Các nhà khoa học Đức vừa phát minh ra một loại cao su có khả năng tự liền rất nhanh chóng sau khi bị cắt đứt. Nhờ công nghệ mới này, tương lai sẽ không còn chiếc xe nào bị thủng lốp.


Cao su được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống nhưng có lẽ gần gũi nhất vẫn là hình ảnh những chiếc lốp cao su xe hơi hoặc xe máy bạn vẫn đi hằng ngày. Không chỉ là vật liệu hàng đầu để sản xuất lốp, cao su còn được dùng trong các bộ giảm chấn, giảm xóc và kết nối nhiều bộ phận với nhau.

Một vấn đề lớn nhất của cao su đó là nó có thể bị thủng hoặc rách trong quá trình sử dụng. Một miếng cao su bị rách sẽ cần được vá và khắc phục. Lốp xe cán phải đinh sẽ xịt, gây nguy hiểm cho người lái xe, tốn tiền bạc và thời gian.

Thế nhưng, với phát minh mới này, thủng lốp sẽ không còn là vấn đề nữa. Một nhóm các nhà khoa học tại Đức đã tạo ra một loại cao su tự liền, tức là khi bị cắt hoặc đâm thủng, loại cao su này sẽ tự làm liền những vết này. Ví dụ, nếu bạn bị thủng lốp, chỉ cần đợi một lát để chiếc lốp cao su có thời gian tự liền, bơm thêm hơi là lại có thể tiếp tục hành trình.

Xem quá trình tự làm liền của loại cao su này dưới đây:

Nói một cách đơn giản, cơ chế tự liền của loại cao su này như sau. Các lốp xe hiện đại hầu hết được sản xuất bằng công nghệ lưu hóa. Các nhà nghiên cứu của Đức đã cải tiến công nghệ này bằng cách sử dụng cao su bromobutyl, một vật liệu dễ kiếm và được sử dụng rộng rãi, sau đó chuyển nó thành một chất được mô tả là “vật liệu đàn hồi cao với tính năng tự làm liền”. Quy trình này được thực hiện không thông qua quá trình lưu hóa thông thường hoặc sử dụng chất phụ gia.

Hiện kế hoạch thương mại hóa loại cao su này vẫn chưa được công bố.