Từ năm 1966 đến năm 1974, Pháp đã cho nổ 41 vũ khí hạt nhân trong các vụ thử trên mặt đất ở Polynesia thuộc Pháp.

Chính phủ Pháp lâu nay cho rằng các vụ thử nghiệm đã được thực hiện một cách an toàn. Nhưng một nghiên cứu phân tích mới dựa trên hàng trăm tài liệu được giải mật vào năm 2013 cho thấy các vụ thử đã khiến 90% trong số 125.000 người sống ở Polynesia thuộc Pháp tiếp xúc với bụi phóng xạ - gấp 10 lần số người mà chính phủ Pháp ước tính. Polynesia thuộc Pháp gồm 118 đảo và đảo san hô, trong đó có Tahiti và Gambier, nơi diễn ra các vụ thử.

Frank von Hippel, nhà vật lý chuyên về các vấn đề công và quốc tế tại Đại học Princeton, người không tham gia vào nghiên cứu mới, dự đoán: “Kết quả này sẽ gây tiếng vang lớn ở Pháp". Von Hippel lưu ý rằng hầu hết người Polynesia thuộc Pháp đã tiếp xúc với một lượng phóng xạ tương đối nhỏ, và vấn đề trọng tâm là ai đủ điều kiện để được bồi thường theo luật của Pháp.

Các phát hiện mới là kết quả của dự án hợp tác kéo dài 2 năm, được gọi là Hồ sơ Moruroa, giữa các bên: Disclose, một tổ chức phi lợi nhuận của Pháp hỗ trợ báo chí điều tra; Intreprt, một nhóm các nhà nghiên cứu, kiến ​​trúc sư và nhà thiết kế không gian tập trung vào các vấn đề môi trường; và chương trình Khoa học và An ninh Toàn cầu tại Princeton.

Nghiên cứu được xuất bản vào ngày 9/3 vừa qua trên trang web của dự án, trong một cuốn sách, và trong một bài báo được đăng lên máy chủ arXiv.

Một vụ thử vũ khí hạt nhân ở Licorne, Pháp, vào ngày 3/7/1970.

Bồi thường cho phơi nhiễm bức xạ từ các cuộc thử nghiệm đã là một vấn đề hóc búa trong nhiều thập kỷ - Sébastien Philippe, nhà vật lý ứng dụng tại Princeton, đồng tác giả của cuốn sách và là tác giả chính của bài báo, nói. Theo luật năm 2010, bất kỳ ai tiếp xúc với bụi phóng xạ ở Polynesia hoặc Algeria, nơi Pháp cũng tiến hành các vụ thử hạt nhân, có thể được bồi thường nếu họ phát triển bất kỳ bệnh nào trong số 23 bệnh ung thư liên quan đến tiếp xúc với phóng xạ, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp.

"Mặc dù luật không thừa nhận việc thử nghiệm gây hại, nhưng thiết lập một 'giả định về mối quan hệ nhân quả' giữa việc thử nghiệm vũ khí và bệnh ung thư," Sonya Schoenberger, đồng tác giả của bài báo, đang làm việc tại Khoa Luật - Đại học Yale và là nghiên cứu sinh lịch sử tại Đại học Stanford, giải thích.

Tuy nhiên, theo Schoenberger, nếu Ủy ban thường trực về bồi thường cho nạn nhân của các vụ thử hạt nhân của Pháp phát hiện ra bức xạ mà một người tiếp xúc chỉ đóng góp một phần nguy cơ "không đáng kể" gây ra bệnh ung thư của họ (họ có các yếu tố nguy cơ khác quan trọng hơn, như hút thuốc) thì cá nhân đó sẽ không đủ điều kiện để được bồi thường. Trên cơ sở đó, ủy ban này bác bỏ 97% - hay 1008 trong số 1039 - các yêu cầu bồi thường được đưa ra từ năm 2010 đến năm 2017.

Cơ quan lập pháp Pháp sau đó đã loại bỏ điều kiện này và vào năm 2018, đã sửa đổi luật để những người có mức độ phơi nhiễm bức xạ trên 1 phần nghìn millisievert (mSv) (đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa gây tổn hại) - tương đương khoảng 10 lần chụp X-quang ngực - là đủ điều kiện được bồi thường. Việc xác định mức độ phơi nhiễm dựa trên một tập hợp các ước tính do Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Pháp (CEA) thực hiện, và Pháp bắt đầu chấp thuận khoảng một nửa số yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, các tài liệu đã giải mật cho thấy mức độ phơi nhiễm thực tế cao hơn từ 2 đến 20 lần so với các ước tính của CEA, Philippe nói. Ví dụ, CEA thừa nhận rằng thử nghiệm đầu tiên, được đặt tên là Aldébaran, đã khiến cho cư dân của Quần đảo Gambier phơi nhiễm với mức độ bụi phóng xạ tương đối cao. Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm thực tế vẫn có khả năng cao hơn, theo Philippe. Trong thử nghiệm này, mặc dù CEA lưu ý rằng nước mưa bị ô nhiễm đã rơi xuống hòn đảo, làm tăng mức độ phơi nhiễm, nhưng không tính đến thực tế nhiều người dân có thể đã uống trực tiếp nước bị ô nhiễm được thu gom trong các bể chứa gia đình.

Nghiêm trọng nhất, các tài liệu cho thấy một cuộc thử nghiệm vào năm 1974, được gọi là Centaure, đã làm cho toàn bộ dân số của Tahiti - gồm 87.500 người vào thời điểm đó - phơi nhiễm bụi phóng xạ. Các nhà chức trách Pháp đã chế tạo một quả bom nguyên tử tương đối nhỏ với đương lượng nổ tương đương 4 kiloton TNT, và các dự báo thời tiết dự đoán rằng gió sẽ mang theo bụi phóng xạ về phía bắc. Nhưng gió lại thổi về phía tây, mang theo bụi thẳng qua Tahiti. CEA ước tính những người trên đảo bị phơi nhiễm với một liều lượng khoảng 0,6 mSv. Phillipe và các đồng nghiệp cho rằng CEA đã đánh giá thấp tổng lượng bức xạ tích tụ trên mặt đất trong vài ngày, cũng như không tính đến việc bức xạ tồn tại trong các loại rau củ được tiêu thụ sau đó, và còn nhiều yếu tố không chắc chắn trong số liệu ước tính. Nghiên cứu phân tích mới, tính đến các yếu tố này, cho rằng người dân ở Tahiti có thể đã bị phơi nhiễm với nhiều hơn 1 mSv, gần gấp đôi so với ước tính của CEA.

Theo kết quả nghiên cứu mới, phần lớn người Polynesia thuộc Pháp vượt qua ngưỡng phơi nhiễm để đủ điều kiện được bồi thường. Philippe và Schoenberger thì cho rằng Pháp nên loại bỏ tiêu chuẩn phơi nhiễm, và bồi thường cho bất kỳ ai liên quan đến các cuộc thử nghiệm và sau đó phát triển bệnh ung thư. Schoenberger nói: “Chúng tôi hy vọng kết quả này chứng minh rằng các mức điều kiện ngưỡng phơi nhiễm có thể gây phương hại cho những người yêu cầu bồi thường, vì khó chứng minh mức độ phơi nhiễm thực tế".

Philippe ước tính, giả sử tỷ lệ ung thư là 0,2% mỗi năm, khoảng 10.000 bệnh nhân ung thư hoặc gia đình của họ ở Polynesia sẽ đủ điều kiện đòi bồi thường hồi tố và việc bồi thường cho họ sẽ tốn khoảng 700 triệu euro. Ông ước tính các ca bệnh ung thư trong tương lai sẽ tiêu tốn khoảng 24 triệu euro mỗi năm. Trong khi đó, Hughes cho rằng, vẫn còn phải chờ xem liệu chính phủ Pháp có thừa nhận kết quả phân tích mới hay không. “Tôi e rằng họ sẽ đơn giản là phớt lờ nó,” ông nói.

Các tài liệu giải mật cũng cho thấy chính phủ Pháp thường xuyên không cảnh báo người Polynesia về nguy cơ phóng xạ, Philippe cho biết. Trong cuộc thử nghiệm Centaure, các nhà chức trách có thể đã cảnh báo cho người Tahiti về sự cố bụi phóng xạ trước 2 ngày, nhưng họ đã không cảnh báo. Trớ trêu thay, Philippe lưu ý, Mỹ, Liên Xô và các quốc gia khác theo dõi các cuộc thử nghiệm này từ xa. “Mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra, trừ người Polynesia.”

Nguồn: