Cuốn sách của GS.TS Nguyễn Văn Chính sử dụng chuyện đời của nhà nhân học để kết nối với những hiểu biết rộng hơn về bối cảnh văn hóa, chính trị và xã hội một thời.

GS.TS Nguyễn Văn Chính. Ảnh: nhanhoc.edu.vn
GS.TS Nguyễn Văn Chính. Ảnh: nhanhoc.edu.vn

GS.TS Nguyễn Văn Chính (1956) hiện là giảng viên cao cấp bộ môn Nhân học phát triển, thuộc Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Trong quá trình công tác và nghiên cứu, ông đã cho ra đời hơn một trăm công trình lớn nhỏ gồm bài báo khoa học, sách và chương sách thuộc ba lĩnh vực chính: Nhân học phát triển, Bản sắc văn hóa tộc người, và Lịch sử dân tộc học. Trong đó, Tự sự dân tộc học, ra mắt cuối năm 2023, là tác phẩm có nhiều sự khác biệt về phương pháp so với các tác phẩm trước đó. Cuốn sách là sự suy ngẫm và phản tư của một nhà nhân học về những cột mốc trên con đường sự nghiệp, những con người từng gặp, những nơi đã đi qua, bằng phương pháp tự sự dân tộc học (autoethnography) - sử dụng chuyện đời của nhà nhân học để kết nối với những hiểu biết rộng hơn về bối cảnh văn hóa, chính trị và xã hội.

Trong cuốn sách gồm bảy chương này, hai nội dung chính được đan xen nhau, đó là sự định vị của tác giả trong mối quan hệ với gia đình, quê hương, bạn bè và những người thầy lớn; và câu chuyện về những phận người mà tác giả được chứng kiến trong nhiều năm làm nghề.

Ở ba chương đầu của cuốn sách, tác giả hồi tưởng những năm tháng tuổi trẻ, từ khi còn là một cậu bé ở tỉnh lẻ cho đến khi du học ở châu Âu. Những ấn tượng năm tháng tuổi 20 với gia đình, quê hương, thầy cô và bạn bè là bệ đỡ vững chắc khiến cho tác giả - dù có gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ và điều kiện học tập khắc nghiệt ở nước ngoài - vẫn “kiên trung với con đường mình đã chọn”. Trong những trang viết về tuổi trẻ, tác giả nhiều lần sử dụng từ “may mắn” khi nói về con đường sự nghiệp của mình. Từ “may mắn” làm lộ ra nhiều yếu tố quyết định sự trưởng thành của một trí thức lớn lên sau chiến tranh chống Mỹ. Thứ nhất, “may mắn gặp một người thầy... lãnh đạo tốt (tr.148-160)” làm lộ ra tầm quan trọng của những người nhìn thấy tiềm năng của đồng nghiệp trẻ, dìu dắt và định hướng cho họ trong lúc đất nước còn gian khó. Tác giả dẫn lại lời của GS. Phan Hữu Dật động viên những cán bộ trẻ muốn rời bỏ công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học để kiếm sống: “Làm một nhà nghiên cứu không dễ… nhưng những tri thức anh vắt óc để lại…, thì dù anh có chết đi, anh vẫn truyền sức sống cho thế hệ sau, và cuộc sống của anh sẽ được tiếp nối không ngừng” (tr.158). Thứ hai, “may mắn khi được đi học nước ngoài vì một lần phát biểu liều”(tr.97) làm lộ ra sự đầu tư hiếm hoi của khối Âu – Mỹ dành cho cán bộ trẻ ngành Khoa học xã hội và Nhân văn vào thời kỳ đó. Các suất học bổng đi Tây hiếm đến nỗi, mỗi suất học bổng được trao là một “cú đổi đời” trong sự nghiệp nghiên cứu của họ. Hai khía cạnh quan trọng đó hiện vẫn còn nguyên giá trị khi xét đến việc đào tạo đội ngũ trí thức trẻ ngành Nhân học ở Việt Nam.

Ảnh: VH.
Ảnh: VH.

Ở những chương tiếp theo, khi đã trở nên lành nghề, tác giả suy tư nhiều hơn về những môi trường và con người ông từng làm việc cùng dưới con mắt của một nhà nhân học. Đối với những trải nghiệm giảng dạy và làm việc trong môi trường quốc tế, ông luôn có sự so sánh với nền giáo dục và sinh viên Việt Nam, và suy nghĩ làm thế nào để cải cách việc thực hành dạy và học ở quê hương. Đối với ông, Việt Nam là điểm quy chiếu mỗi khi ông đón nhận một hiện tượng mới trong cuộc đời. Trong sự phản tư và rẽ nhánh không ngừng của ngành Nhân học trên thế giới, Nguyễn Văn Chính thuộc nhóm những trí thức bản địa, hướng tới phục vụ cộng đồng và đó cũng là xu thế chung của ngành Nhân học trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay.

Chân dung một trí thức bản địa càng rõ hơn qua những trang viết về trải nghiệm của tác giả trong những ngày đi điền dã và làm các dự án phát triển. Bằng giọng văn trần thuật gần như không bộc lộ cảm xúc, ông kể lại những kỷ niệm như chuyện đi làm dự án về tỷ lệ tử vong sản do tập tục thực hành sinh đẻ trong rừng của phụ nữ các tộc người thiểu số. Dù thói quen sinh con trong rừng theo tập tục có tỷ lệ nhiễm khuẩn rất cao, họ vẫn không muốn đẻ ở trạm y tế xã vì “xấu hổ không đẻ được” (tr.336-357). Hay câu chuyện “vợ chồng tuyệt tự” ở làng Giao, vì cô vợ không đẻ được, bà mẹ chồng bắt anh con trai lấy vợ hai, nhưng anh chồng không muốn, cuối cùng “lao đầu vào làm ăn kinh tế” để rồi cô vợ “có tiền càng cầu xin thần thánh liên miên”(tr.173). Những câu chuyện này phô bày sự phức tạp trong mối quan hệ đan xen nhau của ba cực Văn hóa – Khoa học – Chính sách phát triển. Nó buộc nhà nhân học đi đến cùng những ranh giới của thân phận con người: Làm sao con người ở những văn hóa khác nhau, mang theo mình thế giới quan xung đột lẫn nhau, có thể cùng nhau tạo dựng một cuộc sống tốt hơn cho nhau? Thân phận con người là sự thương thỏa không dứt trong xung đột giữa thế giới quan truyền thống và sự thích ứng để phát triển. Qua những trang viết này, tác giả ngầm ẩn về nhiệm vụ của một nhà nhân học, đó là chỉ bằng cách chấp nhận thế giới phức tạp như nó đang hiện hữu, một nhà nhân học mới có thể đi đến cùng những mâu thuẫn trong sự khác biệt của con người, và vì thế làm giàu thêm những kinh nghiệm của con người hiện đại với tư cách là một tồn tại ở trong thế giới. Khi nhà nhân học suy tư cùng với sứ mạng xã hội ấy, công việc nghiên cứu của họ mới thực sự mang lại lợi ích cho cộng đồng.