Với đơn giá xử lý rác là 16-19USD/tấn như hiện nay, trong 3 năm tới, số tiền chúng ta cần chi mỗi năm để xử lý tốt lượng rác này là 352-418 triệu USD, gần bằng số tiền bồi thường của Công ty Formosa sau thảm họa môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung năm 2016.
Thay vì phải bỏ ra số tiền khổng lồ đó trong hoàn cảnh đất nước đang khó khăn, thay vì tìm cách “tống khứ” rác, liệu chúng ta có thể kiếm được tiền - thậm chí rất nhiều tiền - từ rác? “Sự màu nhiệm kép” đó trên thực tế đã bắt đầu hiển hiện, nhờ các công nghệ xử lý hiện đại mà một số doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng. Những thứ được xem là bẩn thỉu, hôi thối, nguồn gốc của bệnh tật... đang được biến thành ánh sáng, thành năng lượng, vật liệu sạch cho thế giới văn minh.
Rác thải đã có thể biến thành tiền, vậy thì các phế phẩm, phụ phẩm của quy trình sản xuất như rơm, cám, vỏ trấu, mùn cưa, bã mía, cùi ngô, bẹ ngô, xơ dừa... lại càng là tài nguyên quý. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa 45 triệu tấn/năm sẽ kèm theo 3,6 triệu tấn cám, 5,4 triệu tấn dầu và chỉ riêng 2 phụ phẩm này đã có thể đem lại 4.000 tỷ đồng giá trị gia tăng mỗi năm nếu biết cách tận dụng.
Còn theo tính toán của Tổ chức Phát triển Hà Lan, mỗi năm Việt Nam tạo ra gần 40 triệu tấn sinh khối phụ phẩm lúa gạo, gồm 32 triệu tấn rơm rạ và 8 triệu tấn trấu. Tổng năng lượng lý thuyết tiềm năng từ rơm rạ và trấu là 13,34 triệu toe (Ton of Oil Equivalent, đơn vị năng lượng quy đổi tương đương 1 tấn dầu), bằng 28% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Việt Nam năm 2010 (47 triệu toe). Ngoài năng lượng, các phụ phẩm nông nghiệp còn có thể dùng sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm đồ mỹ nghệ...
Nhưng đó mới là tiềm năng. Thực tế, hiện chỉ một phần rất nhỏ trong số phụ phẩm, phế phẩm đó được tái chế hoặc sử dụng hiệu quả. Nhiều năm trước, khi đất nước còn nghèo và việc đun nấu bằng điện, gas chưa phổ biến, hầu hết rơm, trấu, bã mía, mùn cưa... được dùng làm chất đốt, còn hiện hay phần lớn đều bị bỏ hoài và biến thành rác. Sau mỗi vụ gặt, các đô thị lớn lại hứng làn khói đốt rơm rạ từ các cánh đồng xung quanh.
Một khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, tại Cần Thơ, 86% lượng rơm rạ bị bỏ phí; chỉ 12% được vùi xuống đất làm phân; còn ở Thái Bình, 36% lượng rơm rạ bị đốt bỏ, không hộ nào dùng nó để đun nấu. Ở Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, vỏ trấu thường bị đem đốt hoặc đổ bỏ. Và thay vì đem lại lợi ích kinh tế, chúng trở thành nguồn gây ô nhiễm.
Chất thải, rơm rạ, vỏ trấu... sẽ trở thành rác hay thành tài nguyên, gây tốn kém hàng trăm triệu đô hay đem lại khoản tiền tương tự, điều đó phụ thuộc vào lựa chọn của con người. Lựa chọn thứ hai chắc chắn phải đi kèm với sự đầu tư về thời gian, tiền bạc và nhất là về khoa học, công nghệ - điều mà một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện, với sự khuyến khích, ủng hộ của Nhà nước.
Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Nhà nước sẽ có chính sách ưu đãi cho hoạt động tái chế và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, nhằm đạt mục tiêu 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ vào năm 2025.