Dù làm việc trong những điều kiện không thật sự lý tưởng như đồng nghiệp ở những trung tâm lớn nhưng các nhà nghiên cứu ở những tỉnh thành nhỏ của Việt Nam vẫn nỗ lực thực hiện nghiên cứu để có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách ứng phó đại dịch, không chỉ cho chính quyền địa phương mà còn cả trung ương.

Kể từ đầu đại dịch, phần lớn những công bố về SARS-CoV-2 đều từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bác sĩ thuộc những cơ sở nghiên cứu ở hai trung tâm đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM. Với sự sẵn sàng về điều kiện nghiên cứu như phòng thí nghiệm đạt độ yêu cầu về an toàn sinh học cấp ba, đủ khả năng làm việc với những virus, mầm bệnh lây truyền nguy hiểm, những máy giải trình tự gene hiện đại cùng nhiều thiết bị hiện đại khác, họ đã có được nhiều nghiên cứu quan trọng về bản chất của virus SARS-CoV-2, những biến thể của nó cũng như những biểu hiện dịch tễ của COVID… Mặc dù có thể áp dụng hoàn toàn các khuyến cáo phòng ngừa, các chiến lược xét nghiệm, điều trị, theo dõi dịch bệnh theo thông báo của WHO nhưng việc tự chủ trong kiểm soát dịch bệnh với những thông tin về hành xử của virus và các biến thể của nó trong phạm vi Việt Nam đã giúp Việt Nam chủ động ứng phó với dịch bệnh một cách căn cơ.

Việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm SARS-CoV-2 của Viện Pasteur Nha Trang.
Nguồn: TTXVN

Tuy nhiên, dịch bệnh không chỉ bó hẹp trong phạm vi một số tỉnh thành lớn mà còn diễn ra ở rất nhiều địa phương khác nhau. Khi ấy, các nhà nghiên cứu ở địa phương có chấp nhận đứng ngoài cuộc? Họ có thể làm được gì trong điều kiện làm việc không thật sự đầy đủ theo nhiều nghĩa? Trên thực tế, bất chấp sự hạn hẹp về nguồn lực, có những nghiên cứu nhỏ vẫn được thực hiện. Và với sự kết hợp với những đồng nghiệp quốc tế, họ vẫn làm được những điều có ý nghĩa, ít nhất cho cộng đồng nơi mình sinh sống. “Environmental sampling for SARS-CoV-2 at a reference laboratory and provincial hospital in central Viet Nam, 2020” (Lấy mẫu SARS-CoV-2 trong môi trường tại phòng thí nghiệm tham chiếu và bệnh viện địa phương ở miền Trung Việt Nam, năm 2020), xuất bản trên Western Pac Surveill Response J., một tạp chí khoa học mở có bình duyệt và được chỉ mục trong nhiều cơ sở dữ liệu nghiên cứu lớn, là một nghiên cứu như vậy.

Vào thời điểm công bố bài báo, đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc thu thập mẫu trong môi trường một phòng thí nghiệm liên quan đến SARS-CoV-2.

Nghiên cứu để trả lời câu hỏi thiết thực

Đây là kết quả rút ra từ quá trình tham gia vào việc phòng chống COVID-19 của các nhà khoa học Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bình Thuận, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Bình Thuận, Sở Y tế Bình Thuận, kết hợp với đồng nghiệp Mỹ ở Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ tại Việt Nam. Khi theo dõi quá trình lây nhiễm và lan truyền virus trong đợt đầu bùng phát ở miền Trung, họ tự đặt ra câu hỏi “liệu có nhiễm virus ở bề mặt môi trường tại bệnh viện ở Bình Thuận, nơi đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, và tại phòng thí nghiệm tham chiếu của vùng có thể dùng để kiểm tra ca nhiễm SARS-CoV-2”?


Trong trường hợp này, phòng thí nghiệm tham chiếu là Phòng thí nghiệm huyết thanh và nuôi cấy tế bào của Viện Pasteur Nha Trang - phòng thí nghiệm đạt an toàn sinh học cấp hai và từ lâu được chọn là nơi xét nghiệm tham chiếu cho 11 tỉnh thành duyên hải miền Trung. Giữa ngày 9/3 đến 9/4/2020, nơi này đã xét nghiệm cho 6607 mẫu bệnh phẩm bằng kỹ thuật RT–PCR) để xác nhận các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong suốt thời gian này, họ đã phát hiện ra 15 ca nhiễm COVID-19 và chín trường hợp trong số đó là mẫu từ Bệnh viện Bình Thuận.

Điểm đáng chú ý của cả chín ca nhiễm là thuộc một chùm ca bệnh, trong đó chỉ có một ca “chỉ điểm” là có triệu chứng, được phát hiện vào ngày 5/3/2020 và bốn ngày sau được xác nhận nhiễm bệnh bằng kỹ thuật RT–PCR. Cả tám ca còn lại phát hiện qua tiếp xúc gần và đều không có triệu chứng. Họ đều là những bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa khác nhau của bệnh viện.

Có lẽ, trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu và bác sĩ đều không chỉ đơn thuần là áp dụng chỉ dẫn của WHO, Bộ Y tế cho quá trình điều trị và kiểm soát dịch bệnh. Với mong muốn có thêm những hiểu biết về đặc tính của chủng virus lưu hành tại địa phương, họ đã quan sát các trường hợp này một cách cặn kẽ và cố tìm hiểu thêm là liệu có những con đường lây truyền nào khác không? và nếu có thì giảm thiểu bằng cách nào? Họ muốn giải đáp một vấn đề thiết thực với chính trường hợp của mình: liệu có bất kỳ việc nhiễm virus trong bệnh viện hay phòng thí nghiệm ở Viện Pasteur Nha Trang khi các ca nhiễm COVID-19 được phát hiện hay không.

Dĩ nhiên, khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành nhiều khóa tập huấn trực tuyến quy trình chuẩn về lấy mẫu và xử lý mẫu thu thập. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, người ta mới biết đến một số đặc tính cơ bản của virus SARS-CoV-2 là tồn tại được trên rất nhiều dạng bề mặt, ví dụ như bám trên các thiết bị trong bệnh viện. Còn nhiều giới hạn trong hiểu biết về việc làm nhiễm virus trong môi trường kín, ví dụ như phòng thí nghiệm xử lý mẫu bệnh phẩm, mẫu vật ướt…

Với những kiến thức ban đầu đó, các nhân viên y tế đã thu thập 450 mẫu môi trường trong vòng sáu ngày ở các phòng đặc biệt dành riêng cho bệnh nhân COVID-19 cùng các phòng của chính các nhân viên y tế trực chăm sóc bệnh nhân COVID-19, phòng kiểm soát điều trị bệnh nhân không triệu chứng hoặc có nghi ngờ là nhiễm COVID-19. Trong khi đó tại Viện Pasteur Nha Trang, các nhân viên phòng thí nghiệm vi sinh vật đã thu thập 300 mẫu môi trường từ những phòng tham gia vào việc tiếp nhận, xử lý, chuẩn bị các mẫu bệnh phẩm cho quá trình RT–PCR…

Đáng chú ý là trong quá trình lấy mẫu thì Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện ra 19 trong số 6607 mẫu được gửi đến từ các tỉnh miền Trung dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm 0,3%). Tuy nhiên, tất cả 750 mẫu họ thu thập trong bệnh viện và phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm đều âm tính với SARS-CoV-2.

Cẩn trọng không thừa

Trong thời điểm đó, trên thế giới, nhiều nhà nghiên cứu đã tự hỏi “virus có lây truyền qua không khí không?”. Ban đầu, họ chỉ tập trung vào những hạt lớn có vận tốc di chuyển nhanh do ho và hắt hơi cũng như sự lưu giữ virus của các bề mặt. Tuy nhiên, các sự kiện siêu phát tán được ghi lại đã gợi ý là sự lan truyền trong không khí cũng có thể gây ra nguy hiểm. Ví dụ, 53 trong số 61 nghệ sĩ ở bang Washington bị lây nhiễm sau hai tiếng rưỡi hát trong buổi diễn tập với dàn hợp xướng vào tháng 3/2020 hay việc sau hai tiếng đi xe buýt của 67 hành khách ở Chiết Giang, Trung Quốc, từ một người bị nhiễm COVID đã dẫn đến 24 người bị dương tính.

Để có bằng chứng chắc chắn thì sau đó vài ba tháng, các nhà khoa học mới thực sự khẳng định: việc lan truyền SARS-CoV-2 chủ yếu qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ tồn tại trong không khí trong nhà hay phòng kín hơn là trên bề mặt như WHO vẫn khuyến cáo. Trong một số nghiên cứu của Viện Pasteur TP.HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì họ đã cảnh báo khả năng lây nhiễm do cùng ở một phòng trong khu cách ly hoặc dùng chung điều hòa, hoặc giữa các phòng có lỗ thông hơi.

Với trường hợp của Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện Bình Thuận, họ đi đến kết luận là nghiên cứu họ thực hiện không đem lại bằng chứng nào về việc nhiễm virus trên bề mặt trong phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 11 tỉnh duyên hải miền Trung cũng như bệnh viện điều trị cho nhóm bệnh nhân nhiễm COVID-19. Các mẫu lấy trên bề mặt các điểm thường được người bệnh, nhân viên y tế hoặc nhân viên xét nghiệm chạm vào cũng cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, họ cũng nhận thấy là chưa thể vội vã kết luận là virus không lây nhiễm qua bề mặt bởi hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 trong nghiên cứu đều không có triệu chứng và do đó, có khả năng ít phát tán virus hơn. Có thể đây là lý do họ ít có khả năng thu được các mẫu dương tính. Có thể là virus phân bố đồng đều trên các bề mặt nên việc lấy mẫu có thể đã bỏ sót bằng chứng tiềm ẩn về virus.

Mặt khác, họ cho rằng có thể việc áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt cũng giúp loại trừ virus. Có một điểm quan trọng là những quy định nghiêm ngặt mà WHO hay Bộ Y tế nêu đều được họ chấp hành một cách nghiêm túc: ở bệnh viện, hai lần một ngày vệ sinh các bề mặt của các thiết bị y tế, giường, bàn ăn, điều khiển ti vi, tay nắm cửa, cửa ra vào… bằng dung dịch chứa 0.05% chlorine…; ở Viện Pasteur hai lần một tuần vệ sinh các bề mặt, sàn nhà.. cũng bằng dung dịch này, đặc biệt khử khuẩn hằng ngày ở những nơi đặc biệt như phòng thí nghiệm bằng cồn (70%), chiếu tia cực tím 15 phút vào sáng và tối. Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của Viện cũng được thiết lập chế độ nhiệt độ và độ ẩm nhất định, đi kèm với việc áp dụng tấm chắn ở cửa sổ để chặn sol khí mang virus thoát ra ngoài.

Khi bài báo của nhóm nhà nghiên cứu miền Trung và cộng sự quốc tế được xuất bản trên Western Pac Surveill Response J. vào năm 2021, mọi chuyện đã rõ ràng: virus lây lan nhiều hơn trong không khí so với các bề mặt. Ngay cả WHO cũng phải chấp nhận đề xuất của các nhà khoa học và thông báo một cách rộng rãi tới mọi quốc gia về điều này. Hà Nội hay một số tỉnh thành cũng đã thôi phun hóa chất, khử khuẩn ở các nơi công cộng cũng như những nơi được cho là ổ dịch COVID cũng như dừng hoạt động của các buồng khử khuẩn ở khắp nơi để tránh thực hiện một điều không cần thiết, mặt khác cũng tránh ô nhiễm ngược.

Chắc hẳn ở thời điểm kết thúc nghiên cứu, dù chưa viết bài báo gửi đi, thì các kết quả của nghiên cứu nhỏ này của các nhà nghiên cứu và bác sĩ ở Viện Pasteur và các cơ sở y tế Bình Thuận cũng được báo cáo lên Bộ Y tế như một bằng chứng về việc virus khó lây nhiễm qua bề mặt và việc chấp hành nghiêm ngặt các quy tắc an toàn vệ sinh vẫn sẽ là cách làm tốt để chặn đứng đường lây nhiễm của SARS-CoV-2. Nó cho thấy, dù ở vị thế của một cơ sở nghiên cứu nhỏ, không thật dồi dào về nguồn lực thì những người làm việc một cách tận tâm và có trách nhiệm luôn luôn có được cách đóng góp có ý nghĩa như những đồng nghiệp ở các cơ sở nghiên cứu lớn.

Các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và bác sĩ ở Viện Pasteur và các cơ sở y tế Bình Thuận cho thấy, dù ở vị thế của một cơ sở nghiên cứu nhỏ, không thật dồi dào về nguồn lực nhưng với sự tận tâm và trách nhiệm cao, họ luôn luôn có được cách đóng góp có ý nghĩa như những đồng nghiệp ở các cơ sở nghiên cứu lớn.