Ông Đoàn Thế Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân của Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định, mục tiêu của việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Điện hạt nhân là dự án mới được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam. Vì vậy, dư luận nước nhà đang quan tâm tới vấn đề phát triển điện hạt nhân sẽ gặp những thuận lợi và thách thức nào?
Điện hạt nhân là nguồn năng lượng thay thế
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Báo Gia Lai.
Chia sẻ về vấn đề phát triển điện hạt nhân, ông Đoàn Thế Vinh - Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân của
Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương khẳng định, mục tiêu của việc phát
triển điện hạt nhân ở Việt Nam là nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong khi đó, ông Lê Doãn Phác - chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết việc phát triển điện hạt nhân nằm trong quy hoạch năng lượng của quốc gia trong bối cảnh không phải năng lượng nào cũng có sẵn. Nhiều loại năng lượng sẽ đến lúc cạn kiệt.
Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam nhằm giải bài toán cân bằng năng lượng chứ không phải tối ưu năng lượng. Khi nhiệt điện, thủy điện không đáp ứng được nhu cầu năng lượng, điện hạt nhân sẽ được đưa vào xem xét như là một trong các nguồn năng lượng thay thế.
Trên thế giới, điện hạt nhân vẫn không ngừng tăng trưởng và được rất nhiều quốc gia lựa chọn. Chẳng hạn, như Pháp có tỷ lệ điện hạt nhân chiếm đến hơn 70% trong tổng công suất điện”.
Trong năm 2015, tổng số vốn đầu tư của nhà nước cho ngành điện khoảng 5,864 tỷ USD/năm. Tới năm 2030, con số này sẽ đạt mức hơn 7,8 tỷ USD/năm. Từ nay đến năm 2030, bình quân vốn đầu tư cho ngành than là 1,6 tỷ USD/năm.
Vì vậy, việc đầu tư phát triển điện hạt nhân nhằm nhằm mục đích đáp ứng kỳ vọng giảm nhập khẩu nhiên liệu và năng lượng luôn bất ổn về giá. Dự kiến, đến năm 2030, tỷ lệ điện hạt nhân ở Việt Nam chiếm khoảng 7% tổng công suất điện quốc gia. Đến năm 2050, điện hạt nhân ở nước ta sẽ chiếm khoảng 15 - 20% tổng công suất điện.
Giải quyết những bài toán đề ra
Ông Phan Minh Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Việt Nam đang tích cực triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Trong đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được xây dựng tại huyện Thuận Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại huyện Ninh Hải.
Tổng công suất dự kiến của mỗi nhà máy vào khoảng 4.000 MW. Cả hai nhà máy đều sử dụng công nghệ lò nước nhẹ, nhiên liệu nhập khẩu và được đấu nối với lưới điện quốc gia bằng cấp điện áp 500kV.
Tuy vậy, do mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân nên Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn. Đây là dự án lớn về quy mô và đầu tư, việc thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân trung bình mất khoảng 15 năm. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam đang ở mức độ thấp. Hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, thiếu nhân lực, thiếu vốn đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2241/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020”. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo, đầu tư cho các Bộ, ngành liên quan tiến hành công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ có hàng nghìn kỹ sư, cán bộ quản lý phát triển điện hạt nhân được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài.
Theo ông Mikhail Chudakov - Phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA), năng lượng hạt nhân là một nguồn năng lượng hiện đại, giá cả phải chăng, đáng tin cậy và sạch cần phải được xem xét trong số các phương án carbon thấp được lựa chọn. Với các công nghệ tiên tiến, không những đảm bảo an ninh năng lượng mà còn giảm thiểu thiệt hại cho các hệ sinh thái cũng như phục vụ nhân loại một cách hiệu quả trong thời gian rất dài.