Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (IFRAD), Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, vừa hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu Thông đất quý hiếm trên quy mô công nghiệp.


Nhân giống thành công cây Thông đất sẽ tạo thuận lợi trong việc sản xuất nguồn dược liệu.

Đây là kết quả của tiểu dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu Thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững” thuộc Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (Dự án FIRST) do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ KH&CN là cơ quan quản lý.

Thông đất được xếp vào sách đỏ, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trong cây Thông đất có các chất alcaloid như Huperzine A (Hup A), Huperzine B (Hup B), N-methyl-huperzine B, Huperzinine, Lycoporine A, Carina-tumine A... có tác dụng chữa các bệnh Alzheimer, Parkinson, teo não và sa sút trí tuệ. Việc nhân giống Thông đất theo phương pháp tự nhiên hiện nay mất nhiều thời gian và hiệu quả nhân giống thấp, do đó cần có những phương pháp nhân giống vô tính Thông đất, tạo ra số lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn, không phụ thuộc vào mùa vụ, cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

Hiện IFRAD đã làm chủ được công nghệ sử dụng các chỉ thị Sinh học phân tử xác định đúng loài Thông đất (Huperzia squarrosa (G. Forst.) Trev.) từ các xuất xứ thu thập khác nhau; Phân tích hoạt chất dược liệu để xác định được những xuất xứ có hàm lượng dược liệu cao, xây dựng được vườn giống gốc phục vụ cho nhân giống loài cây dược liệu Thông đất sinh trưởng và phát triển tốt, sạch bệnh cung cấp nguồn vật liệu cho nhân giống; Bảo hộ được giống Thông đất TN- 10.

Đặc biệt, Viện đã hoàn thiện quy trình nhân giống vô tính loài dược liệu Thông đất: Nhân giống nuôi cấy mô tế bào (in vitro), nhân giống giâm hom (in vivo) trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững; xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn cơ sở cây giống Thông đất có nguồn gốc Nuôi cấy mô tế bào và giâm hom; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN bền vững và hoàn thiện các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học phân tử, hóa sinh; Xây dựng được 1 phòng thí nghiệm Sinh học phân tử và Hóa sinh đạt tiêu chuẩn phòng thí nghiệm an toàn Sinh học cấp 2.

Theo PGS.TS. Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện IFRAD, Giám đốc ban quản lý Tiểu dự án FIRST – IFRAD, dự án đã tạo điều kiện cho IFRAD trở thành Viện hàng đầu về ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống dược liệu và có đủ khả năng tự chủ hoàn toàn về năng lực KH&CN, tài chính.

Ngoài ra, Tiểu Dự án đã sản xuất thử nghiệm thành công 70.000 cây giống Thông đất bằng phương pháp nhân giống vô tính in vitro và giâm hom. Tất cả cây giống đều sinh trưởng phát triển tốt; đạt tiêu chuẩn cây giống cơ sở, không sâu bệnh.

Ban quản lý tiểu dự án FIRST-IFRAD đã phối hợp cung cấp 50.000 cây giống Thông đất cho Công ty Cổ phần phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam – một doanh nghiệp KH&CN – để phối hợp trồng, nghiên cứu sản xuất.