bản vào năm 2003 của tạp chí Life.
Nhiều thập kỷ sau, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 với tạp chí Forbes, Thiếu tướng Anders nói về bức ảnh như sau: “Quang cảnh ấy cho chúng tôi thấy Trái đất thật đẹp đẽ và cũng thật mong manh. Nó giúp khởi động phong trào bảo vệ môi trường”.
Song, ông cũng tỏ ra ngạc nhiên khi công chúng đã dần quên lãng những con người đằng sau bức ảnh huyền thoại. “Tôi thấy thật lạ khi báo giới và mọi người gần như đã quên đi chuyến du hành làm nên lịch sử của chúng tôi, và biểu tượng của chuyến bay ấy giờ là bức ảnh ‘Earthrise’. Chúng tôi đã vượt qua cả hành trình dài tới Mặt trăng để khám phá Trái đất.”
William Alison Anders ra đời vào ngày 17/10/1933 tại Hồng Kông, ông sống ở đây với mẹ là bà Muriel (Adams) Anders. Còn cha ông, Trung úy Arthur Anders, phục vụ trong Hải quân, với nhiệm vụ tuần tra dọc sông Dương Tử (Trung Quốc) trên pháo hạm Panay.
Sau một thời gian ngắn cư trú tại thành phố Annapolis, bang Maryland (Mỹ), gia đình quay lại Trung Quốc vì bố ông một lần nữa được bổ nhiệm làm sĩ quan điều hành (tức người chỉ huy thứ hai) trên tàu Panay. Nhưng sau khi quân Nhật tấn công Bắc Kinh vào tháng 7/1937, khởi đầu cho Chiến tranh Trung-Nhật, ông cùng mẹ trốn sang Philippines.
Vào tháng 12, khi tàu Pany đang tiến hành sơ tán người Mỹ khỏi Trung Quốc, không quân Nhật đã thả bom và oanh kích con tàu. Trận tấn công này đã khiến thuyền trưởng bị thương nặng. Trung úy Anders tuy cũng bị thương nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò chỉ huy và ra lệnh cho các xạ thủ súng máy trên thuyền nã vào máy bay Nhật. Ông cũng giám sát việc sơ tán con thuyền trước khi nó chìm xuống, nhờ thế mà Trung úy Andersđược trao Huân chương Chữ thập Hải quân – phần thưởng cao quý nhất của quân đội dành cho lòng dũng cảm sau Huân chương Danh dự.
Hoàn cảnh sống phiêu bạt hồi nhỏ cùng với dòng máu phiêu lưu từ người cha dường như đã hun đúc nên tâm hồn đam mê thám hiểm của William. Ông nối bước cha vào học ở Học viện Hải quân và tốt nghiệp năm 1955, dự định trở thành phi công vì cho rằng tham gia vào Không quân phù hợp với những đột phá trong khoa học hàng không hơn so với Hải quân.
Ông hoàn thành việc đào tạo vào năm 1956, làm phi công chiến đấu cùng với phi đội đánh chặn ở California và Iceland, theo dõi các máy bay ném bom hạng nặng của Liên Xô đang thách thức biên giới phòng không của Mỹ. Năm 1962, Anders nhận bằng thạc sĩ về kỹ thuật hạt nhân tại Viện Công nghệ Không quân tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson ở Ohio. Một năm sau, ông gia nhập nhóm phi hành gia thứ ba tại NASA, dù thiếu kinh nghiệm làm phi công thử nghiệm.
Tại NASA, Thiếu tá Anders trở thành chuyên gia về bức xạ không gian, thứ có tác động gây nguy hiểm tiềm tàng với các phi hành gia tương lai. Ông và Neil Armstrong là những phi hành gia đầu tiên lái Phương tiện Huấn luyện Đổ bộ Mặt trăng, hay “Flying Bedstead”, một thiết bị mô phỏng bay trực tiếp Mô-đun Mặt trăng được trang bị động cơ phản lực gắn thẳng đứng.
Khi còn là tân binh, Anders được chọn vào phi hành đoàn chính của tàu Apollo 8 với mục đích ban đầu là thử nghiệm mô-đun Mặt trăng trong không gian, Anders sẽ là phi công. Tuy nhiên, tình báo cho thấy Liên Xô đã lên kế hoạch phóng tàu không gian bay quanh quỹ đạo Mặt trăng – một hành động có thể được coi là giành chiến thắng trong cuộc đua không gian lên Mặt trăng, trong khi mô-đun của Hoa Kỳ vẫn chưa sẵn sàng cho chuyến bay.
Chính vì thế, nhiệm vụ của tàu Apollo 8 được chuyển thành bay quanh quỹ đạo Mặt trăng - một nỗ lực vội vã và đầy rủi ro để đánh bại người Nga trong việc bay vòng quanh bề mặt Mặt trăng. Con tàu được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/12/1968. Nhóm của Anders là những phi hành gia đầu tiên được tên lửa khổng lồ Saturn V đẩy lên vũ trụ. Đây là con tàu đầu tiên tới một thiên thể khác và phi hành đoàn đã bay quanh quỹ đạo 10 vòng, trước khi kích hoạt động cơ chính để quay về Trái đất. Sứ mệnh đã thành công rực rỡ, các phi hành gia được ca ngợi tại các cuộc diễu hành ở New York, Chicago và Washington, đồng thời xuất hiện trước phiên họp chung của Quốc hội.
Thiếu tá Anders rời khỏi NASA và thôi phục vụ tại ngũ trong Lực lượng Không quân vào năm 1969, sau khi nhận chức thư ký điều hành của Hội đồng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia – một đơn vị cố vấn của tổng thống.
Sau này ông là thành viên của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân và DDại sứ tại Na Uy. Sau khi rời khỏi chính phủ, ông giữ chức vụ điều hành tại General Electric và Textron, đồng thời là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của General Dynamics – một nhà thầu quốc phòng lớn. Ông nghỉ hưu ở Lực lượng Dự bị Không quân năm 1988 với cấp bậc thiếu tướng.
Vào thứ sáu tuần trước, ngày 7/6, ông Anders bất ngờ tử nạn khi chiếc máy bay nhỏ mà ông cầm lái lao xuống biển gần Cảng Roche, Washington. Ông hưởng thọ 90 tuổi.
Nguồn: