Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát quá trình tia vật chất hình thành và phun ra từ hố đen sau khi nó nuốt một ngôi sao, Independent hôm 14/6 đưa tin. Sự kiện xảy ra trong cặp thiên hà đang va chạm mang tên Arp 299 cách Trái Đất gần 150 triệu năm ánh sáng. Ở vùng trung tâm của mỗi thiên hà có một hố đen siêu khối lượng.
Nhóm chuyên gia sử dụng kính viễn vọng vô tuyến và hồng ngoại để theo dõi một một ngôi sao khối lượng gấp đôi Mặt Trời tới quá gần hố đen khối lượng gấp 20 triệu lần Mặt Trời. Lực hấp dẫn của hố đen xé toạc ngôi sao thành nhiều mảnh. Quá trình này gọi là sự kiện gián đoạn thủy triều.
"Trước đây chúng tôi chưa bao giờ có thể quan sát trực tiếp sự hình thành và phát triển của tia vật chất từ sự kiện này", nhà thiên văn Miguel Perez-Torres tại Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn Andalusia cho biết. Hố đen thường khá tĩnh lặng, chỉ nằm yên ngoài không gian và không nuốt vật thể nào. Nhưng chúng có thể hoạt động khi có vật thể tiến vào trường hấp dẫn, ví dụ một ngôi sao.
Vật chất bị xé khỏi ngôi sao tạo thành một đĩa tròn xoay quanh hố đen, phát ra ánh sáng và tia X mạnh, các tia vật chất cũng bị đẩy ra ngoài với tốc độ gần bằng ánh sáng. "Sự kiện gián đoạn thủy triều có thể mang đến cơ hội độc đáo để nâng cao kiến thức về sự hình thành và phát triển tia vật chất ở các vật thể đầy sức mạnh này", Perez-Torres nói thêm.
"Vì bụi hấp thụ hết ánh sáng nhìn thấy được nên sự kiện gián đoạn thủy triều có thể chỉ là phần nổi trên tảng băng trôi của những điều bí ẩn. Qua việc dùng kính viễn vọng vô tuyến và hồng ngoại để tìm kiếm sự kiện tương tự, có thể chúng ta sẽ phát hiện nhiều hơn và học hỏi từ chúng", nhà thiên văn Seppo Mattila tại Đại học Turku chia sẻ.