Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ em mắc COVID-19 gặp phải các vấn đề về tim nghiêm trọng hơn - và có nguy cơ chịu tổn thương lâu dài hay vĩnh viễn cao hơn.

Elizabeth Brown, người mẹ hai con sống ở ngoại ô Denver, Colorado, phải đưa ra quyết định khó khăn khi vaccine COVID-19 cho trẻ em xuất hiện. Đứa con năm tuổi của cô bị dị tật tim bẩm sinh. Khi mới hai tuổi, đứa trẻ này đã phải trải qua một ca phẫu thuật nguy hiểm để tránh nguy cơ suốt đời bị viêm tim do nhiễm bệnh. Nhưng Brown cũng biết rằng sau khi tiêm một số loại vaccine COVID-19, trẻ em trai có nguy cơ bị viêm cơ tim, một loại viêm tim khác. Brown cho biết: “Tôi rất sợ khi đọc được tin những đứa trẻ không có tiền sử bệnh tim lại bị viêm cơ tim do biến chứng của vaccine cho trẻ em,” Brown nói. “Báo chí thì toàn giật tít khiến các bậc cha mẹ lo sợ về việc tiêm chủng, nhưng lại chẳng đưa mấy thông tin về tác hại mà COVID có thể gây ra”.

Nhiều bác sĩ nhi và bác sĩ tim mạch nhi phàn nàn rằng người ta đã quá cường điệu việc trẻ vị thành niên bị viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19 — đây chỉ là một tác dụng phụ hiếm gặp mà thôi. Trong khi đó, những lợi ích cứu sống của vaccine lại không nhận được nhiều sự chú ý tới vậy. Tương tự, họ cho rằng một số bác sĩ điều trị cho người lớn đã đánh giá thấp mối đe dọa mà COVID-19 gây ra cho trẻ em. Trong khi đó, hai thành viên thuộc ban cố vấn khuyến nghị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép tiêm vaccine với trẻ từ 5 đến 11 tuổi đã đặt ra câu hỏi là liệu có nên tiêm phòng cho tất cả trẻ nhỏ trước khi có thêm thông tin về nguy cơ mắc viêm cơ tim hay không.

Trẻ em Mỹ tiêm vaccine. Nguồn: aamc.org

Những thông tin trái chiều này đã khiến các bậc cha mẹ hoang mang và ngờ vực. Theo một cuộc khảo sát trên toàn quốc gần đây, tuy rằng hơn một triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 ở Hoa Kỳ đã tiêm chủng, nhưng rất nhiều cha mẹ vẫn không yên tâm. Không lâu trước khi FDA cho phép tiêm vaccine Pfizer cho trẻ nhỏ, một cuộc thăm dò của Kaiser Family Foundation cho thấy 1/3 cha mẹ dự định “chờ xem” trước khi cho con mình đi tiêm. 27% khác dự định tiêm phòng cho con ngay lập tức, trong khi 30% nói rằng họ sẽ không cho con tiêm vaccine.

Tuy nhiên, việc xem xét hơn hai mươi bài báo trên các tạp chí y học được bình duyệt, tài liệu của chính phủ, và các cuộc phỏng vấn với 10 bác sĩ tim mạch nhi và bác sĩ nhi đã mang lại bức tranh toàn cảnh khiến mọi người yên tâm về sự an toàn của việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Bác sĩ tim mạch nhi Matthew Elias tại Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine hiếm khi xảy ra hơn và thường nhẹ hơn so với các biến chứng tim do COVID-19, bao gồm cả những biến chứng do hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). MIS-C là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra trong hai đến sáu tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính, ở khoảng 1/3.200 trẻ bị nhiễm, ngay cả khi căn bệnh nhẹ hay không có triệu chứng. MIS-C có thể gây viêm nhiều cơ quan, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt và các cơ quan tiêu hóa. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết hơn 5.500 trẻ em Hoa Kỳ đã mắc MIS-C kể từ khi đại dịch bắt đầu, mặc dù các chuyên gia cho rằng ước tính như vậy là quá thấp.

Các loại viêm cơ tim khác nhau

Nói chung, viêm cơ tim là tình trạng viêm tim và có thể liên quan đến một loạt các triệu chứng cùng với mức độ nghiêm trọng, từ đau rất nhẹ đến suy tim, bác sĩ Elias giải thích. Nhưng có các loại viêm cơ tim khác nhau, bao gồm ba loại do COVID-19: viêm cơ tim do nhiễm SARS-CoV-2, do COVID-19 gây ra MIS-C, và do vaccine.

Viêm cơ tim khi mắc COVID-19 tương tự như chứng viêm cơ tim cổ điển, đây là cách gọi mà bác sĩ tim mạch nhi sử dụng cho một số trường hợp nhiễm virus không phải COVID. Nhưng loại viêm cổ điển này thường hay xuất hiện ở người trưởng thành mắc COVID-19 hơn và hiếm khi ở trẻ em nhiễm bệnh này.

Tình trạng phổ biến hơn ở trẻ em là viêm cơ tim do MIS-C, hay các triệu chứng tim gắn với MIS-C có biểu hiện giống viêm cơ tim. Sự nhầm lẫn về tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em do COVID-19 một phần là do việc cố gắng phân định các triệu chứng tim của MIS-C — liệu ta có nên coi chúng là viêm cơ tim hay không — vì MIS-C là một hiện tượng mới.

Điều mà hầu hết các bác sĩ tim mạch nhi đồng ý là các biến chứng tim xuất hiện do MIS-C thì nghiêm trọng hơn so với viêm cơ tim do vaccine.

Tuy rằng hầu hết trẻ em gặp các vấn đề về tim do MIS-C đều đã hồi phục, nhưng ta vẫn chưa rõ ảnh hưởng lâu dài của chúng. Jacqueline Szmuszkovicz, bác sĩ tim mạch nhi chuyên về MIS-C tại Viện Tim ở Bệnh viện Nhi Los Angeles, cho biết một số trẻ em mắc MIS-C bị phình động mạch vành, tuy hiếm gặp nhưng các chứng phình động mạch này đôi khi có thể gây tử vong. Chứng bệnh này cũng đòi hỏi phải theo dõi lâu dài, có thể cho đến khi trưởng thành, vì chúng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh mạch vành của trẻ trong tương lai. Điều quan trọng là các chứng phình mạch này xuất hiện cùng MIS-C chứ không phải với vaccine.

Ngược lại, một trong những báo cáo ca bệnh đầu tiên về viêm cơ tim sau tiêm vaccine, được đăng vào đầu tháng sáu, cho thấy những đặc điểm tương đối nhẹ mà nghiên cứu sau đó đã xác nhận: Đau ngực và khó thở là những triệu chứng phổ biến nhất, đôi khi kèm theo sốt. Điều trị bao gồm dùng ibuprofen để giảm đau, đôi khi là steroid hoặc dùng thuốc IVIG để tăng cường hệ miễn dịch. Thời gian nằm viện thường kéo dài vài ngày, chủ yếu để theo dõi. Hầu hết trẻ vị thành niên hình thành chứng viêm cơ tim sau tiêm vaccine có thể không cần nhập viện, nhưng do hiện tượng này mới xảy ra nên hầu hết bác sĩ lâm sàng đều tỏ ra thận trọng.

So sánh rủi ro giữa vaccine và dịch bệnh

Nhiều bậc cha mẹ muốn so sánh nguy cơ viêm cơ tim do nhiễm COVID-19 với nguy cơ mắc bệnh này từ vaccine. Nhưng các chuyên gia cho biết rất khó để đánh giá điều này.

Jennifer Su, giám đốc về bệnh suy tim và bệnh cơ tim tại Viện Tim của Bệnh viện Nhi Los Angeles, giải thích: Trước hết, cứ 100.000 trẻ em và thanh thiếu niên lại có một đến ba trường hợp viêm cơ tim không do mắc COVID-19 mỗi năm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ước tính trẻ em dưới 16 tuổi nhiễm COVID-19 phải chịu nguy cơ này cao hơn 36 lần. Bác sĩ Elias nói khoảng 50% trẻ em mắc MIS-C mà ông điều trị bị suy giảm chức năng tim giống như viêm cơ tim, và một nghiên cứu cho thấy 75% trong số 255 bệnh nhân MIS-C bị viêm cơ tim.

Tỷ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine thay đổi theo độ tuổi và giới tính. Cho đến nay, không có báo cáo nào về viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ở trẻ em dưới 12 tuổi — nhóm tuổi có nguy cơ mắc MIS-C cao nhất. Một nhóm các nhà khoa học chính phủ và đại học ở Israel đã thực hiện một nghiên cứu lớn nhất và bình duyệt nghiêm ngặt nhất để điều tra chứng viêm cơ tim sau tiêm chủng. Nghiên cứu này xác định trẻ em trai từ 16 đến 19 tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất: 1/6.637 trẻ tiêm vaccine ở các độ tuổi này bị viêm cơ tim sau liều thứ hai.

Vẫn còn nhiều nghi vấn về chứng viêm cơ tim do vaccine, và CDC Mỹ tiếp tục theo dõi và điều tra các trường hợp. Yếu tố rủi ro duy nhất mà các nhà nghiên cứu biết được là trẻ em trai, nhưng họ không rõ lý do tại sao, cũng như không biết liệu có nguy cơ di truyền hay không, liệu tiêm vaccine liều thấp hơn có giảm nguy cơ này, hay vì sao vaccine có thể gây viêm cơ tim, tuy là có một số giả thuyết tồn tại. Họ cũng không rõ liệu tỷ lệ ca bệnh nhỏ như vậy có phải chịu ảnh hưởng lâu dài hay không.

Nghiên cứu được công bố cho đến nay cho thấy gần như tất cả trẻ vị thành niên đều bình phục hoàn toàn, nhưng Michael Portman, giám đốc nghiên cứu tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle, lo ngại về tình trạng viêm tim ở một số thiếu niên bị viêm cơ tim do tiêm vaccine khi chụp MRI ba tháng sau đó. Tình trạng này có thể giải quyết trong ba tháng nữa, nhưng ông nói “sự việc vẫn chưa ngã ngũ và chúng tôi cần tìm hiểu những gì sẽ xảy ra lâu dài”. Bác sĩ Elias cũng cho rằng còn quá sớm để biết liệu một số trường hợp viêm muộn mà ông thấy trong một vài ca bệnh có biến mất hoàn toàn hay không, nhưng những trường hợp đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các ca viêm cơ tim do vaccine. “Tôi xin nói rõ là chúng tôi gặp phải nhiều vấn đề về tim cùng mức độ nghiêm trọng hơn từ COVID-19 so với vaccine”.

Nhà thần kinh học nhi khoa Daniel Freeman ở Austin, Texas cho biết, chỉ ra rằng 1/4 trẻ em tử vong vì COVID-19 không có bệnh lý nền. Sau đó, ta cần xem xét tác động lâu dài và nếu chỉ chăm chăm nhìn vào chứng viêm cơ tim mà bỏ qua các tác động khác của virus thì sẽ không thấy hết tình hình.

Hơn nữa, nguy cơ của MIS-C là nó có thể gây viêm các cơ quan trong hầu như mọi hệ thống chính của cơ thể. Khoảng 60 – 70% trẻ em mắc MIS-C phải vào ICU, và tỷ lệ tử vong là 1 – 2%. Ngược lại, viêm cơ tim do vaccine hiếm khi cần vào ICU và không gây ra bất kỳ trường hợp tử vong nào được ghi nhận ở thanh thiếu niên.

Ngoài MIS-C, COVID-19 cũng nghiêm trọng hơn với trẻ em so với bệnh cúm. Trẻ em mắc bệnh có tỷ lệ vào ICU và đặt nội khí quản cao hơn, thời gian nằm viện dài hơn. Kể từ khi đại dịch bùng phát, COVID-19 là nguyên nhân gây ra 1,7% tổng số ca tử vong ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Giám đốc Su cho biết khả năng viêm cơ tim do vaccine gây ảnh hưởng đáng kể và lâu dài đến cuộc sống của trẻ em “là vô cùng nhỏ so với nguy cơ trẻ bị bệnh thực sự do COVID. Thật không may, trong giai đoạn này của đại dịch, tôi nghĩ lựa chọn thực sự không phải là tiêm vaccine hay không, mà là bạn muốn nhiễm COVID hay tiêm vaccine”.

Nguồn: nationalgeographic