Trung thu luôn là sự kiện đặc biệt với người dân châu Á. Ngày rằm tháng tám tới đây sẽ còn đặc biệt hơn nữa khi sự kiện này trùng với thời điểm “siêu trăng” và “trăng máu” xuất hiện.

"Siêu trăng" và "trăng máu" sẽ xảy ra đêm 27/9 và rạng sáng ngày 28/9
Trung thu luôn là sự kiện đặc biệt với người dân châu Á. Ngày rằm tháng tám tới đây sẽ còn đặc biệt hơn nữa khi sự kiện này trùng với thời điểm “siêu trăng” và “trăng máu” xuất hiện.
Cụ thể, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, hiện tượng “siêu trăng” và “trăng máu” sẽ xảy ra vào đêm 27/9 và rạng sáng ngày 28/9 - đúng vào dịp Trung thu (ngày 27/9).
“Siêu trăng” - hiện tượng Mặt trăng ở gần Trái đất nhất trong năm - diễn ra đúng ngày Trung thu khiến nhiều người dân châu Á phấn khích. Bởi lẽ, còn gì ấn tượng hơn khi trong ngày rằm tháng tám được ngắm chị Hằng sáng nhất, to nhất. Theo NASA, vào dịp này, Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất nhất trong năm, sáng hơn khoảng 30% - lớn hơn 14% so với thời điểm xa địa cầu nhất.
Chưa hết, chỉ sau đó ít giờ, nguyệt thực toàn phần - hiện tượng xảy ra khi Trái đất nằm giữa Mặt trời và Mặt trăng - sẽ xảy ra. Khi đó, chỉ có một số bước sóng dài (đỏ, cam) trong phổ ánh sáng nhìn thấy là được khúc xạ đến bề mặt Mặt trăng. Và như thế, ánh sáng “vằng vặc” của chị Hằng sẽ biến thành màu từ đỏ đồng đến cam sẫm.
Trên thực tế, nguyệt thực toàn phần hay “trăng máu” không phải là hiện tượng quá hiếm gặp. Tính trung bình trên một địa điểm nhất định của Trái đất, cứ khoảng 2,5 năm lại có thể quan sát được một lần nguyệt thực toàn phần. Người Việt Nam gọi đó là hiện tượng “gấu ăn trăng” và tìm cách gõ nồi niêu soong chảo, ném đá, tạo tiếng ồn để xua đuổi “con gấu” mỗi khi thấy nguyệt thực toàn phần.
Ngược lại, “siêu trăng” và “trăng máu” xuất hiện vào cùng một thời điểm là một sự kiện khá hy hữu: Lần gần nhất diễn ra sự trùng lặp giữa “siêu trăng” và “trăng máu” là vào năm 1982 và lần kế tiếp theo tính toán sẽ rơi vào thời điểm năm 2033.
Còn việc “siêu trăng” và “trăng máu” cùng xuất hiện trong dịp Trung thu là cực hiếm. Trong thế kỷ 20, “siêu trăng” và “trăng máu” cùng xảy ra 5 lần, nhưng không lần nào rơi vào dịp Tết Trung thu.
Chỉ tiếc là châu Mỹ mới là địa điểm thuận lợi nhất để quan sát “trăng máu” trong ngày trung thu sắp tới.