Đánh giá tình hình triển khai chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2010, trong đó có sản phẩm “Vắcxin phòng bệnh cho người”, Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia cho biết: Đến cuối năm 2016, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Y tế phê duyệt và đưa vào triển khai 8 nhiệm vụ thuộc 6 dự án KH&CN để sản xuất vắcxin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở quy mô công nghiệp, gồm vắcxin DPT có thành phần ho gà vô bào, vắcxin bại liệt bất hoạt, vắcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero, vắcxin Hib cộng hợp, vắcxin thương hàn vi cộng hợp, vắcxin cúm mùa.
Số lượng vắc xin 6 trong 1 Infanrix cung ứng cho Việt Nam vẫn hết sức hạn chế.
Trước tình hình bệnh dịch có xu hướng bùng phát trong khi vắcxin vẫn là biện pháp dự phòng các bệnh dịch nguy hiểm hữu hiệu nhất, hai bộ đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét ưu tiên cấp kinh phí sớm để nghiên cứu sản xuất 6 thành phần của vắcxin “6 trong 1”, mục tiêu là có sản phẩm vắcxin “6 trong 1” của Việt Nam vào năm 2018, thay thế vắcxin Quinvaxem đang phải nhập khẩu, phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Theo đó, vắcxin viêm não Nhật Bản trên tế bào vero sẽ được sản xuất bằng công nghệ mới và hiện đại nhất với quy mô dự kiến 10.000.000 liều/năm, đạt tiêu chuẩn của WHO. Triển vọng năm 2017, sản phẩm sẽ hoàn thành khâu thử nghiệm lâm sàng và được cấp số đăng ký lưu hành.
Dự án sản xuất vắcxin bại liệt bất hoạt được thực hiện nhằm thay thế vắcxin bại liệt dạng uống, đảm bảo tiến trình phòng và thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.
Còn mục tiêu của dự án sản xuất vắcxin DPT có thành phần ho gà vô bào là xây dựng một dây chuyền sản xuất vắcxin ho gà vô bào đạt tiêu chuẩn WHO, phối hợp với vắcxin uốn ván và bạch hầu để sản xuất vắc xin DTaP với thành phần ho gà vô bào, cung cấp cho chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.