Giải quyết chuyện đốt rơm không đơn giản là thay đổi nhận thức, ngăn người nông dân không xòe diêm châm lửa. Với đặc thù mùa vụ như thời gian gối vụ ngắn, ruộng đất manh mún, thời tiết thất thường…, câu chuyện rơm rạ ở miền Bắc đòi hỏi nhiều giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất sao cho phù hợp.
Cứ mỗi mùa thu hoạch, nhất là vụ Đông Xuân ở miền Bắc lại mù mịt khói bụi đốt đồng. Ngoại thành đốt rơm, nội thành tức thở, thậm chí còn ảnh hưởng tới an toàn bay của các hãng hàng không và tồn lưu bụi mịn trong không khí còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chưa kể, đốt rơm rạ cũng có nghĩa là đốt đi của cải bởi cả chục triệu tấn rơm rạ nếu được thu gom sẽ trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi, làm nấm, nguyên liệu cho ngành tiểu thủ công nghiệp cho đến làm sinh khối… Thử một phép tính đơn giản, mỗi cuộn rơm được bán với giá vài nghìn cho ngành chăn nuôi đại gia súc là đã mang lại hàng chục nghìn tỉ đồng. Ước tính mỗi tấn rơm rạ sẽ cho 4-6 kg ni tơ, 1-2 kg phốt pho, 15-20 kg kali... và nhiều vi lượng khác khi được ủ hoai mục, bón vừa đủ chính là chất bổ quý giá cho ruộng đồng.
Xử lý rơm rạ bằng cách ủ đống làm phân bón ở Sóc Sơn. Ảnh: Hội phụ nữ huyện Sóc Sơn
Chuyện rơm rạ mà chúng ta vẫn tưởng nhỏ này thực ra không phải chỉ khu trú ở riêng Hà Nội hay miền Bắc Việt Nam. Cũng như Việt Nam, những vựa lúa của thế giới, nơi năng suất lúa tăng lên rõ rệt trong mấy chục năm qua khiến lượng rơm rạ tăng lên tỉ lệ thuận như Thái Lan hay Ấn Độ đang nỗ lực mà chưa thu gom xử lý hết nhiều chục triệu tấn rơm, và nông dân thì vẫn phải đốt rơm thừa vì đốt là tiện nhất.
Vì lẽ gì mà nông dân, nhất là người dân đồng bằng Bắc Bộ vẫn đốt rơm rạ, đặc biệt là sau vụ Đông Xuân?
Cực chẳng đã mới đốt
“Nông dân cũng không muốn đốt đâu!”, chị Trương Thị Thanh Nhàn, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn cho chúng tôi biết trước buổi tọa đàm về vấn đề đốt rơm rạ ngày 12/61. Câu nói này sẽ khiến chúng ta nhìn nhận lại các giải pháp giảm đốt rơm rạ, bởi cho đến nay, đối tượng đích phải “thay đổi nhận thức” chính là nông dân, nhiệm vụ tuyên truyền vẫn được đặt lên hàng đầu trong các chỉ thị yêu cầu ngừng đốt rơm rạ. Cái khó ở đây là gì?
Không chỉ chị Nhàn, nhà khoa học nông nghiệp, phát triển cộng đồng và cả doanh nghiệp đang đi thu gom rơm ở miền Bắc đều cho chúng tôi biết “đốt rơm là điều cực chẳng đã”, chính người nông dân cũng lúng túng khi xử lý rơm rạ vì thời gian nghỉ gối vụ Đông Xuân rất ngắn ngủi. Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng rơm rạ lên đến hàng chục tấn rải rác ở trên các ruộng đồng manh mún của miền Bắc, mà bất kỳ giải pháp khoa học kỹ thuật để xử lý, thu gom rơm rạ cũng phải tính đến điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, và thời gian thì chỉ được phép gói gọn trong chưa đầy 20 ngày.
Nếu không giải phóng rơm rạ ra khỏi ruộng thì toàn bộ số rơm này sẽ cuốn vào những chiếc máy cày loại nhỏ dễ lách vào mọi thửa ruộng nhỏ hẹp ở miền Bắc, dù có chạy đến “cháy máy” cũng không cày cấy được. Không hộ dân nào dám đánh liều để rơm rạ lại ruộng, vì theo kinh nghiệm dân gian và kiến thức nông học phổ thông, để rơm rạ lại trên đồng quá nhiều cũng sẽ gây “ngộ độc” cho đất vì bội thực chất hữu cơ, thậm chí làm thối rễ, vàng lá cây lúa, ảnh hưởng tới năng suất chất lượng vụ mùa sau.
Ở huyện Sóc Sơn, hiện nay còn lại khoảng 35% thừa rơm rạ ở cánh đồng lúa “không biết xử lý như thế nào”. Dù đã nhận được sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật từ phía các phòng kinh tế, nông nghiệp, môi trường của huyện cũng như các tổ chức cộng đồng như Live and Learn sử dụng đủ các biện pháp xử lý xử lý rơm rạ, thì trong số 57 nghìn tấn rơm rạ do gần 10.000 ha lúa của Sóc Sơn mang lại, “chỉ có khoảng 11% được người nông dân làm thức ăn cho gia súc, khoảng 53% cố gắng thu gom lại ủ làm phân bón dùng dần, số dùng để làm nấm hoặc tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 5%”, chị Nhàn cho biết.
Vì thế, khi tự đánh giá những nguyên nhân khiến cho các xã chưa thể ngừng đốt rơm rạ triệt để như các chính sách môi trường của thành phố Hà Nội đề ra vài năm nay, đặc biệt là hồi cuối năm 2020 chỉ thị 15 của UBND thành phố đặt mục tiêu đến tháng 1/2021 sẽ không còn đốt rơm rạ, chị Nhàn xếp vấn đề nhận thức của người dân chưa đánh giá hết tác hại của đốt rơm rạ xuống cuối cùng. Vấn đề là làm sao áp dụng được giải pháp khoa học kỹ thuật nào, thậm chí phải tổ chức sản xuất sao cho phù hợp.
Không quá thiếu giải pháp khoa học kỹ thuật
Trên thực tế, chúng ta cũng không quá thiếu giải pháp khoa học kỹ thuật để xử lý rơm rạ, chủ yếu theo hai hướng: một là hoàn trả cho ruộng đồng làm phân bón hữu cơ; hai là thu gom để dành phục vụ cho một chuỗi sản xuất mới như chăn nuôi gia súc, làm nấm rơm, tiểu thủ công nghiệp, sinh khối.
Với hướng thứ nhất, đặc biệt trong thời gian gối vụ ngắn ngủi của vụ đông xuân, một giải pháp đã được các nhà khoa học nông nghiệp nghiên cứu từ lâu là sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp tăng thời gian phân hủy, tăng hiệu quả phân hủy rơm rạ. Nhóm nghiên cứu của chị Nguyễn Thị Yên (Phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) sử dụng kết quả đề tài khoa học cấp nhà nước từ những năm 1990 để chế tạo chế phẩm vi sinh gồm các chủng có trong đất hoàn toàn quen thuộc như bacillus subtillis, lactobacillus, saccharomyces cereviseae... giúp phân giải rơm và giữ lại được toàn bộ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng gồm ni tơ, kali, phốt pho... Chỉ một nửa kg chế phẩm này có thể xử lý rơm rạ được cho ba sào Bắc Bộ và giúp giảm được khoảng 30% phân bón cho đồng ruộng cho vụ mùa sau. Quá trình phân giải của các chủng vi sinh vật này giúp hạn chế sinh ra khí H2S và CH4, giảm ngộ độc hữu cơ trong đất, giảm phát thải cho môi trường, đồng thời kiềm chế các mầm bệnh, nấm, vi sinh vật có hại, giúp cải tạo đất. Do đó, cách làm này cũng giúp nông dân giảm nỗi lo không đốt rơm rạ trên đồng có thể sẽ không diệt được sâu bệnh.
Mặc dù chị Yên đã sử dụng men vi sinh phát triển mô hình xử lý rơm rạ thành công ở những địa điểm ở các vùng miền khác nhau, từ An Phú, Long An, Phú Lương, Thái Nguyên cho tới Chương Mỹ (Hà Nội), tuy nhiên chị cũng cho biết để áp dụng giải pháp này thành công thì phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hoặc hệ thống thủy lợi. Nếu người nông dân để lại cả rơm và gốc rạ trên mặt ruộng và rắc men vi sinh thì phải có mưa hoặc tháo nước vào ruộng, sau đó rập rơm và rạ ngập xâm xấp nước khoảng 1-2 cm thì vi sinh mới hoạt động tốt và phân hủy trong vòng hai tuần. Do đó, có những khu vực chỉ có thể áp dụng một phần giải pháp này hoặc thậm chí là chưa thể áp dụng đơn cử như Sóc Sơn, vì “chủ yếu do thiếu nước tưới tiêu trên cánh đồng, tất cả cánh đồng vào mùa gặt nắng không có chút nước nào. Người dân có thể biết hiệu quả của giải pháp này nhưng vì không có nước trên cánh đồng nên không thể sử dụng phương pháp ủ thành phân hoặc biến rơm rạ thành nguồn phân bón”, chị Thanh Nhàn cho biết. Rất nhiều cánh đồng ở Hà Nội và miền Bắc tương tự điều chị Nhàn nói – các hộ gia đình không gặt cùng lúc, một hộ gia đình muốn lấy nước từ hệ thống thủy lợi chung thì lại phải chờ nhiều hộ gia đình khác cùng tháo nước vào ruộng. Sâu xa hơn, muốn gặt cùng một lúc, tháo nước vào ruộng cùng ngày thì phải cấy cùng thời điểm, thậm chí cùng giống lúa (các giống có thời điểm thu hoạch khác nhau). Đây là điều rất khó khi việc tổ chức sản xuất lúa gạo ở miền Bắc chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, thậm chí còn phải đổi công.
Ruộng khô thiếu nước thì chỉ có thể rải men vi sinh lên rạ để vi sinh phân hủy rạ vào những ngày ruộng được tháo nước. Còn số rơm khô trên ruộng đòi hỏi đến giải pháp thứ hai: thu gom lại bằng cơ giới để làm đầu vào cho chuỗi sản xuất mới. Chính vì thế, vài năm gần đây anh Nguyễn Tường Hưng, Công ty TNHH máy Phố Hiến bắt đầu sử dụng các máy cuốn rơm nhỏ, loại lắp vào sau máy cày nhỏ phổ biến ở miền Bắc. Máy cuốn rơm này có thể thu cuộn rơm đường kính khoảng 50 cm, dài 70cm/nặng 12-14kg, rất tiện lợi cho thu gom, mang vác trên các cánh đồng nhỏ.
Giải pháp này giúp thay thế việc đốt rơm rạ rất tốt, vì máy cuốn rơm chỉ hoạt động trong những ngày trời nắng và đây cũng chính là lúc đốt rơm rạ nhiều nhất.
Kinh tế tuần hoàn cho rơm rạ?
Tuy nhiên anh Hưng cũng thú thực, những gì công ty mình làm mới chỉ như muối bỏ bể khi chỉ thực hiện được ở các điểm nhỏ. Mặt khác, cách làm này cũng có nhược điểm, vì máy cuốn bắt buộc phải đi đến những chân ruộng cao không ngập nước và chỉ thu gom được trong những ngày nắng để dự trữ rơm khô. Giải pháp này cũng rủi ro khi kéo cả đội quân đi thu gom rơm khá tốn kém nhưng chỉ cần mưa đổ xuống là phải ...ngồi chơi chờ nắng lên. Anh cho rằng, mô hình người nông dân tự mua máy, tự cuốn rơm sẽ có hiệu quả cao, vì chính người dân ở từng địa phương rất hiểu đồng ruộng của mình, chủ động thu gom, xử lý trong điều kiện thời tiết phù hợp.
Tuy nhiên, điều mà anh Hưng mong muốn lại vấp phải một nguyên nhân mà chị Thanh Nhàn chỉ điểm ra đầu tiên khi nói tới khó khăn của việc ngừng đốt rơm rạ: chưa có thị trường cho rơm rạ. Chưa có đầu mối thu mua bao tiêu rơm rạ cũng như chuỗi phân phối đến các trang trại chăn nuôi đại gia súc, làm thanh nhiên liệu, trồng nấm... thì người dân khó có thể tiếp tục thu gom. Do đó, có thể họ sẽ lại quay trở lại điểm xuất phát là đốt rơm cho tiện.
Mặc dù anh Hưng cho biết công ty mình còn phân phối máy móc, kết nối với các công ty thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc nhưng chỉ một mình Phố Hiến thì không thể chạy khắp miền Bắc giải quyết được hàng triệu tấn rơm trên đồng ruộng. Vì mỗi chiếc máy thu gom rơm loại nhỏ cũng chỉ có thể gom tối đa 2-3 ha mỗi ngày và anh Hưng ước tính mỗi thôn xã cần 1-2 chiếc máy cuốn mới đủ để gom rơm rạ.
Để giải quyết trọn vẹn vấn đề rơm rạ, không chỉ cần giới thiệu các giải pháp cơ giới đơn lẻ mà điều quan trọng hơn là việc thiết lập một “hệ sinh thái” phù hợp cho kinh tế tuần hoàn của rơm rạ mà ở đó, những người nông dân sẵn sàng thu gom có thể gặp gỡ được những người có giải pháp kỹ thuật và những doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận nguồn rơm rạ để đưa nó thành nguyên liệu đầu vào cho một chu trình sản xuất mới như phân hữu cơ, giá thể trồng nấm hoặc sinh khối... Ngay cả các giải pháp hoàn trả rơm rạ cho ruộng đồng nếu muốn triệt để cũng đòi hỏi việc tổ chức công việc đồng áng sao cho thuận lợi.
Tất cả những đòi hỏi xử lý phụ phẩm đặt trong một bối cảnh sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung ở miền Bắc không phải là sản xuất lớn, ruộng đồng nhỏ lẻ, thời tiết thất thường. Có lẽ vấn đề rơm rạ cần nhiều thời gian, nhiều lựa chọn giải pháp khoa học kỹ thuật cho người nông dân hơn chúng ta nghĩ và muốn nói không với đốt rơm rạ ngay lập tức.
Chú thích:
(1)Tọa đàm “Đốt rơm rạ: Đừng để lãng phí vàng mười và những bài học từ cộng đồng”, do Báo Khoa học và phát triển, Trung tâm Sống và học tập vì cộng đồng (Live and Learn) đồng tổ chức. Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động tọa đàm, hội thảo và thúc đẩy các giải pháp kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.