Nhà thơ Bằng Việt - nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, một người bạn thân thiết của Giáo sư - nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Cát - nhận xét: “Anh Vĩnh Cát là một con người điềm đạm, lịch lãm nhưng rất sôi nổi và năng nổ từ bên trong. Anh có ý chí mạnh mẽ, luôn biết vượt khó và khắc phục mọi trở lực để đạt được mong muốn và mục đích của đời mình. Anh dễ chan hòa và cởi mở với mọi người, nhưng luôn tôn trọng và biết giữ nguyên tắc trong ứng xử và giao tiếp”.
Nhà thơ Bằng Việt - nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội.
Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ, ông rất cảm phục tinh thần trách nhiệm và cách làm việc chuyên nghiệp của ông Vĩnh Cát, đặc biệt là qua chuyến công tác Thụy Sỹ mà họ đi cùng nhau nhằm đưa Đoàn Cải lương Hà Nội sang biểu diễn vở “Kiều” lần đầu tiên ở đất nước này: “Buổi tối, anh còn đến tận hậu trường nhà hát, chăm lo từng chi tiết về ánh sáng, trang âm, phông màn, đạo cụ, trang phục diễn viên... cho suất diễn hôm sau. Anh còn lo lắng đến cả sức khỏe của từng diễn viên, lo mang đồ ăn tối vào phục vụ anh chị em trước khi về ngủ, để giữ sức khỏe”.
Với tình yêu say mê đối với các giá trị nghệ thuật dân tộc mình, trong chuyến đi đó, Giáo sư - nhạc sỹ Vĩnh Cát cứ trăn trở chuyện làm sao truyền đạt tốt nhất nội dung và lời hát của vở diễn cho khán giả Thụy Sỹ hiểu. Họ bàn bạc và cuối cùng quyết định chọn phương án chiếu phụ đề tiếng Pháp lên tấm rèm ngang vắt qua phía trên sân khấu (song song với buổi biểu diễn hát bằng tiếng Việt).
Phụ đề chính là những đoạn thơ chọn lọc trong Truyện Kiều đã được dịch giả - nhà khoa học nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện dịch ra tiếng Pháp. Nhờ chiếu màn hình liên tục có lời diễn giải bằng thơ sinh động như thế trên sân khấu, hiệu quả của buổi diễn đã tăng lên thật sự đáng kể.
“Anh Vĩnh Cát hào hứng một cách hồn nhiên như trẻ nhỏ được tặng quà khi tạo được ấn tượng đáng nhớ như vậy khi lần đầu tiên đưa vở “ Kiều” sang dàn dựng và giới thiệu thành công ở một nước Tây Âu - vốn còn xa lạ với lối sống và nếp nghĩ phương Đông của chúng ta” - nhà thơ Bằng Việt kể.