Trong cuốn Vaxxers, hai tác giả đứng sau thành công của vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca không chỉ giải tỏa những nghi vấn thường gặp đối với các loại vaccine quá mới này, mà còn truyền đi thông điệp: khoa học chính là giải pháp hữu hiệu cho nhân loại trong đại dịch COVID, cũng như các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Là một trong ba loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt sớm nhất dùng cho việc tiêm chủng đại trà để chống lại dịch bệnh COVID-19, AstraZeneca, giống như Pfizer và Modena, được nhiều người dân trên thế giới đón nhận với lòng thán phục. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ nghi ngại: “chúng ta không biết có gì trong đó. Thủy ngân và các chất độc hại khác” hay “ai đó ở thượng tầng đang sử dụng vaccine trong đại dịch để lắp vi mạch kiểm soát tất cả chúng ta”.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu ở Anh vào tháng Bảy năm nay. Phiên bản tiếng Việt vừa ra mắt trong tháng 12 này. Nguồn: TG

Đó cũng chính là lý do khiến hai nhà khoa học - GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green - những người có công đầu trong việc phát triển vaccine AstraZeneca quyết định viết cuốn sách “Vaxxers - Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford”.

Cuốn sách gồm 13 chương, tuần tự mỗi tác giả viết một chương. Lật giở từng chương sách, hai tác giả dần dần hé mở một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử y học mà họ đã góp công lớn để viết nên.

Phi thường là bởi việc phát triển một loại vaccine, theo thông lệ, cần khoảng thời gian trung bình là 10 năm. Trong khi, GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green cùng các đồng nghiệp ở ĐH Oxford đã phát triển vaccine AstraZeneca chỉ trong gần một năm.

GS Sarah Gilbert (trái) và TS Catherine Green, ngày 7/7/2021, tại hiệu sách Blackwell, Oxford, nơi hai bà ký tặng hơn một nghìn cuốn sách “Vaxxers”. Ảnh: oxfordmail.co.uk

Thành công này chính xác đến từ nền tảng ChAdOxd1 hay nền tảng phát triển vaccine dựa trên vector adenovirus do GS Sarah Gilbert cùng đội ngũ của mình xây dựng từ năm 2014, khi bệnh Ebola bùng phát tại Guinea. Vì một số lý do, loại vaccine Ebola của nhóm không thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ III; tuy nhiên, nền tảng ChAdOxd1 lại có thể sử dụng để phát triển các loại vaccine khác trong một thời gian ngắn.

Như hai tác giả chỉ ra trong cuốn sách, dù có sẵn công nghệ nền tảng, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức: ngân sách dành cho việc nghiên cứu luôn bị bó hẹp, và họ phải mất rất nhiều thời gian xin tài trợ mỗi khi muốn thực hiện một dự án. Quá trình này có khi kéo dài cả năm trời, vì việc phát triển vaccine rất tốn kém. Các công ty nhỏ và các nhà khoa học tại các trường đại học không có đủ cơ sở vật chất để theo được đến bước cấp phép. Các công ty dược phẩm lớn, vốn cần tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông của họ, lại không có động lực đầu tư.

Thông tin gây ngạc nhiên với người ngoại đạo là ngoài việc nghiên cứu, các nhà khoa học như hai tác giả - dù được các trường đại học tuyển dụng chính thức - phải vật lộn để xin tài trợ từ quỹ này hay quỹ khác hòng trang trải chi phí nghiên cứu cùng lương cho chính mình và những người trong nhóm. Các điều kiện tài trợ ngặt nghèo hoặc thiếu linh hoạt cũng khiến những người đứng đầu nhóm khó giữ chân những nghiên cứu viên xuất sắc vì sự thiếu ổn định và áp lực thường xuyên…

Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, khi nhu cầu dùng vaccine để kiểm soát dịch bệnh trở nên vô cùng cấp thiết, hai tác giả đã phải có quyết định khác thường: chuyển tiền từ dự án khác sang dự án này, chấp nhận đối mặt với rủi ro tài chính cho trường đại học và uy tín chuyên môn để có thể tiếp tục tiến hành nghiên cứu, trước khi nhận được nguồn lực hào phóng của Chính phủ vào tháng 4/2020!

Với tư cách là những nhà khoa học, hai tác giả đã đưa ra nhiều đề xuất cho các tổ chức nghiên cứu và chính phủ trên toàn thế giới về cách thức hợp tác, đầu tư cho nghiên cứu khoa học để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 hiện nay cũng như nhiều dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai.

Những chi tiết bên lề nhưng không kém phần quan trọng như Sarah có 3 con và từng bị chứng mất trí nhớ tạm thời vì những căng thẳng trong nghiên cứu hay Catherine thì ly hôn và nuôi con một mình càng khiến độc giả thêm cảm phục quá trình lao động vì khoa học, vì con người, bất chấp những áp lực và sự vất vả mà họ phải trải qua với vai trò vừa là nhà nghiên cứu, vừa là người vợ, người mẹ.

Thuật lại tường minh quá trình phát triển vaccine AstraZeneca, thành phần cũng như tác động của vaccine này với cơ thể người tiêm, cuốn sách đem lại cho độc giả hiểu biết khoa học để có thể an tâm lựa chọn sử dụng vaccine. Ngoài ra, ba phụ lục ở cuối sách còn cung cấp những thông tin cô đọng về các phương pháp phát triển và các loại vaccine hiện có trên thế giới.

Nhận xét về cuốn sách, tạp chí Financial Times viết: “Xuất sắc và đáng đọc! Quá trình sản xuất vaccine chưa bao giờ được giải thích rõ ràng hơn... Tác phẩm sống động về cách các nhà nghiên cứu phản ứng khi phải đối mặt với một thách thức khoa học khẩn cấp này thực sự hay đến nỗi có thể nó sẽ còn được độc giả tìm đọc lâu dài kể cả khi đại dịch kết thúc.”