Mặc dù một số loại vaccine đã được tiêm rộng rãi nhưng cho đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa đủ dữ liệu để so sánh và chỉ ra loại nào là tốt nhất.

Một bác sỹ tiêm vaccine Covid-19 tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy/Suckhoedoisong.vn

Nigeria nên chọn một loại vaccine có hiệu quả 70% khỏi COVID-19, giá rẻ và không yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất ở đây hơn hay là tìm một loại vaccine khác, giá cả lẫn phí bảo quản đắt hơn, nhưng có hiệu quả lên tới 95%?

“Chúng ta có nên gửi loại vaccine kém hiệu quả hơn đến châu Phi không? Hay nên tìm cách nâng cấp kho bảo quản lạnh?” - Adebisi, giám đốc nghiên cứu của Lãnh đạo trẻ châu Phi vì Sức khỏe toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Abuja, đặt ra câu hỏi.

Đây cũng là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu cũng như chính phủ toàn cầu đang phải đối mặt, khi cân nhắc lựa chọn các loại vaccine corona và cố gắng đưa ra quyết định xem loại vaccine nào sẽ hiệu quả nhất trong việc chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người này. Cristina Possas, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Quỹ Oswaldo Cruz ở Rio de Janeiro, Brazil, cho biết: việc đưa ra quyết định sẽ bị ảnh hưởng do hạn chế về nguồn cung và dữ liệu. Bà nhận định, “Vào thời điểm này, việc cân đo so sánh các loại vaccine là không khả thi”.

Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện nay cũng khó có thể cầu toàn. “Nếu muốn kiểm soát tốc độ lây nhiễm, ta phải lựa chọn những phương án khả thi tuỳ theo từng bối cảnh - chứ không thể chỉ ưu tiên vấn đề hiệu quả. Nếu họ chờ đợi sự hoàn hảo, tôi nghĩ sẽ còn phải đợi dài dài”, nhà kinh tế học sức khoẻ Shafiun Shimul tại Đại học Dhaka, tại Bangladesh bày tỏ lo lắng về những rủi ro nếu như các chính phủ trì hoãn tiêm chủng trong nhiều tháng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho chuỗi cung ứng lạnh.

Loại vaccine ‘hiệu quả nhất'

Do cần đẩy nhanh tốc độ [tiêm chủng] trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, khi so sánh vaccine không thể chỉ xét đến hiệu quả đã được kiểm nghiệm của chúng, mà còn phải xem xét cả về nguồn cung cấp, chi phí, các công đoạn triển khai, mức độ hiệu quả và khả năng đề kháng các biến thể virus mới. Tuy vậy, nhiều người vẫn khó có thể làm ngơ trước những kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy sự khác biệt về hiệu quả giữa các loại vaccine. Cho đến nay, hơn 200 triệu liều vaccine đã được chuyển giao, và dữ liệu cũng đã được thu thập từ các thử nghiệm lâm sàng ở một số quốc gia. Kết quả hàng đầu từ những nghiên cứu đó cho thấy sự khác biệt về hiệu quả của từng loại: vaccine của Pfizer và BioNTech có hiệu quả 95% ; kết quả sơ bộ của vaccine Oxford-AstraZeneca khoảng 70%.

David Kennedy, nghiên cứu về hệ sinh thái và sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Pennsylvania ở University Park, cảnh báo rằng: chưa thể so sánh hiệu quả của các loại vaccine nếu chỉ dựa trên những kết quả đó. Mỗi thang đánh giá hiệu quả đều có mức độ thiếu chắc chắn nhất định, và mỗi thử nghiệm có thể đặt ra các tiêu chí đánh giá khác nhau về mức độ quan trọng.

Chẳng hạn, cách lấy mẫu nhân khẩu học của mỗi thử nghiệm cũng còn những hạn chế: ví dụ như trong trường hợp vaccine Oxford-AstraZeneca, các nhà phát triển vaccine đã thu thập quá ít dữ liệu về hiệu quả của vaccine ở những người trên 65 tuổi. Điều này khiến Đức chỉ cấp phép vaccine cho những người dưới 65 tuổi, mặc dù tất cả người lớn đều nên được tiêm vaccine.

Chưa kể, mỗi loại vaccine được nghiên cứu vào các thời điểm khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Mỗi thử nghiệm chỉ có thể cung cấp một số dữ liệu tức thời về khả năng chống đỡ của vaccine trước các biến thể virus đang hoành hành ngay tại thời điểm hoặc địa điểm đó. Sau một hai năm, kết quả đó sẽ không còn hiệu lực đánh giá nữa.

Một số vaccine COVID phải được bảo quản trong tủ đông cực lạnh, chẳng hạn như loại này ở Abuja, Nigeria.

Đây chính là lưu ý đặc biệt quan trọng khi thế giới còn phải vật lộn với các biến thể virus corona mới, một số biến thể dường như còn có khả năng né tránh các phản ứng miễn dịch mà vaccine kích hoạt. Chẳng hạn, biến thể B.1.351 ở Nam Phi có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hay không? – đến giờ vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy, hầu hết các loại vaccine vẫn sẽ có khả năng bảo vệ đáng kể. Thế nhưng, vaccine AstraZeneca lại thất bại: trong một phân tích dựa trên khoảng 2.000 người ở Nam Phi, vaccine này không có hiệu lực bảo vệ con người trước COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc trung bình gây ra do biến thể mới này.

Trước tình hình đó, chính phủ Nam Phi đã thông báo vào ngày 7 tháng 2 rằng họ sẽ tạm dừng việc triển khai vaccine AstraZeneca, mặc dù loại vaccine này rẻ hơn đáng kể so với vaccine của Pfizer và dễ bảo quản hơn. Tuy nhiên biến thể này vẫn chưa hoành hành tại Kenya, và vẫn có khả năng vaccine AstraZeneca có hiệu lực ở đây.

Lựa chọn tốt hơn

Người ta hy vọng rằng các loại vaccine phù hợp hơn sẽ sớm khả thi để lấp đầy những thiếu sót hiện tại. Chẳng hạn, Johnson & Johnson ở New Brunswick, New Jersey, đang phát triển loại vaccine tiêm một mũi giúp đơn giản hóa việc tiêm vaccine. Tuy nhiên ông Jerome Kim - tổng giám đốc Viện vaccine quốc tế Seoul cho biết, công ty mới chỉ hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng vào cuối tháng 1, và hiện vẫn chưa rõ liệu có thể nhanh chóng đưa vào tiến độ sản xuất hàng triệu liều một cách suôn sẻ hay không.

Thế giới vẫn đang chờ đợi những dữ liệu quan trọng về các loại vaccine đang được triển khai. Không như trong những thử nghiệm lâm sàng được theo dõi nghiêm ngặt, các kết quả triển khai trong thực tế không phải lúc nào cũng khả quan. Chẳng hạn, dữ liệu sơ bộ từ chiến dịch tiêm chủng lớn của Israel cho thấy kết quả vaccine Pfizer đang ổn định, nhưng sẽ mất nhiều tháng để thu thập dữ liệu tương tự về các loại vaccine khác.

Các nhà nghiên cứu cũng đang bắt đầu thử nghiệm kết hợp một số loại vaccine theo các liều lượng, lịch trình khác nhau. Họ vẫn chưa biết khả năng miễn dịch sẽ tồn tại trong bao lâu, hoặc các loại vaccine khác nhau có thể làm giảm sự lây lan của virus corona tới mức nào - tất cả những yếu tố ấy góp phần định hình khái niệm như thế nào mới được coi là 'tốt nhất'. Vấn đề không chỉ là thời gian để đưa vaccine vào tiêm càng sớm càng tốt mà cần đảm bảo tiến hành các nghiên cứu giám sát để xem vaccine hiệu quả như thế nào trong các hoàn cảnh khác nhau.

Tới đây có thể sẽ có những chiến lược về việc nên sử dụng loại vaccine nào trong những trường hợp cụ thể nào. Nhưng hiện tại, dữ liệu đơn giản là không đủ để đáp ứng nhu cầu đó. “Những dữ liệu này sẽ còn thay đổi theo từng ngày từng giờ”, Jerome Kim nói. “Trong tháng tới, chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi những thông tin hoàn toàn mới mẻ".