Ông bắt đầu cuộc trò chuyện bằng phần giới thiệu về mình: “Tôi là người ngẫu nhiên trở thành một nhà sáng chế, dù không định trước việc này. Đó là năm 1995, khi làm luận văn tiến sĩ, điều duy nhất tôi tìm kiếm là sự khác nhau giữa những doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp truyền thống. Và câu trả lời nằm ở câu hỏi “tại sao” doanh nghiệp đó ra đời, tồn tại và phát triển.
Điều này, nghe có vẻ xưa cũ, vì nó cũng chính là “sứ mạng” của doanh nghiệp, nhưng càng đi sâu, thì càng thấy thú vị, vì sự phong phú của những ý tưởng, những nền tảng mà từ đó, doanh nghiệp có thể tạo ra các giá trị cho xã hội hoặc cho khách hàng. Giá trị, đó là thứ mà thị trường cần. Nên câu hỏi cần được cụ thể hơn: cuối cùng thì doanh nghiệp tạo ra giá trị gì? Tôi vẽ một sơ đồ 1 trang, và không biết rằng sau này nó là thứ được dùng cho khởi nghiệp trên toàn thế giới”.
TS. Patrick Stahler. Ảnh K.Chinh
Ông kể một câu chuyện về một doanh nghiệp sáng tạo ở Ấn Độ có tên Hệ thống Chăm sóc Mắt Aravind. Dịch vụ mà họ cung cấp là một thứ xưa cũ trên thế giới: mổ mắt cho người bị đục thủy tinh thể. Nhưng vấn đề mà họ giải quyết mà giá trị mà họ tạo ra thì lại hoàn toàn khác biệt với những mô hình kinh doanh truyền thống: thay vì phải vào bệnh viện, đăng ký, khám, chờ xếp lịch, có phòng mổ, bác sĩ vào mổ… tức là tiêu tốn rất nhiều thời gian và cơ sở vật chất cũng như nhân lực chỉ để giải quyết một vấn đề duy nhất: mổ mắt.
Vậy là họ tạo ra một thứ gọi là “Low cost production system” – tạm dịch là hệ thống vận hành sản xuất giá rẻ. Đó là cách áp dụng công nghệ sản xuất trong nhà máy vào bệnh viện. Họ tạo ra một dây chuyền chuyên nghiệp, tiêu chuẩn hóa mọi chuyển động của mọi khâu để giải quyết “người nào việc nấy”. Họ phân tích công việc của từng người, và tìm cách giảm thiểu công việc đó. Bác sĩ, chỉ để làm việc duy nhất cần đến họ là mổ. Y tá, trở thành người huấn luyện người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, chuẩn bị cho ca mổ và việc mổ mắt có thể diễn ra trong một phòng mổ rộng lớn chứ không cần phải là một phòng nhỏ chuyên dụng như xưa nữa.
Vậy là, họ có thể tạo ra giá trị của việc mổ mắt cho người nghèo ở Ấn Độ một cách rẻ nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Mô hình “đưa sản xuất nhà máy vào bệnh viện” này đã nhận được giải thưởng của quỹ Bill và Melinda Gates (quỹ tài trợ lớn nhất thế giới do tỷ phú Bill Gates và vợ lập ra).
Kết luận của câu chuyện này là gì? Là cách mà người ta nhìn vấn đề bằng một đôi mắt khác, đổi mới sáng tạo phương thức làm việc với mục đích là giúp được nhiều người hơn, chứ không phải dựa vào những công nghệ mới nhất hoặc những “đồ chơi công nghệ” nhìn rất ngầu nhưng lại tạo ra ít giá trị.
Patrick dẫn lại câu định nghĩa nổi tiếng về kinh doanh cảu Peter Drucker: “Mục đích của một doanh nghiệp là tạo ra khách hàng”. Và từ đó, ông bắt đầu hành trình đi giảng bài cho khởi nghiệp vòng quanh thế giới suốt 8 năm qua với một câu hỏi duy nhất: “Job the get done” (tạm dịch: công việc cần phải hoàn thành của khách hàng là gì?).
Ông lại kể một ví dụ khác, là ở Mỹ và châu Âu, cứ đến mùa Giáng sinh, thì nhà nào cũng mua một cây thông để chưng. Và làm sao để cây thông đứng được trong nhà một cách vững chãi, có đủ nước, có thể treo các vật trang trí… luôn là một cuộc đánh vật của cả gia đình. Có một công việc cần được giải quyết ở đây, nhưng mấy mươi năm qua, không ai chịu đứng ra xử lý, cho đến một ngày, một người kỹ sư tên là Krinner tạo ra cái trụ để cắm cây thông Giáng sinh. Patrick đưa cho xem một phản hồi của khách hàng trên Amazon về sản phẩm này: “Quá tuyệt vời. Cái trụ cắm này đã cứu cuộc hôn nhân của chúng tôi. Năm nào mua cây thông về chúng tôi cũng cãi nhau ỏm tỏi vì đánh nhau với cây thông quả là cực hình, nay đã khác…”.
Patrick chia sẻ: “Tôi thấy các bạn khởi nghiệp cứ thích những ý tưởng công nghệ độc đáo, những phát kiến làm thay đổi thế giới, mà quên mất việc phải nghĩ xem sản phẩm của mình sẽ tạo ra giá trị gì cho khách hàng. Vậy nên, hãy nhắc các bạn, quy trình tạo ra một doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần được viết ra đầy đủ các bước sau: tìm hiểu nguyện vọng khách hàng, hiểu các nguyện vọng này, đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp tồn tại, nghĩ ra một ý tưởng sản phẩm, thiết kế, thử nghiệm và học hỏi từ thị trường”.