Gà ta (các giống gà nội địa Việt Nam) bị “nhái” bằng các loại gà bán công nghiệp như gà lương phượng, gà tam hoàng, thậm chí là gà mái thải loại từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Các giống gà nổi tiếng gắn với địa danh của nhiều địa phương bị giả mạo bằng giống gà thường. Thịt lợn già loại thải cũng được dùng làm giả thịt lợn rừng và lợn bản địa.
Quan sát bằng mắt thường, rất khó phân biệt các giống gà ta dựa theo ngoại hình và càng khó hơn khi đã ở dạng thịt. Để đối phó với nạn hàng giả này, Bắc Giang đã bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế bằng cách kẹp chì cả xe ô tô vận chuyển gà.
Tuy nhiên, rất nhiều giống vật nuôi bản địa đặc hữu đang được chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình nên không thể áp dụng giải pháp trên. Do đó, Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp cần nghiên cứu cách thức chống nạn làm giả các giống vật nuôi nổi tiếng, góp phần tạo thuận lợi cho việc bảo tồn gene quý tại địa phương.
Gà ri Ninh Hòa (Khánh Hòa) của Công ty Phùng Dầu Sơn. Ảnh: Châu Long
Mấu chốt thành công của phương pháp bảo tồn này là làm sao để người nuôi có thu nhập tốt, nghĩa là ngoài vấn đề năng suất, chất lượng còn phải quan tâm đến khả năng tiêu thụ. Người dân đủ sức tự bảo tồn, nhưng muốn làm bài bản thì phải có Nhà nước.
Nếu nghĩ đến viễn cảnh Việt Nam 10 năm sau không còn các nguồn gene quý, Nhà nước buộc phải hỗ trợ các hộ nuôi như một cách đầu tư cho tương lai. Đối với những nguồn gene giá trị kinh tế thấp, Nhà nước nên bỏ thêm tiền bù lỗ để tránh giao phối đồng huyết do quá ít cá thể và đưa các nhà khoa học vào cuộc. Ngoài ra, có thể kết nối với các tổ chức nước ngoài để họ biết đến các giống bản địa Việt Nam và tận dụng cơ hội được hỗ trợ bảo tồn.