Howard Gardner tin rằng phần lớn những gì chúng ta đã khám phá ra liên quan đến các nguyên tắc học tập và phát triển của con người xung đột mạnh mẽ với những phong tục tập quán trong nhà trường.
Gardner mở đầu cuốn sách “Trí khôn phi học đường” bằng việc nêu ra hai câu hỏi “khó hiểu” rất quan trọng, liên quan đến việc học tập của con người: tại sao trẻ em, trong những năm đầu của cuộc đời, có thể học nói, học hát, tập đi xe đạp, nhảy múa và học hỏi để thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác mà không cần tới một sự giáo dục chính thức? Và tại sao cũng những đứa trẻ ấy khi đến trường đôi khi lại gặp phải nhiều khó khăn trong học tập? Ngay cả khi những học sinh này tỏ ra nắm vững những kiến thức đã được truyền thụ, Gardner vẫn cho rằng sứ mệnh giáo dục chưa được hoàn thành một cách trọn vẹn. Ông dẫn ra những nghiên cứu cho thấy, hầu hết học sinh hay sinh viên chưa có được những hiểu biết chính xác và thực sự sâu sắc về những khái niệm và những kiến thức “đã học”.
Xuyên suốt cuốn sách, Gardner hướng dẫn chúng ta quan sát từng chặng trong hành trình học tập của ba kiểu người học :
1. Người học trực quan (học tự nhiên, học ngây thơ hay phổ thông): những người được trang bị để học ngôn ngữ và các hệ thống biểu trưng khác trong những năm đầu cuộc đời (từ lúc sơ sinh đến năm 7 tuổi)
2. Người học truyền thống (những người học theo lối học đường), từ 7 đến 20 tuổi, với mục đích nắm vững và làm chủ các chương trình được giảng dạy trong một ngôi trường. Những học sinh này, khi bị tách khỏi bối cảnh lớp học, thường phản ứng theo những cách tương tự như những trẻ em mầm non hay tiểu học. Chẳng hạn, rất nhiều học sinh trung học khi mô tả về “dòng điện” vẫn nghĩ ngay tới các mô hình có sẵn trong đầu như “dòng nước chảy” hay một “đám đông lúc nhúc” các điện tử, đây là những ý niệm “sơ thủy” được hình thành ngay từ thời thơ ấu. Một khi xuất hiện những vấn đề mới mẻ, vượt khỏi phạm vi hiểu biết lúc đó hoặc chưa được củng cố thông qua những kiểm chứng thực nghiệm thì những ý niệm sơ thủy sẽ xuất hiện một cách vô thức để lấp vào chỗ trống (nơi những kiến thức mới còn chưa được gia cố vững chắc). Đó chính là lý do nhiều sinh viên 18 tuổi lại thể hiện không khác gì đứa trẻ 7 tuổi.
3. Các chuyên gia bộ môn (người được đào tạo trong một lĩnh vực chuyên ngành): những cá nhân, ở những lứa tuổi khác nhau, đã nắm vững một số khái niệm và kỹ năng của một chuyên ngành hay một lĩnh vực nào đó và có khả năng áp dụng các kiến thức đó một cách thích hợp vào trong những tình huống mới. Theo Gardner, đây mới là những người “thực sự hiểu” theo đúng nghĩa của từ này.
Gardner phê phán những đòi hỏi của các nhà nghiên cứu giáo dục muốn xây dựng các “kỹ năng cơ bản”, “trình độ văn hóa” hay “bài kiểm tra chuẩn” mang tính bắt buộc, ông coi đó là những loại tư duy khuôn mẫu, giản lược hóa và bóp nghẹt tiềm năng sáng tạo của người học. Ảnh: INT
Gardner tin rằng phần lớn những gì chúng ta đã khám phá ra liên quan đến các nguyên tắc học tập và phát triển của con người hiện đang xung đột mạnh mẽ với những phong tục tập quán trong nhà trường. Hiển nhiên điều này đòi hỏi phải cải cách mạnh mẽ cấu trúc hiện tại của trường học. Điều quan tâm lớn nhất của người đọc là cách mà Gardner sẽ đề xuất liên quan đến phương pháp đào tạo để sao cho có thể xuất hiện ngày càng nhiều những “chuyên gia” trong các lĩnh vực, những người “thực sự hiểu biết”. Nói chính xác hơn, đó sẽ phải là một hệ thống vận hành nhịp nhàng để đưa người học từ cấp độ “học trực quan” qua cấp độ “học truyền thống” rồi tới bước tới cấp độ “học như một chuyên gia”.
Như chúng ta đã biết, Gardner rất nổi tiếng với lý thuyết về bảy dạng trí khôn của mình, ông luôn coi đó là bảy cách nhận biết về thế giới và tin rằng xã hội sẽ phát triển tốt hơn nếu các môn học được trình bày theo nhiều cách và kết quả học tập được đánh giá thông qua các phương tiện khác nhau. Ông yêu cầu một nhà giáo dục giàu kinh nghiệm phải biết cách đánh giá toàn diện học sinh của mình ở nhiều mặt, không chỉ thuần túy về trí năng ngôn ngữ hay logic như xu thế đang thịnh hành hiện nay. Gardner gợi ý rằng dựa vào lý thuyết nhiều dạng trí khôn, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện hơn, mang tính thực tiễn hơn thay cho một lối học “tầm chương trích cú”, một thứ “học vẹt” mang tính kinh viện và xa rời thực tiễn. Giáo dục phải quan tâm đến những vấn đề có ý nghĩa và nảy sinh trong bối cảnh tự nhiên, đó là những gì mà những người làm nghề giáo dục cần hướng tới.
Gardner cũng phê phán, chỉ trích những đòi hỏi của các nhà nghiên cứu giáo dục muốn xây dựng các “kỹ năng cơ bản”, “trình độ văn hóa” hay “bài kiểm tra chuẩn” mang tính bắt buộc - ông coi đó là những loại tư duy khuôn mẫu, giản lược hóa và bóp nghẹt tiềm năng sáng tạo của người học.
Trên một lập trường khá kiên định và nhất quán, ông trình bày một số các mô hình giáo dục cụ thể mà hầu hết các nhà giáo dục đều có thể dễ dàng chấp nhận vì chúng luôn dựa trên những triết lý giáo dục và những nguyên tắc cơ bản khá quen thuộc và thống nhất bấy lâu nay.
Như bất kỳ nhà cải cách giáo dục nào, Gardner quan tâm đến hai câu hỏi trọng yếu: Dạy cái gì và dạy như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, ông mô tả những cách làm khác nhau trong những xã hội khác nhau. Ở những nền giáo dục “bắt chước”, giáo viên sẽ thực hiện một loạt hành vi sao cho học sinh sao chép càng giống càng tốt (ví dụ: kịch câm, thư pháp...); ở những nền giáo dục “chuyển đổi”, giáo viên sẽ đóng vai trò là người điều hành hoặc huấn luyện viên, cố gắng khơi gợi những phẩm chất nhất định ở học sinh bằng cách đặt ra vấn đề, tạo ra những thách thức và những tình huống khác nhau để học sinh chủ động giải quyết. Gardner đánh giá rất cao phương thức truyền nghề-học việc. Ông coi đó là một phương thức dẫu đã có từ xa xưa nhưng vẫn còn là một phương pháp truyền đạt rất hiệu quả cho những người trẻ tuổi, chúng củng cố trí năng cảm giác - vận động, điểm hạn chế nếu có là bên cạnh một kỹ năng thành thạo, người học ít được rèn luyện khả năng trình bày lưu loát hay đào sâu các suy tưởng về những việc họ đã được học và đã làm.
Giống với việc học nghề, việc sử dụng môi trường ngoài lớp học (bảo tàng, dã ngoại, tham quan) để phục vụ cho việc học tập trong nhà trường cũng đã được đặt ra từ lâu và các nhà giáo dục coi đó như điều hiển nhiên, tuy nhiên Gardner lưu ý, các phương pháp phối hợp sao cho hiệu quả nhất và phải tính đến tính đặc thù của từng đối tượng người học (ví dụ: cùng một kiểu tham quan bảo tàng, những đối tượng khác nhau sẽ có những kết quả rất khác nhau), nhưng trong bất kể trường hợp nào, Gardner luôn tin rằng trường học ngày nay cần được cải tổ mạnh hơn nữa bằng việc tăng cường cung cấp những trải nghiệm mang tính trực tiếp và gắn với cuộc sống cộng đồng nhiều hơn.
Kết thúc cuốn sách, Gardner nhấn mạnh lại ba lý do dẫn đến việc học sinh gặp khó khăn trong quá trình học ở nhà trường, điều mà một nền giáo dục hiện đại phải nhanh chóng khắc phục:
1. Phần lớn sách vở tài liệu dành cho học sinh, sinh viên thường xuyên bị chính họ đánh giá là xa lạ và vô nghĩa, những sự hỗ trợ của các thế hệ đi trước đối với họ thì vừa thiếu vừa yếu.
2. Hầu hết các chương trình học hiện nay không chú trọng đến các học sinh có khả năng nghiêng về nhận thức không gian, âm nhạc hay suy tưởng nội tâm - chúng chỉ dành sự ưu tiên để học sinh phát triển mạnh về trí tuệ ngôn ngữ hay logic, những đối tượng “quen thuộc và thân thiện” với văn bản.
3. Các hình thức biểu đạt của các dạng kiến thức trong nhà trường hầu như không tương thích với hình thức biểu đạt của những hiểu biết nặng về cảm giác và biểu tượng đã xuất hiện ở trẻ trước khi học trong nhà trường. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: một là sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và tâm lý trẻ nhỏ của những người biên soạn sách giáo khoa ở các cấp, cộng thêm nữa là thái độ coi nhẹ giá trị của loại kiến thức “phi học đường”. Điều này gây ra một sự lãng phí khi không tận dụng được khối kiến thức “tự nhiên” làm nền móng để xây lên những kiến thức mới; bênh cạnh đó nó còn tạo ra sự “đứt gãy” trong quá trình nhận thức của trẻ, đặc biệt là đứt gãy về ngôn ngữ. Trẻ phải tiếp nhận thụ động hàng loạt từ ngữ mới, khái niệm mới trong một khoảng thời gian hạn hẹp, gây ra sự ức chế cũng như sự xung đột giữa những dạng kiến thức “tự nhiên” và kiến thức được nhà trường truyền dạy.