Những năm gần đây, chủ đề nghiên cứu về biến đổi khí hậu ngày càng nở rộ trên toàn cầu. Nhưng có một sự thật đáng buồn là số bài nghiên cứu có chất lượng đến từ các học giả ở các nước đang phát triển chỉ chiếm một tỉ lệ khá nhỏ, mặc dù các nước này đóng góp rất lớn, đặc biệt về dữ liệu để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.
Trong bài viết có tên ‘Analysis: The lack of diversity in climate-science’ [1] đăng trên tạp chí Carbon Brief, tác giả Ayesha Tandon chỉ ra những vấn đề bất bình đẳng trong giới khoa học nói chung và giữa các nhóm nghiên cứu biến đổi khí hậu nói riêng. Theo đó, chỉ có 1% số tác giả trong lĩnh vực này đến từ khu vực Châu Phi, và chỉ khoảng 7% số học giả đến từ khu vực Châu Á (Hình 1). Vậy, điều gì đã ảnh hưởng đến việc công bố nghiên cứu của các học giả đến từ những quốc gia này?
Bài viết dẫn ý kiến của TS. Vương Quân Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành, Trường ĐH Phenikaa): “Trong một số trường hợp chúng tôi đề xuất những ý tưởng và phân tích hữu ích và đáng giá, chúng bị từ chối ngay lập tức bởi tạp chí với những lý do mơ hồ […] Nhưng một thời gian sau chúng tôi lại thấy tạp chí xuất bản ấn phẩm với những ý tưởng tương tự, không có phương pháp xử lý kỹ thuật nào tốt hơn và không có chất lượng vượt trội. Điều khác biệt là các tác giả thường đến từ các viện nghiên cứu rất nổi tiếng hoặc là giảng viên của các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Đức, Anh.”
Đồng thuận với ý kiến này, TS. Marton Demeter (Đại học Công vụ Quốc gia Hungary) nêu bằng chứng “các nhà biên tập và bình duyệt viên thường đánh giá bản thảo tốt hơn nếu như chúng được gửi bởi các giáo sư thuộc các trường đại học ưu tú của phương Tây”. Bằng chứng thực nghiệm của sự thiên vị có thể tham khảo
tại đây.
Quả thật, số liệu phân tích bởi Ayesha Tandon chỉ ra 9 trên 10 học giả có tầm ảnh hưởng lớn đều làm việc tại các nước có thu nhập cao như Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương. Trong đó, các nước dẫn đầu cả số lượng học giả hàng đầu và chất lượng công bố bao gồm Mỹ, Úc, và Vương quốc Anh.
Theo Ayesha Tandon, học giả đến từ những nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc công bố nghiên cứu chất lượng. Thứ nhất, ngôn ngữ chính được sử dụng để công bố nghiên cứu là tiếng Anh, điều này đã gây trở ngại cho nhiều học giả trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu có chất lượng rất tốt nhưng phải dừng lại ở vòng phản biện đơn giản chỉ vì nó không được viết bởi những người nói tiếng Anh bản địa [2]. Việc sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để trình bày kết quả khoa học làm giảm độ chính xác của thông điệp mà người viết muốn truyền tải.
Thứ hai, việc đầu tư vào nghiên cứu cần rất nhiều kinh phí và tài nguyên. Khi đa số các nước đang phát triển là những nước có thu nhập thấp và trung bình thấp, việc chi nhiều ngân sách cho nghiên cứu khoa học là một thách thức to lớn đối với các bên liên quan [3]. Trong nhiều trường hợp, các nước này nhận ngân sách khoa học từ các tổ chức ở các nước có thu nhập cao để thu thập dữ liệu, nhưng những người thu thập dữ liệu không được đứng tên trong bài công bố nghiên cứu. Đáng chú ý hơn, phần lớn ngân sách dùng để nghiên cứu tác động của các vùng có thu nhập thấp và trung bình thấp lại được chi hầu hết cho những tổ chức nghiên cứu đến từ các nước có thu nhập cao. Ví dụ, khi nghiên cứu về khí hậu tại Châu Phi từ năm 1990 đến 2020, 78% ngân sách được chi cho các cơ quan của Châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi các cơ quan của Châu Phi chỉ nhận được khoảng 14,5%. Ngân sách hạn hẹp tại các nước đang phát triển cũng hạn chế khả năng cập nhật nguồn dữ liệu và tiếp cận các nghiên cứu mới. Để truy cập vào các nghiên cứu mới xuất bản, các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu phải trả một lượng tiền lớn cho nhà xuất bản. Do đó, ngay cả khi một số nhà khoa học ở các nước đang phát triển xuất bản được bài nghiên cứu trên các tạp chí lớn thì bài nghiên cứu cũng khó có lượng trích dẫn cao do các học giả khác trong cùng khu vực không đủ tiềm lực kinh tế để truy cập vào toàn bộ bài nghiên cứu đó.
Kể từ lúc toàn cầu hóa, ngày càng nhiều học sinh và người lao động từ những nước thu nhập thấp và trung bình thấp du học và làm việc tại các nước có thu nhập cao. Những nguồn nhân lực này có thể đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển khoa học tại quê hương của họ. Họ được tiếp cận với cách thức nghiên cứu hiện đại, đồng thời rèn luyện khả năng ngôn ngữ để có thể xuất bản những nghiên cứu có ảnh hưởng.
Ví dụ điển hình có thể kể đến Trung Quốc, từng bị xem là ‘lạc hậu’ trong khoa học hiện đại [4]. Kể từ khi mở cửa nền kinh tế, rất đông học sinh Trung Quốc đã ra nước ngoài học tập như Mỹ, Vương quốc Anh và về nước để cống hiến sau khi tốt nghiệp. Kết quả, số chuyên viên nghiên cứu chất lượng ở nước này chiếm khoảng một nửa trong tổng số nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. Hiện nay, Trung Quốc là một trong số ít các nước đang phát triển chú trọng đầu tư vào công tác khoa học - ước tính, năm 2020, nước này chi khoảng 378 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển, tăng 10,3% so với năm 2019. Trung Quốc hiện là một đối thủ gắt gao với Mỹ riêng về mảng nghiên cứu khoa học Môi trường, Trái đất trên tạp chí Nature.
Việc hợp tác cùng các tổ chức nghiên cứu đến từ những nước có thu nhập cao có thể là một giải pháp khác để giảm bớt rào cản cho các nhà khoa học đến từ những nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Quả thật, việc cộng tác trong nghiên cứu ngày càng phổ biến, và tầm quan trọng trong vai trò đóng góp của từng học giả đang ngày càng được nhìn nhận công bằng hơn. Đây có thể được xem là nguồn động lực để các học giả từ những nước có thu nhập thấp và trung bình thấp cố gắng đạt được những thành tựu lớn trong tương lai. Đồng thời, các nước đang phát triển cần chủ động đầu tư nâng cao hệ thống học thuật, giảm bất bình đằng giới tính trong cộng đồng khoa học, cũng như tăng cường đầu tư cho các nhà nghiên cứu trẻ [3,5].
Nguồn tham khảo:
[2] Raffournier B, Schatt A. (2010). Is European Accounting Research Fairly Reflected in Academic Journals? An Investigation of Possible Non-mainstream and Language Barrier Biases. European Accounting Review, 19(1), 161–190.
[3] Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2, 5.
[4] Wilsdon J. (2007). China: The next science superpower? Engineering & Technology, 2(3), 28–31.
[5] Vuong QH. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3, 1034.