Công nghệ trên cũng đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động cho drone HERA - thiết bị bay không người lái đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường Mỹ - cũng đi ra từ chính RtR.Đầu tháng chín, tại Triển lãm Commerical UAV 202 (Mỹ) - nơi hội tụ các sản phẩm mới nhất của các công ty trong ngành drone của Mỹ và thế giới, một chiếc khung chống rung (gimbal) đến từ công ty với 100% kỹ sư người Việt - được trưng bày cùng với hai chiếc camera mới nhất dành cho drone của hãng Sony - bất ngờ gây được sự chú ý. Lý do là bởi, trong khi tất cả các gimbal hiện nay đều chỉ gắn được một camera và một lần chỉ nhìn về được một phía, “khung chống rung này cho phép gắn cùng lúc hai camera để quét ngang, xoay tròn, mỗi mắt nhìn về một hướng khác nhau, tăng năng suất gấp đôi cho tất cả các ứng dụng liên quan đến khung chống rung”, TS. Lương Việt Quốc - người sáng lập và là Tổng Giám đốc Công ty Real-time Robotics Việt Nam (RtR) cho biết.
Ý tưởng đột phá Chiếc gimbal độc đáo này được công ty đặt tên là OmniSight, nghĩa là “nhìn được tất cả mọi thứ”, theo TS. Lương Việt Quốc. OmniSight Gimbal là khung chống rung thông minh, gắn được hai camera đầu tiên trên thế giới cho phép chụp không gian trong trường nhìn hình cầu, trong đó hai camera có thể nghiêng, xoay và cuộn 360 độ một cách độc lập hoặc đồng thời. “Tính năng này rất quan trọng vì nó cho phép người dùng chụp được cái nhìn đầy đủ và toàn diện về môi trường mà không bỏ sót bất kỳ chi tiết hoặc góc độ nào”, RtR cho biết. Không chỉ vậy, khung chống rung này còn được tích hợp phần mềm và phần cứng AI, cho phép phối hợp camera thông minh và nâng cao năng suất hoạt động.
Cụ thể, thiết bị này hoạt động giống như “mắt của tắc kè hoa”, với hai camera tương ứng với hai mắt của tắc kè để nhìn được toàn cảnh cả bầu trời và mặt đất. Mỗi camera có thể phóng to và thu nhỏ, điều chỉnh tiêu cự và độ phơi sáng tùy theo cảnh và sở thích của người dùng. OmniSight Gimbal cũng có “bộ não” - một máy tính xử lý dữ liệu hình ảnh của camera và ra lệnh cho khung chống rung cũng như camera thực hiện các hành động thông minh một cách tối ưu. Chẳng hạn, “khi phát hiện một số mục tiêu đáng ngờ nhất định, máy tính sẽ điều khiển gimbal để hướng cả hai camera vào đối tượng, sau đó ra lệnh cho một camera phóng to và camera còn lại thu nhỏ, để có được cả chế độ xem cận cảnh và toàn cảnh của khung cảnh”, RtR tự tin giới thiệu về tính năng đặc biệt của khung chống rung trên trang web.
Nhờ những ưu điểm vượt trội này, OmniSight Gimbal có thể giải quyết được nhiều điểm hạn chế của các khung chống rung trước đây. “Bạn thử hình dung với bài toán kiểm tra trụ điện cao thế, người ta cần dùng drone để đi kiểm tra có chỗ nào nứt vỡ hay không trên trụ điện. Giả sử có 20 điểm cần kiểm tra mà khung chống rung chỉ có một camera - tương ứng với một mắt thì mình sẽ cần phải chụp 20 lần thì mới được. Trong khi đó, nếu có hai mắt kết hợp thêm “bộ não”, khi tới trụ điện, thiết bị sẽ có thể phân công con mắt bên trái chụp từ vị trí 1 -10, con mắt bên phải chụp từ 11 - 20 thì thời gian cần kiểm tra sẽ giảm đi một nửa, năng suất sẽ tăng gấp đôi”, TS. Lương Việt Quốc giải thích. Nói cách khác, thiết bị này có thể được dùng để nâng cao hiệu suất kiểm tra theo chiều dọc bằng cách cho phép một camera kiểm tra phần trên cùng của cấu trúc, trong khi camera kia kiểm tra phần dưới cùng một lúc. AI tích hợp có thể phát hiện các đối tượng quan tâm như cột điện, dây điện, máy biến thế, vật cách điện,... và giao nhiệm vụ chụp cho từng camera, hướng camera đến các đối tượng được giao, ra lệnh cho camera phóng to và chụp những gì cần thiết sao cho tổng thời gian thực hiện là tối thiểu.
Với những tính năng như vậy, OmniSight có thể đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau như lập bản đồ; giám sát - cung cấp phạm vi bao phủ hình cầu bằng cách cho phép một camera giám sát khu vực phía trước, trong khi camera còn lại giám sát khu vực phía sau cùng một lúc; quay phim - cho phép một chuyến bay chụp nhiều ảnh, chẳng hạn như ảnh cận cảnh và ảnh toàn cảnh cùng một lúc. Thiết bị này cũng đặc biệt hữu ích trong tìm kiếm và cứu nạn khi có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm nạn nhân xuống nhờ vào việc tăng gấp đôi diện tích tìm kiếm. Ngoài ra, khung chống rung “tắc kè hoa” này còn có thể giúp cho các loại máy bay không người lái có gắn dây cáp có được trường nhìn hình cầu và khả năng phóng to bất kỳ hoạt động nào trong khi vẫn duy trì hoạt động tổng thể không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, sản phẩm có thể được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ dùng để gắn trong thiết bị bay không người lái mà còn có thể dùng trong tàu chiến, tàu thủy và nhiều thiết bị khác, theo TS. Lương Việt Quốc.
Điều quan trọng là khung chống rung cũng tương thích với hầu hết các máy ảnh có đầu ra HDMI hoặc Ethernet và khả năng điều khiển từ xa, cũng như dễ lắp đặt, vận hành và có giao diện thân thiện với người dùng
Đi từ “nỗi đau” của người dùngNhờ đâu mà RtR lại có ý tưởng khác biệt với tất cả những công ty khác trên thị trường như vậy? “Chúng tôi chọn những ‘nỗi đau’ của người dùng mà trong ngành chưa đáp ứng được, rồi sau đó mới tìm giải pháp kỹ thuật”, TS. Lương Việt Quốc dí dỏm chia sẻ.
Theo anh, khởi đầu của những sáng chế chính là những bế tắc của các sản phẩm trước đó. “Có nhiều cách để mình đi đến sáng chế. Có những người sẽ chọn đơn thuần giải pháp về kỹ thuật, mày mò làm vậy để ra một cái mới. Còn từ phía chúng tôi, xuất phát điểm đầu tiên luôn luôn hướng đến lợi ích thiết thực, những gì người dùng đang cần mà sản phẩm hiện tại trong ngành chưa đáp ứng được thì mình mới tập trung vào đó để giải bài toán”, TS. Lương Việt Quốc cho biết. “Và khi mình đặt ra bài toán đầu tiên khởi điểm dựa trên lợi ích người dùng thì khi giải được, sản phẩm của mình cũng chắc chắn sẽ bán được. Nếu khởi đầu bằng kỹ thuật thì có khi phát minh của mình rất độc đáo, rất hay nhưng tính năng ấy người dùng lại không cần đến chẳng hạn, thì khi đó mình sẽ không thương mại hóa được”.
Với góc nhìn như vậy, RtR cũng chính là công ty đầu tiên ở Việt Nam sản xuất và xuất khẩu được những chiếc drone sang thị trường Mỹ với tính năng và giá thành cao hơn các sản phẩm tại đây. Và với khung chống rung mới, thị trường mà công ty nhắm đến cũng là các thị trường nước ngoài. “Tất nhiên mình sẽ phục vụ thị trường Việt Nam, nhưng thị trường Việt Nam không phải cái đích mình nhắm đến vì nếu chỉ nhắm đến thị trường Việt thì sẽ bó hẹp tầm nhìn, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Mình phải nhìn ra thế giới, thế giới đã làm được cái gì, và mình phải làm hơn thế. Một khi đã bán được ở thế giới rồi thì mình cũng hoàn toàn có thể bán được ở Việt Nam”, TS. Lương Việt Quốc chia sẻ.
Đó cũng là lý do RtR chọn việc sáng chế là chiến lược tạo ra giá trị. “Tìm ra một cách làm mới, đem lại nhiều lợi ích thì chắc chắn là mình sẽ bán được giá cao hơn những sản phẩm hiện tại. Đó là con đường phát triển của mình, chứ không phải mình nhìn xung quanh người ta làm cái gì đó mình bắt chước làm giống giống như vậy thì không phải là cách phát triển”, TS. Lương Việt Quốc bày tỏ suy nghĩ.
Hiện nay, RtR đã đăng ký 5 sáng chế, trong đó sản phẩm drone HERA đã chính thức được cấp bằng sáng chế vào tháng tám vừa qua. Bên cạnh đó, khung chống rung cũng đã được công ty đăng ký sáng chế. “Chúng tôi còn có ba sáng chế khác cũng đột phá nữa liên quan đến ngành drone. Ba sáng chế này cũng đang trong quá trình chứng minh với bộ phận xét duyệt”, TS. Lương Việt Quốc cho biết.
Điều đáng chú ý là dù là một công ty hoạt động tại Mỹ, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu cũng như thiết kế, sản xuất, chế tạo đều hoàn toàn là người Việt và thực hiện ở Việt Nam. Đến nay, công ty RtR đang có khoảng 50 kỹ sư Việt Nam. “Nếu nhìn qua Hàn Quốc, bạn có thể thấy tại sao cách đây 15 - 20 năm, ti vi của Samsung kém của Nhật, còn bây giờ ti vi của Samsung vượt lên trên ti vi của Nhật, đó là bởi vì Samsung chọn con đường sáng chế ra màn hình tinh thể lỏng. Muốn tốt hơn, khác hơn thì chỉ có con đường là mình phải có cách làm mới của mình”.