Các nhà nghiên cứu giống lúa và ngân hàng gene lúa ở Viện Di truyền nông nghiệp đã hợp tác với Viện nghiên cứu Earlham (Anh) - dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) để xác định các giống lúa có thể phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ngày càng thất thường.
Ông Hoa Sĩ Hiền, người lai tạo giống lúa chịu mặn 5 phần ngàn. Nguồn ảnh: nhandan.com.vn
Xuất bản trên tạp chí Rice, dữ liệu hệ gene mới sẽ hỗ trợ đáng kể trong việc tạo ra những giống lúa mới có khả năng thích ứng phục vụ cho sản xuất lúa tối ưu trên toàn cầu.
Để tìm hiểu trọn vẹn về tính độc đáo và tiềm năng của nguồn giống lúa bản địa đa dạng, nhóm nghiên cứu đã phân tích 672 hệ gene lúa Việt Nam; giải trình tự mới 616 hệ gene, bao gồm nhiều giống lúa sinh trưởng trong các hệ sinh thái đa dạng trên khắp Việt Nam. Họ đã phát hiện một quần thể phụ (subpopulation) lớn lúa “Indica 15” trước đây từng bị bỏ sót ở một số vùng của Việt Nam. Giống lúa này chưa từng được sử dụng để tạo ra những giống lúa ưu tú hơn trong các nghiên cứu cải tạo giống trước đây.
Những giống lúa địa phương này cung cấp nguồn gene tiềm năng mới với những đặc điểm nông học quan trọng, có thể được sử dụng trong các chương trình chọn tạo giống lúa trong tương lai. Điều này sẽ góp phần tạo ra một thế hệ “lúa siêu xanh” mới, được thiết kế nhằm giảm đầu vào sản xuất đồng thời tăng hàm lượng dinh dưỡng và khả năng thích ứng sinh trưởng trên các vùng đất cận biên (marginal land) - tạo ra một loại lúa bền vững và có khả năng thích ứng tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
TS. Janet Higgins (Viện nghiên cứu Earlham), tác giả chính, giải thích “Việt Nam có lịch sử phong phú về chọn tạo giống lúa, đặc biệt là ở cấp địa phương. Sự thích nghi với nhiều điều kiện môi trường và sự ưa thích của từng vùng đã tạo ra nhiều loại giống. Các nghiên cứu như thế này cho thấy rằng sự đa dạng trên đã tạo thành một nguồn gene lớn chưa được khai thác và có nhiều giá trị đối với các chương trình nhân giống trong nước và trên thế giới”.
Để tìm hiểu sự đa dạng của các giống lúa ở Việt Nam có mối liên hệ như thế nào với các giống lúa trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã phân tích chín quần thể phụ lúa địa phương có khả năng thích nghi với điều kiện ở nhiều vùng khác nhau. Sau đó, họ so sánh dữ liệu này với nghiên cứu toàn cầu trước đây về các giống lúa ở châu Á, bao gồm 15 quần thể phụ của châu Á (từ 89 quốc gia) đã công bố rộng rãi trong “Dự án 3000 hệ gene lúa”. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa các giống lúa mới có nguồn gốc ở Việt Nam với bộ dữ liệu giống lúa châu Á - dẫn đến phát hiện về quần thể phụ 15 Indica.
Sự đa dạng di truyền này là một nguồn tài nguyên giá trị cao khi các vùng sản xuất lúa lớn nhất nằm dưới mực nước biển ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đang phải chịu đựng mối đe dọa ngày càng tăng do biến đổi khí hậu - các hình thái thời tiết thất thường, mực nước biển dâng cao gây xâm nhập mặn và hậu quả là hạn hán ở các vùng cao.
TS. Higgins cho rằng “các giống lúa cải tiến, có năng suất cao và bền vững là điều cần thiết để đảm bảo chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu lúa gạo trên thế giới. Chịu mặn và chịu hạn là những đặc điểm quan trọng cần phải giải quyết để đảm bảo việc sản xuất lúa gạo trong tương lai”.
“Chúng tôi hiện đang phân tích chi tiết hơn về quần thể phụ Indica 15. Chúng tôi hi vọng sẽ phát hiện ra các vùng của hệ gene được chọn trong quần thể phụ Indica 15 và mối liên hệ của chúng với các đặc tính cần thiết để tạo ra giống lúa bền vững”.
“Sẽ thật tuyệt nếu IRRI có thể kết hợp một số giống Indica 15 từ Việt Nam mà chúng tôi đã mô tả trong nghiên cứu vào các chương trình chọn tạo giống lúa trong tương lai của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng dữ liệu mới sẽ góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa sản xuất lúa bền vững cho nhu cầu toàn cầu và bảo vệ hành tinh của chúng ta”, bà nói.□