Sau 5 năm, giờ đây chúng ta đã có câu trả lời cho những câu hỏi như Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF có phải là một chiêu “đánh bóng” tên tuổi của doanh nghiệp hay liệu nó có thực sự hỗ trợ các nhà nghiên cứu không.

Các thành viên dự án “Nấm lớn trong rừng Việt Nam: ghi nhận các loài ăn được, ước tính sản lượng, mùa vụ và khả năng nuôi trồng” đang lấy mẫu thực địa. TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng và TS. Lê Thanh Huyền (Viện Nấm và Công nghệ sinh học) là chủ nhiệm dự án. Ảnh: VINIF
Các thành viên dự án “Nấm lớn trong rừng Việt Nam: ghi nhận các loài ăn được, ước tính sản lượng, mùa vụ và khả năng nuôi trồng” đang lấy mẫu thực địa. TS. Phạm Nguyễn Đức Hoàng và TS. Lê Thanh Huyền (Viện Nấm và Công nghệ sinh học) là chủ nhiệm dự án. Ảnh: VINIF

Giữ chân người tài


“Sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở Nhật và trở về trường công tác, tôi đã có một khoảng thời gian giậm chân tại chỗ”, TS. Nguyễn Ý Như (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) kể về giai đoạn mà theo chị là “hoang mang và mất định hướng” của đời mình.

TS. Ý Như chắc chắn không phải là người duy nhất rơi vào tình cảnh này. Rất nhiều nhà nghiên cứu như chị sau khi trở về nước đã cảm thấy hụt hẫng vì không biết phải bắt đầu từ đâu, nên làm gì tiếp theo để có điều kiện tiếp nối các nghiên cứu trước đó của mình. Đặc biệt, rất khó để toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiên cứu khi nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến họ phải ưu tiên công việc mưu sinh khác.

Là người luôn dõi theo và tìm kiếm con đường phù hợp để giải quyết một phần nỗi lo của các nhà khoa học trẻ, cách đây 5 năm, GS. Văn đã ngỏ lời với ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) về việc Tập đoàn nên thành lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Quỹ sẽ chủ động tài trợ cho các nhà khoa học có dự án sáng tạo, đặc biệt là những người trẻ ở trong nước hoặc từ nước ngoài về.

Cuộc nói chuyện đó là bước ngoặt mở ra một chương trình tài trợ tiên phong: Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF.

Tháng 8/2018, Quỹ VINIF chính thức được thành lập, và đến tháng 12 cùng năm thì bắt đầu nhận các dự án tài trợ đầu tiên. Với GS Vũ Hà Văn, việc thành lập Quỹ là một bước tiến nhằm “nâng cao chất lượng và văn hóa nghiên cứu khoa học tại Việt Nam - điều mà nhiều người đã trăn trở từ lâu”, ông chia sẻ tại hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động” do VINIF tổ chức sáng 26/7 tại Hà Nội.

Với mục tiêu hỗ trợ các nhà khoa học trẻ thuộc các trường đại học, học viện thực hiện nghiên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, VINIF đã triển khai 7 chương trình tài trợ, từ cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu, cấp học bổng thạc sĩ cho đến sau tiến sĩ, lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, cho đến các hội thảo, bài giảng đại chúng. “Tổng kinh phí Quỹ đã tài trợ đến nay lên tới gần 800 tỷ đồng”, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF, cho biết.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM; hàng trên, thứ hai từ trái sang) và các thành viên dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp”. Ảnh: KH&ĐS
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM; hàng trên, thứ hai từ trái sang) và các thành viên dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp”. Ảnh: KH&ĐS

Cụ thể, trong lĩnh vực KH&CN, Quỹ đã tài trợ cho hơn 100 dự án, 6 đề án đào tạo thạc sĩ liên kết; và cấp hơn 1.100 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và 90 suất học bổng sau tiến sĩ. Ở lĩnh vực Văn hóa - Lịch sử, Quỹ đã tài trợ 8 dự án cùng 30 sự kiện. Ngoài ra, VINIF cũng liên tục tổ chức và triển khai 130 hội thảo KH&CN uy tín, các bài giảng đại chúng với khách mời thuyết trình là các giáo sư hàng đầu thế giới và trong nước.

Kết quả, các dự án, đề án, suất học bổng do VINIF tài trợ đã tạo ra hàng ngàn công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín; gần 400 sản phẩm; hơn 70 phát minh, sáng chế; gần 20 doanh nghiệp startup, spin-off.

Trên tất cả, có lẽ thành quả dễ thấy nhất mà VINIF đã đạt được là niềm vui trên gương mặt của các nhà khoa học đến tham dự hội thảo kỷ niệm năm năm hoạt động của Quỹ. “Sự hỗ trợ từ VINIF thực sự đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc phát triển quy trình sản xuất vật liệu aerogel composite tính năng cao ở quy mô pilot từ nguồn phụ phẩm cellulose và tro trấu chứa hàm lượng silica đến 80%”, PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (Trường Đại học Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM), chủ nhiệm dự án “Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao aerogel composite từ phụ phẩm nông nghiệp” do VINIF tài trợ, hào hứng chia sẻ với báo Khoa học & Phát triển tại sự kiện.

Một dự án thành công khác do VINIF tài trợ là dự án “Ứng dụng quy trình tổng hợp vật liệu điện cực từ vỏ trấu để sản xuất thử nghiệm pin sạc Li-ion 4V dạng cúc áo (coin cell) và dạng túi (pouch cell) do PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM) làm chủ nhiệm. Nghiên cứu tạo ra vật liệu điện cực cho pin sạc từ vỏ trấu là một giải pháp giúp giảm giá thành của pin sạc. Đây là tiền đề quan trọng đánh dấu sự phát triển của công nghệ chế tạo và lắp ráp pin sạc Li-ion tại Việt Nam. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã ấp ủ dự định phát triển, tự chủ công nghệ sản xuất, lắp ráp và ứng dụng loại pin sạc này tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhờ chương trình tài trợ của VINIF, “dự án đã có một bước tiến lớn để hiện thực hóa các ý tưởng phát triển từ phòng thí nghiệm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm”, PGS.TS Lê Mỹ Loan Phụng nhận định.

Không chỉ các khoản tài trợ cho dự án, những suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ của VINIF cũng là điểm nhấn. Lần đầu tiên, một quỹ tư nhân trao học bổng dạng này cho các nhà nghiên cứu trẻ với giá trị học bổng vượt trội là 30 triệu đồng/tháng, gấp ba - bốn lần so với học bổng nhà nước.

Đáng chú ý, 70% hồ sơ gửi về đăng ký học bổng sau tiến sĩ là của các tiến sĩ đã bảo vệ ở nước ngoài. “Chúng tôi hiểu rằng mình phải giữ chân những con người xuất sắc nhất đấy”, PGS Phan Thị Hà Dương, chia sẻ.


.
.
Việc thành lập Quỹ là một bước tiến nhằm “nâng cao chất lượng và văn hóa nghiên cứu khoa học tại Việt Nam - điều mà nhiều người đã trăn trở từ lâu.
GS Vũ Hà Văn


Là một trong những người nhận học bổng sau tiến sĩ của VINIF, TS. Nguyễn Ý Như cuối cùng đã vượt qua được giai đoạn mất định hướng sau khi từ Nhật trở về. “Việc được nhận học bổng sau Tiến sĩ từ Quỹ đã giúp tôi có được cơ hội định hướng lại bản thân và tập trung vào các nghiên cứu mà tôi đã ấp ủ trước đó. Sự hỗ trợ đa dạng của Quỹ rất quan trọng, mang lại cơ hội cũng như nguồn động viên to lớn cho các nhà nghiên cứu tiếp tục duy trì đam mê nhiệt huyết và mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội”, chị nói.

Góp phần thay đổi cơ chế

Khi được hỏi về những ưu điểm của Quỹ VINIF, PGS.TS. Lê Thanh Hà (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) - chủ nhiệm của một dự án hỗ trợ bệnh nhân xơ cứng cột bên teo cơ ALS - đã ngay lập tức trả lời rằng đó là “thủ tục hành chính nhanh gọn, được giảm hết mức có thể”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) - chủ nhiệm dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” - sự cởi mở trong các quy định, thủ tục của VINIF, đã giúp nhóm nghiên cứu của anh có điều kiện tiến hành các nghiên cứu đột phá với rủi ro cao mà không sợ thất bại, “như đúng bản chất của quá trình nghiên cứu”, anh cho biết. Dự án hướng đến thiết kế và phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn nhiều Terabit trên giây cho mạng Internet trong tương lai. Với những điều kiện làm việc do VINIF hỗ trợ, dự án của nhóm đã đạt được những thành công ngoài sức mong đợi: công bố sáu bài báo tạp chí Q1, một bài hội thảo quốc tế đoạt giải Best Paper Award, một sáng chế được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ, ba sáng chế được chấp nhận đơn, và hỗ trợ đào tạo ba nghiên cứu sinh.

Các chương trình của VINIF không chỉ giúp các nhà khoa học tự tin hơn trong quá trình nghiên cứu, mà còn tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ khoa học hiện hành.

ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những trường hợp điển hình. Đây là đơn vị nhận được hỗ trợ nhiều nhất từ Quỹ VINIF với 10 dự án, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua.

“Nhờ có nguồn hỗ trợ này, chúng tôi đã mạnh dạn ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc”, GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết.

Nhìn từ góc độ người làm quản lý, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận thấy cách một chương trình tài trợ khoa học ở một quỹ tư nhân có thể đem lại tác động tích cực đối với hoạt động tài trợ, hỗ trợ hiện hành của các quỹ nhà nước. Theo ông, hiện nay các trường đại học và các bộ đang muốn xây dựng các quy chế để hỗ trợ các tài năng trẻ. Họ đã có kinh phí, nhưng vẫn còn đang cân nhắc cách xây dựng một cơ chế hiệu quả. “Chính các chương trình của Quỹ VINIF, với các quy chế rất khoa học, bài bản và có hiệu quả thực tế là một ví dụ để các cơ quan nhà nước tham khảo và qua đó thấy rằng nếu chúng ta muốn làm thật, thì chúng ta có thể làm. Đây cũng là một cách để thúc đẩy các cơ quan nhà nước xây dựng các quy chế của mình để thực sự hỗ trợ cho các tài năng trẻ của đất nước”, PGS. Hải nhận định.

Đồng tình với điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ mong muốn hoạt động của VINIF sẽ tác động đến các cơ quan làm chính sách của nhà nước. Theo ông, từ đây, các cơ quan làm chính sách sẽ nhận thấy là cần phải ‘hào phóng’ hơn trong việc cấp kinh phí và thay đổi chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học với mục đích thúc đẩy phát triển nghiên cứu cho các trường đại học. Có như thế, giáo dục đại học mới có thể cất cánh.

Ngoài ra, cách VINIF tài trợ cho các dự án cũng góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận định, các tác động tích cực này không những ảnh hưởng tới Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước.
Đó là những điều mà GS Vũ Hà Văn xem như phần thưởng lớn nhất cho VINIF trong 5 năm qua. “Các chương trình tài trợ của chúng tôi đã thu hút được sự tin tưởng từ các nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cao hơn nữa là sự theo dõi sát sao từ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề để tạo ra những bước ngoặt lớn hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”, ông nói.

Còn nhớ thời điểm lần đầu VINIF công bố chương trình tài trợ hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, không ít người đã bày tỏ sự hồ nghi liệu đây có phải là một chiêu “đánh bóng” tên tuổi của doanh nghiệp hay liệu nó có thực sự hỗ trợ các nhà nghiên cứu không? Sau 5 năm, giờ đây câu trả lời đã trở nên rõ ràng.